Đề xuất giảm giờ làm việc hằng tuần từ 48 giờ xuống còn 44 giờ trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) là một trong những nội dung tiếp tục nhận được nhiều quan điểm của phía các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp thuộc khối sản xuất trực tiếp, dịch vụ.
Ông Nguyễn Hải Thanh, Trưởng phòng Tuyển dụng, Công ty Cổ phần Bibo Mart cho biết, với doanh nghiệp này, hiện nay khối sản xuất hầu hết đều đang làm việc 48 giờ/tuần, nhưng khối văn phòng dịch vụ chỉ làm 44 giờ. Điều này cho thấy rằng, việc quy định số giờ làm việc sẽ phải linh động vào đặc thù của từng doanh nghiệp.
"Theo tôi, việc quy định số giờ làm việc trong một tuần phụ thuộc rất lớn vào loại hình doanh nghiệp như: doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp dịch vụ, doanh nghiệp thương mại", ông Thanh nói và nhấn mạnh rằng, riêng đối với nhóm doanh nghiệp sản xuất sẽ phải tận dụng tối đa thời gian và nhân công để đáp ứng các đơn hàng cũng như tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt hơn.
Nhìn nhận vấn đề ở góc độ doanh nghiệp, ông Thanh cho rằng, khi năng suất lao động được đẩy lên cao hơn thì lúc đó mới nên nghĩ đến việc giảm giờ làm, còn hiện nay năng suất lao động của chúng ta vẫn rất thấp thì nên cân nhắc.
Mặc dù vậy, vấn đề quan trọng cũng chưa hẳn là quy định làm việc 44 hay 48 giờ mà là hiệu quả sử dụng lao động, có thể chỉ làm 44 giờ nhưng chất lượng công việc tốt.
Tuy nhiên, ông Thanh cũng thừa nhận rằng, việc tăng năng suất lao động cần xem xét trên nhiều khía cạnh khác nữa như quản trị doanh nghiệp, đổi mới công nghệ. Hơn hết, bản thân người lao động cũng phải tự mình nâng cao kỹ năng để xử lý được công việc với thời gian nhanh hơn.
Nhưng bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần có những hỗ trợ cho người lao động để hoàn thành công việc với năng suất lao động cao lên, lúc này thời giờ làm việc sẽ giảm đi.
Trong khi đó, là một doanh nghiệp thuộc khối thương mại - dịch vụ khác, bà Nguyễn Thị Nhàn, Chuyên viên tuyển dụng Hệ thống siêu thị Bic C lại cho rằng, việc giảm giờ làm việc từ 48 giờ xuống 44 giờ/tuần đối với doanh nghiệp này không có tác động lớn, lý do là thực tế hầu hết người lao động hiện đều đang làm 44 giờ một tuần.
Riêng với loại hình lao động làm bán thời gian, doanh nghiệp đã có chính sách thay đổi luân phiên theo ca để đảm bảo người lao động không phải làm quá 44 giờ.
Theo bà Nhàn, qua thực tiễn cho thấy, doanh nghiệp duy trì thời gian làm việc như hiện nay vẫn đảm bảo tốt hiệu quả công việc, còn người lao động vẫn có thời gian nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động.
Không phủ nhận việc doanh nghiệp ở các khối sản xuất muốn tăng giờ làm việc, còn người lao động lại muốn có thêm thời gian nghỉ ngơi là điều hoàn toàn bình thường, nhưng theo bà Nhàn việc sử dụng thời gian làm việc bao nhiêu còn tùy thuộc vào từng loại hình công việc và yêu cầu của đối tác.
"Big C chúng tôi phụ thuộc rất nhiều vào khách hàng, dù thời gian làm việc bình thường quy định chỉ là 44 giờ, nhưng hôm nào quá đông khách hàng thì chúng tôi vẫn phải huy động nhân viên làm tăng ca, ngược lại cũng có những hôm các bạn được nghỉ sớm hơn, đặc thù của ngành dịch vụ là như vậy", bà Nhàn lý giải.
Cũng ở góc độ doanh nghiệp, song bà Đậu Thị Hà, Trưởng phòng Kinh doanh và Tuyển dụng, phòng Quan hệ cổ đông Tập đoàn Panda lại bày tỏ ủng hộ phương án giảm giờ làm việc xuống còn 44 giờ, vì điều này sẽ hỗ trợ cho người lao động rất nhiều để tái tạo sức lao động.
Theo bà Hà, khi người lao động được nghỉ ngơi thoải mái, họ sẽ càng có trách nhiệm với công việc và đạt được hiệu quả cao hơn chứ không nhất thiết phải kéo dài lên 48 giờ.
"Doanh nghiệp lo lắng giảm giờ làm ảnh hưởng đến năng suất lao động là toàn toàn có lý, nhưng tôi lại nhìn vấn đề này ở góc độ khác, rằng nếu chúng ta tạo được sự thoải mái cho người lao động thay vì bắt ép họ phải kéo dài thời gian làm việc thì sẽ càng giúp cho doanh nghiệp nhiều hơn", bà Hà nhấn mạnh.
"Làm thêm giờ phải trả lương lũy tiến"
"Tăng năng suất lao động không đồng nghĩa với việc tăng thời giờ làm việc, mà doanh nghiệp còn phải đổi mới công nghệ, thay đổi việc quản trị nhân lực và cơ cấu lại việc sản xuất cho hợp lý, đó mới là các yếu tố tổng hòa để tăng năng suất lao động.
Doanh nghiệp nói không muốn giảm giờ làm cũng có cái lý của họ nhưng tôi nghĩ không hoàn toàn như vậy. Trong thực tiễn hiện nay trên thế giới cũng như bất kỳ quốc gia nào cũng đang phấn đấu hướng đến việc giảm giờ làm, để không chỉ là tạo ra năng suất mà còn phải đảm bảo sức khỏe cho người lao động.
Kéo dài thời gian lao động cũng không đồng nghĩa với việc làm thêm giờ, vì điều này còn liên quan đến an toàn lao động, nếu không may người lao động bị tai nạn do làm việc căng thẳng quá thì có phải lợi bất cập hại hay không?
Lúc đó, doanh nghiệp lại phải bỏ tiền ra điều trị cho người bệnh, nhà nước, quỹ Bảo hiểm xã hội lại phải chi trả tỷ lệ thương tật do tai nạn lao động này gây ra. Rõ ràng, bài toán này chúng ta phải tính một cách tổng thể, nếu làm thêm giờ để đẩy nhanh tốc độ xuất khẩu thì phải trả lương lũy tiến, như vậy chưa chắc doanh nghiệp có lợi đâu.
Nguyên tắc là nhà nước phải cố gắng cải thiện điều kiện lao động, giảm giờ làm, tăng năng suất lao động bằng tất cả các giải pháp tổng thể. Không nên để tất cả vấn đề năng lực cạnh tranh mà lại đổ vào đầu người lao động. Thay vào đó, phải giành thời gian để người lao động được học tập, nâng cao tay nghề, khi kỹ năng làm việc tốt thì năng suất lao động sẽ nâng lên" - Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội.
"Hãy để người lao động vui vẻ khi đến doanh nghiệp"
"Doanh nghiệp phải quan tâm nhiều hơn đến yếu tố quản trị, đổi mới công nghệ, đừng giành quá nhiều kỳ vọng thay đổi năng suất lao động từ phía người lao động làm thêm giờ. Hãy để người lao động có sức khỏe thật tốt, minh mẫn, vui vẻ khi đến doanh nghiệp.
Đừng quên đến việc muốn phát triển bền vững đất nước cần chuẩn bị nguồn nhân lực cho tương lai, giành thời gian cho những đứa trẻ vì chúng rất xứng đáng được bố mẹ quan tâm, đó là điều tôi nghĩ chúng ta rất cần phải chia sẻ" - Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Nhật Dương (ghi)