August 03, 2009 | 10:33 GMT+7

Doanh nghiệp sản xuất kính xây dựng kêu cứu

Hương Loan

Đã cắt giảm chi phí, giảm giá bán nhưng các doanh nghiệp sản xuất kính vẫn chưa có lối thoát

Kính trong nước không thể cạnh tranh được về giá với kính nhập khẩu.
Kính trong nước không thể cạnh tranh được về giá với kính nhập khẩu.
Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp sản xuất kính xây dựng trong nước đã buộc phải tạm dừng sản xuất khi lượng kính tồn kho lớn không tiêu thụ được và không thể cạnh tranh được về giá với kính nhập khẩu.

Theo ông Trần Quốc Thái, Chủ tịch Hiệp hội Kính và thủy tinh Việt Nam, nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời thì những thiệt hại mà ngành sản xuất kính trong nước phải gánh chịu là rất lớn.

Tình hình khó khăn của các doanh nghiệp có phải do chất lượng kính sản xuất trong nước kém, sử dụng công nghệ sản xuất lạc hậu, giá cả không cạnh tranh, thưa ông?

Đúng là ngành sản xuất kính xây dựng trong nước đang gặp nhiều khó khăn, mặc dù các doanh nghiệprất tích cực và chủ động tìm biện pháp như cắt giảm chi phí đầu vào, giảm giá bán và tăng cường xuất khẩu... nhưng vẫn chưa có lối thoát.

Một số doanh nghiệp đã buộc phải tạm dừng sản xuất, các doanh nghiệp còn lại buộc phải giảm giá bán để cạnh tranh với hàng nhập khẩu, cố gắng hạn chế lượng hàng tồn kho. Vấn đề là chất lượng kính sản xuất trong nước không hề thua kém sản phẩm cùng loại nhập khẩu từ các nước trong khu vực, thậm chí chất lượng cao hơn nhiều chủng loại được nhập từ Trung Quốc. Ngoài ra, hàng của Việt Nam không hề kém cạnh tranh về giá.

Nếu chỉ đơn thuần so sánh con số, sẽ khó thấy được bản chất vấn đề. Hàng hóa kém chất lượng được nhập khẩu chắc chắn giá bán sẽ rẻ hơn. Nhưng người tiêu dùng không được trang bị đủ kiến thức và phương tiện để đánh giá về chất lượng.

Hoặc đối với hàng hóa nhập khẩu từ ASEAN có chất lượng tương đương, nhưng với lợi thế về thuế suất thuế nhập khẩu (5% so với mức thông thường là 40%) và chính sách về giá xuất khẩu của nhà sản xuất nước ngoài (khi có khủng hoảng thừa thì sẵn sàng xuất khẩu với giá cực thấp nhưng vẫn giữ giá tại thị trường nội địa) thì giá bán của hàng nhập khẩu sẽ rẻ hơn so với hàng sản xuất trong nước.

Điều cần nhấn mạnh ở đây là, các doanh nghiệp trong nước đã phải liên tục điều chỉnh giá bán để có thể cạnh tranh được, trong khi chi phí sản xuất tính tại thời điểm cuối năm 2008 tăng tới trên 40% so với đầu năm nhưng các doanh nghiệp hầu như không thể tăng giá bán hoặc tăng giá bán ở mức rất hạn chế, không đủ bù đắp chi phí gia tăng.

Thưa ông, việc nhập khẩu kính tràn lan ảnh hưởng như thế nào đối với hoạt động của doanh nghiệp sản xuất kính trong nước?

Theo ý kiến của tôi, việc kính nhập khẩu tràn lan vào thị trường Việt Nam đã gây thiệt hại cho các doanh nghiệp  sản xuất trong nước về mọi mặt. Đến nay đã có 5 dây chuyền sản xuất của các doanh nghiệp  trong Hiệp hội đã phải dừng lò. Lượng hàng tồn kho tại thời điểm đầu năm 2009 lên tới 34 triệu m2 (trong khi sản lượng tiêu thụ cả năm 2008 khoảng 80 triệu m2).

Bên cạnh đó hàng nghìn công nhân lao động bị mất việc làm. Để giảm mức tồn kho, giảm chi phí đầu vào, có doanh nghiệp đã phải đập kính thành phẩm để đưa vào nấu lại với một khối lượng không nhỏ, vì đặc thù hoạt động của lò nấu kính là không thể dừng được. Bên cạnh đó, chi phí cho việc dừng sản xuất rất lớn vì phải tháo dỡ thủy tinh, bảo dưỡng thiết bị, lương cho công nhân chờ việc, chi phí khôi phục sản xuất còn lớn hơn nữa (chi phí trung bình cho một doanh nghiệp  trong việc ngừng sản xuất mất 20 - 30 tỷ đồng). Các thiệt hại khác có thể kể đến như giảm sản lượng tiêu thụ, giảm lợi nhuận.

Lượng kính nhập khẩu quý 1/2009 mà hai doanh nghiệp đứng đơn đề nghị điều tra áp dụng biện pháp tự vệ (Công ty kính nổi Viglacera và Công ty TNHH Kính nổi Việt Nam) thống kê vào khoảng 7 triệu m2 quy tiêu chuẩn. Hiện nay, chúng tôi chưa tập hợp được số liệu kính nhập khẩu đến hết tháng 7/2009.

Tuy nhiên, nếu so sánh với lượng nhập khẩu của cả năm 2008 là khoảng 25 triệu m2 quy tiêu chuẩn và năm 2007 khoảng 13 triệu m2 quy tiêu chuẩn, chúng tôi có cơ sở để tin rằng xu thế gia tăng lượng nhập khẩu trong 7 tháng vừa qua vẫn đang tiếp diễn, nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời thì những thiệt hại mà ngành sản xuất trong nước phải gánh chịu là rất lớn.

Trong điều kiện đó, chúng tôi rất hoan nghênh và ủng hộ việc Bộ Công Thương đã sớm ban hành Quyết định điều tra áp dụng biện pháp tự vệ trên cơ sở đơn đề nghị của hai doanh nghiệp sản xuất kính nổi trong nước. Chúng tôi tin rằng, biện pháp này nếu được áp dụng sẽ góp phần rất lớn giúp cácdoanh nghiệp sản xuất kính trong nước thoát khỏi khó khăn hiện tại.

Trong thời gian chờ kết luận cuối cùng của Cục Quản lý cạnh tranh, theo ông doanh nghiệp cần làm gì để tiếp tục đứng vững?

Doanh nghiệp phải là người chủ động thực hiện các giải pháp bảo vệ lợi ích của mình. Trong khi chờ quyết định từ phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền, doanh nghiệp vẫn cần chủ động cắt giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, đẩy mạnh xuất khẩu, cải thiện các điều kiện bán hàng và thanh toán...

Cần nói thêm là, tất cả những biện pháp này đến nay đều đã được áp dụng, nhưng hiệu quả vẫn chưa được như mong đợi do không thể cạnh tranh được với hàng nhập khẩu.

Với tư cách là một tổ chức Hiệp hội, chúng tôi đã có các văn bản báo cáo tình hình và kiến nghị gửi đến các bộ, ngành có liên quan như Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ...

Đáng mừng là Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 11 về quản lý chất lượng kính xây dựng. Chúng tôi đang tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng để giải trình rõ hơn về các kiến nghị khác. Ngoài ra, chúng tôi cũng đề nghị các hội viên kịp thời thông tin về tình hình doanh nghiệp và tình hình thị trường để Hiệp hội tập hợp và gửi tới các cơ quan quản lý Nhà nước.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate