Khảo sát tại các siêu thị như Bách Hóa Xanh, Vinmart… hiện các sản phẩm ăn liền như mì gói, bún, phở… đang được người tiêu dùng mua rất nhiều. Trong khi đó, các sản phẩm này ở một số điểm bán đều rơi vào tình trạng hết hàng cục bộ do không có nguồn cung hoặc vừa nhập về thì khách hàng đã mua hết ngay.
Ông Kajiwara Junichi, Tổng giám đốc Công ty Acecook Việt Nam, cho biết: Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, cộng với việc thực hiện phương châm “3 tại chỗ” đã khiến cho tổng sản lượng sản xuất của công ty bị giảm so với bình thường. Thêm vào đó, hiện nay số lao động của công ty đăng ký “ba tại chỗ” chỉ chiếm khoảng một nửa tổng số lao động.
“Do đó, sản lượng sản xuất giảm rất nhiều so với bình thường và điều này dẫn đến một vấn đề lớn là nguồn cung của chúng tôi đang không đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường,” ông Kajiwara Junichi cho biết. Hiện nay các đối tác vận tải của công ty cũng xuất hiện ca nhiễm, dẫn đến tình trạng không đủ xe tải vận chuyển hàng, gây ảnh hưởng đến việc giao hàng cho các nhà phân phối, các hệ thống siêu thị và ảnh hưởng đến việc trung chuyển thành phẩm giữa các chi nhánh của công ty.
Tương tự, ông Trương Tiến Dũng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn, cũng thừa nhận công ty buộc phải đóng cửa một xưởng sản xuất do thiếu nguyên liệu đầu vào. Cụ thể là cá để sản xuất chả cá, đồ hộp, đồ khô… Điều này khiến nguồn hàng phân phối cho các hệ thống bán lẻ như cửa hàng thực phẩm, siêu thị... bị thiếu hụt, không đủ cung ứng cho thị trường. Để khắc phục, hiện công ty đang tăng năng suất lao động, tìm thêm nguồn nguyên liệu để bù đắp thiếu hụt hiện nay.
Tại chương trình Cà phê doanh nhân do Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) vừa tổ chức, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM (FFA), cho biết đến nay, nhiều công ty sản xuất trong ngành vẫn giữ vững sản xuất. Tuy nhiên, một số công ty thực phẩm áp dụng mô hình “3 tại chỗ” chỉ có thể sử dụng 50% - 60% lực lượng lao động nên không có đủ công nhân sản xuất, dẫn đến hàng hóa bị thiếu.
“Nguyên cánh đồng hành lá của Bà Rịa- Vũng Tàu, trước đây đến ngày thu hoạch, thương lái đến mua chất lên xe đưa lên nhà máy ở TP.HCM. Nhưng trong bối cảnh dịch bệnh, thương lái không thuê xe vận chuyển được, họ không đi nữa coi như đứt hàng. Mà nhà sản xuất chỉ cần đứt mặt hàng hành lá thì tất cả gói nêm mì ăn liền thiếu hành nên đâu có sản xuất được,” - bà Chi nói.
Theo Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh, ngoài các nguyên liệu chính thì các doanh nghiệp sản xuất đầu cuối phải nhập từ nhiều loại nguyên phụ liệu khác nhau. Hiện nay, việc các nhà cung cấp nguyên liệu dừng hoạt động vì có ca F0 có thể xảy ra bất cứ lúc nào; nếu không nhập được một loại nguyên liệu nào đó thì khả năng doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, hàng hóa tiêu dùng lương thực thực phẩm thiết yếu sẽ bị thiếu. Nhiều nguyên có trong gói bột nêm của mì ăn liền như hành lá, tiêu… cũng không nằm ngoài sự ách tắc này.
"Để việc ngừng sản xuất không xảy ra, các doanh nghiệp đề xuất đối với các loại nguyên liệu phụ như gia vị, hương liệu, phụ gia... cơ quan quản lý cho phép họ tìm loại khác thay thế hoặc điều chỉnh tăng giảm hàm lượng phù hợp mà không ảnh hưởng đến chất lượng, tính an toàn và đặc trưng cơ bản của sản phẩm, đặc biệt sự điều chỉnh này không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng và chỉ diễn ra tạm thời trong thời gian ngắn," Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM kiến nghị.
Lý giải đề xuất này, bà Chi cho biết theo Luật An toàn Thực phẩm và các quy định liên quan thì với những điều chỉnh nói trên, doanh nghiệp cần phải làm lại thủ tục tự công bố sản phẩm và thay đổi bao bì hiện tại. Thông thường, việc này mất khá nhiều thời gian và trong thời điểm này sẽ càng mất nhiều thời gian hơn, nếu in lại bao bì chi phí phát sinh sẽ rất lớn, bao bì cũ còn nhiều phải bỏ sẽ rất lãng phí. Như vậy, nguy cơ các doanh nghiệp phải tạm ngưng sản xuất là rất cao.
"Trong bối cảnh hiện nay, rất mong nhận được sự chia sẻ và rất cần các giải pháp xử lý linh động từ chính quyền, do đó đề nghị cho phép được thay thế các thủ tục nói trên bằng cách doanhnghiệp gửi báo cáo chi tiết bằng văn bản cho các cơ quan nhà nước liên quan và thông tin minh bạch đến người tiêu dùng," - Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM nêu rõ.
Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM cũng kiến nghị TP.HCM nên có tổ công tác lắng nghe và giải quyết khó khăn một cách nhanh chóng cho doanh nghiệp trong thời điểm hiện nay, bởi các vấn đề doanh nghiệp đối mặt trong lúc này là liên tục. Việc này cũng nhằm khơi thông cho hàng hóa trong bối cảnh hiện nay.