Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại Xây dựng IC ISTAS đến từ Thổ Nhỹ Kỳ là doanh nghiệp đứng đầu liên danh VIETUR vừa trúng thầu kỹ thuật gói thầu lớn nhất 35.000 tỷ sân bay Long Thành. Kinh nghiệm thi công sân bay quốc tế của doanh nghiệp này như thế nào đang là câu hỏi được thị trường quan tâm.
IC Ictas là doanh nghiệp thi công của IC Holdings do ông Ibrahim Cecen làm Chủ tịch HĐQT. Theo thông tin từ website của doanh nghiệp, IC Holdings đã từng có kinh nghiệm thi công 7 sân bay và một trung tâm kiểm soát giao thông hàng không. Trong đó, có 4 sân bay thuộc Thổ Nhỹ Kỳ, một sân bay của Nga, một sân bay của Ả rập Saudi và một sân bay của Bulgari.
4 sân bay của Thổ Nhĩ Kỳ này gồm: Sân bay khu vực quốc tế Victory, ngày ký hợp đồng là 7/6/2011, IC Holdings thiết kế, xây dựng sân bay, cung cấp và lắp đặt các hệ thống cơ khí điện tử, điện và an ninh liên quan. Công suất được thiết kế nhằm đảm bảo nhu cầu khai thác tới năm 2044.
Thứ hai là nhà khách sân bay Adnan Menderes ngày bắt đầu thi công là tháng 9/2005 và ngày hoàn tất 2006.
Thứ ba là Dự án cải tạo sân bay quốc tế Atalya ngày bắt đầu thi công là tháng 11/2007, ngày hoàn tất tháng 12/2010. Dự án gồm xây dựng nhà ga mới 380.000 m2 và xây dựng sân sỗ 132.000 m2, nâng công suất nhà ga T1 và T2. Trước đó, IC Holdings cũng đã thi công sân bay Antalya 2; xây dựng đường băng thứ 2 và sân đỗ bổ sung tại khu vực sân bay này.
Thứ tư là sân bay Ordu Giresun ngày bắt đầu tháng 7/2022 và hoàn tất vào tháng 4/2015. Đây là sân bay được xây dựng trên biển.
Ngoài ra, IC Holdings còn xây dựng Trung tâm kiểm soát giao thông hàng không thông minh cho Thổ Nhĩ Kỳ, ngày hoàn tất dự án là 2009.
Về kinh nghiệm thi công sân bay quốc tế, vào năm 2011, IC Holdings thi công sân bay quốc tế Pulkovo cho Nga. Đây là một trong những sân bay lớn nhất nước Nga, tọa lạc tại Saint.Peterburg, công suất của sân bay phục vụ được 17 triệu lượt hành khách với nhà ga mới, phòng trưng bày phía Bắc và cải tạo Nhà ga Pulkovo 1.
Tại Bulgari, liên danh này cải tạo 2 sân bay tại thành phố Varna và Burgas, ngày hoàn tất vào năm 2013.
Còn tại Ả rập Saudi, IC Holdings đang xây dựng sân bay quốc tế King Khaled từ năm 2017 đến nay chưa xong. Tại sân bay này, IC Holdings cải tạo, chuyển đổi nhà ga số 3 từ sân bay địa phương thành sân bay quốc tế; lắp đặt cơ điện cho nhà ga số 4. Tổng công suất của dự án này trung bình hàng năm phục vụ 12 triệu lượt hành khách.
IC Holdings có tên thương mại là IC İBRAHİM ÇEÇEN YATIRIM HOLDİNG A.Ş. Địa chỉ doanh nghiệp nằm ở khu vực Kocatepe, số 31 đại lộ Kizilirmak; vốn điều lệ của doanh nghiệp này là 725 triệu Lira (tiền Thổ Nhĩ Kỳ), tương đương với 638,7 tỷ Việt Nam đồng. IC Holdings thành lập vào năm 1969, hiện đang sở hữu hơn 30 công ty con trong các lĩnh vực xây dựng, năng lượng, du lịch, công nghiệp, sân bay.
Trong diễn biến liên quan, liên danh Hoa Lư vừa gửi đơn Kiến nghị với tư cách là bên dự thầu gói thầu 5.10 – Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành để khiếu nại Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) liên quan đến Thông báo Liên danh nhà thầu Vietur đáp ứng yêu cầu kỹ thuật số 3146/TB-TCTHKVN-LT ngày 1/8/2023.
Liên danh Vietur gồm 10 doanh nghiệp, đứng đầu là Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại Xây dựng IC Istas của Thổ Nhĩ Kỳ. Các thành viên còn lại gồm Ricons, Newtecons, Sol E&C, Tổng công ty Xây dựng số 1, ATAD, Vinaconex, Phục Hưng Holdings, Hawee cơ điện và Tổng công ty Xây dựng Hà Nội. Trong đó, Ricons, Newtecons và Sol E&C là ba doanh nghiệp nằm trong hệ sinh thái của ông Nguyễn Bá Dương.
Liên danh Hoa Lư cho biết có bằng chứng cho thấy thành viên đứng đầu của liên danh Vietur đã vi phạm quy định về đấu thầu và không đủ tiêu chuẩn để đáp ứng yêu cầu kỹ thuật gói thầu 5.10 và vì vậy cần xem xét lại Thông báo số 3146.
Trước đó, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (Mã: ACV) vừa công bố thông tin VIETUR là nhà thầu đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của gói thầu 5.10 "Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách" của dự án thành phần 3 - Các công trình thiết yếu trong cảng hàng không thuộc dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Gói thầu 5.10 có tổng giá trị hơn 35.200 tỷ đồng - gói thầu lớn nhất của sân bay Long Thành. Thời gian thi công 39 tháng. Tới đây, gói thầu tài chính sẽ được mở.