VnEconomy đã phỏng vấn bà Vũ Thị Lan Hương - Giám đốc Công ty TNHH thêu ren Mặt Trời Xanh - Chi nhánh Hà Nội, để tìm hiểu các giải pháp mà doanh nghiệp này đã thực hiện để vượt qua thách thức.
Thưa bà, năm 2023 được các nhà chuyên gia kinh tế, đại diện nhiều doanh nghiệp nhận định là năm rất khó khăn, thậm chí là các thách thức còn nhiều hơn so với thời điểm diễn ra Covid-19. Trong bối cảnh đó, Mặt Trời Xanh đã có những giải pháp như thế nào để ổn định sản xuất và phát triển?
Có thể khẳng định, năm nay là một năm khó khăn hơn rất nhiều so với quãng thời gian đại dịch. Thực sự ở thời điểm đó tuy có khó khăn trong đi lại nhưng các đơn hàng rất dồi dào.
Tuy nhiên, cho đến sang năm 2023, với bối cảnh chung về khủng hoảng kinh tế toàn cầu và cũng như việc còn tồn đọng hàng trong kho của các bạn hàng dẫn đến đơn hàng sụt giảm đáng kể.
Trước bối cảnh này, Mặt Trời Xanh buộc phải thay đổi hình thức hoạt động, tập trung hơn vào việc thị trường trong nước cũng như để duy trì công việc qua đó giữ chân được nhân công. Kế hoạch trong năm 2024 của chúng tôi là duy trì chứ không thể phát triển trong bối cảnh hiện tại được.
Hiện tại, hầu hết các nguồn nhân lực của Việt Nam đang đổ dồn vào khu công nghiệp, khu đô thị. Chính vì vậy được tuyển chọn hay đào tạo một công nhân, nghệ nhân thủ công mỹ nghệ gặp nhiều khó khăn. Xin bà chia sẻ bí quyết để Mặt Trời Xanh luôn đảm bảo được nguồn nhân lực cho sản xuất, từ đó duy trì nguồn hàng ổn định cho các đối tác trong và ngoài nước?
Hiện tại vấn đề nhức nhối của tất cả các làng nghề, đó là việc mất dần nguồn nghệ nhân, không có thế hệ kế tiếp. Chúng tôi luôn trăn trở, muốn thực hiện và đang kết hợp với những người đi trước, tìm cách tuyên truyền và giáo dục với thế hệ trẻ, đặc biệt là những cặp vợ chồng trẻ.
Khi họ đến làm ở các khu công nghiệp, tôi nhận thấy họ có một vấn đề rất lớn, đó là mức thu nhập hiện tại ở các khu công nghiệp vẫn không cao và thiếu bền vững khi làn sóng sa thải hiện đang rất ồ ạt, đặc biệt với các phụ nữ trung tuổi, lớn tuổi.
Nếu chúng ta thuyết phục được họ và cho họ thấy, làm tại làng nghề thì có cơ hội phát triển bền vững. Tại sao nó bền vững? Bởi vì khi họ ở nhà thì bản thân những người phụ nữ họ vẫn có thể vừa trông con. Đấy là một cái lợi lâu dài, rất tốt cho cặp vợ chồng trẻ đó.
Thứ hai là chúng tôi cũng muốn thuyết phục, vận động những phụ nữ trung niên phải nghỉ ở các khu công nghiệp do cái làn sóng sa thải rất lớn hiện nay đưa họ về quay trở lại với nghề. Dĩ nhiên, chúng tôi phải cố gắng hết mức để có thể tạo được cho họ mức thu nhập gần bằng hoặc bằng với ở khu công nghiệp.
Tuy nhiên, việc thực hiện được những điều này không phải là một sớm một chiều mà cần phối hợp với truyền thông rộng khắp cũng như phải kết hợp rất nhiều với các cấp, các hội, các ban ngành mới có thể làm được.
Việc tuyên truyền này không phải chúng tôi có thể đến gặp từng nhóm thợ mà liên quan tới việc truyền thông mang tính vĩ mô.
Khi thực hiện các chuyến đi thực tế tại nhiều địa phương, đặc biệt là những tỉnh có nhiều danh lam thắng cảnh như Ninh Bình, chúng tôi nhận thấy các sản phẩm đặc trưng của địa phương, ví dụ như hàng thêu ren, mây tre đan để du khách mua làm quà còn rất ít, thậm chí thiếu. Trong những năm qua, Mặt Trời Xanh có tập trung để phát triển sản phẩm phục vụ thị trường trong nước hay không hay là chủ yếu là xuất khẩu?
Thực tế những năm qua, chúng tôi chủ yếu sản xuất hàng hóa để xuất khẩu, lượng hàng bán trong nội địa rất ít.
Thứ nhất là về nguyên liệu hàng. Ví dụ như điển hình là hàng cói một trong những thế mạnh rất lớn của Ninh Bình, nhưng đặc thù của hàng cói không phù hợp với khí hậu Việt Nam, chính vì vậy những sản phẩm rất đẹp thì khi người tiêu dùng Việt Nam sử dụng, sản phẩm hay bị mốc, không giống như ở thị trường châu Âu.
Thứ hai là về cái thiết kế. Nhìn chung ở Việt Nam đang gặp vấn đề rất lớn là không có đội ngũ thiết kế có thể đưa ra được những sản phẩm mang tính ứng dụng cao. Nếu như có một nhóm nào đó thiết kế thì mới chỉ tập trung vào nhóm khách hàng cao cấp thôi.
Ngược lại, đối với nhóm khách hàng bình dân mà hiện tại chiếm tới 95 - 97 % dân số thì không có một cái thiết kế nào phù hợp. Gần đây, tôi cũng nhìn thấy là một số người dân Việt chúng ta, đặc biệt là ở thành thị rất quan tâm tới các sản phẩm thủ công. Tuy nhiên khi tìm đến những sản phẩm làm từ cói và bèo thì nó càng phải khẳng định được chất lượng.
Hiện quỹ đất cho các làng nghề truyền thống cũng đang co hẹp do tốc độ đô thị hóa quá nhanh. Nghệ nhân - doanh nhân, doanh nghiệp không có đủ không gian để phát triển tổ chức các show trưng bày, giới thiệu sản phẩm và quy trình tới du khách. Bà có kiến nghị gì về vấn đề này với chính quyền địa phương?
Bản thân doanh nghiệp cũng có tham vọng là tổ chức và thành lập một cái khu bảo tồn nghề thêu. Nói là bảo tồn nhưng vẫn là một không gian có trưng bày và có sản xuất để du khách thăm quan, trải nghiệm, mua sắm. Tuy nhiên quỹ đất và vốn đầu tư là vấn đề rất lớn, một cái bài toán mà hiện tại chúng tôi đang chưa có lời giải đáp.
Nếu muốn có được nguồn vốn thì chúng tôi cũng sẽ cần phải vay, và vay cũng phải với một ưu đãi. Nhưng với tình hình hiện tại thì dự án này chưa khả thi.
Hiện nay, các chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ tại Việt Nam đang được thực hiện như thế nào và doanh nghiệp của bà có nhận được các ưu đãi liên quan đến tiền thuê đất, thuế, vay vốn... không? Bà muốn đề xuất hay kiến nghị gì?
Hiện tại cho đến nay là 20 năm thành lập rồi, chúng tôi cũng phải một phần dựa trên nguồn vốn vay từ các ngân hàng. Tuy nhiên chúng tôi hoàn toàn không có những chính sách hỗ trợ liên quan đến tiền thuê đất, thuế, vay vốn. Quỹ đất hay vốn chúng tôi cũng phải làm giống hệt các doanh nghiệp khác, làm chung với các ngành nghề khác cũng không có gì đặc biệt cả.
Tôi thấy gần đây Nhà nước có nhấn mạnh vào việc phát triển các sản phẩm OCOP, đưa lên quảng bá truyền thông, tuy nhiên có hiệu quả đến đâu thì chúng ta còn phải xét về lâu dài, ít nhất phải 3 - 5 năm tới mới có thể đánh giá được thực tế của nó.