Chính quyền tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) vừa tổ chức buổi tọa đàm về vấn đề đầu tư, thương mại giữa Việt Nam và Vân Nam, nhân dịp tham dự Hội chợ Thương mại Quốc tế Việt Nam lần thứ 17 (Vietnam Expo 2007) hôm 4/4 tại Hà Nội.
Tham gia toạ đàm có đông đảo các doanh nghiệp hai nước, trong đó đoàn doanh nghiệp Vân Nam có đến 150 doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực: khoáng sản và năng lượng, hóa chất, dược phẩm, kỹ thuật xây dựng, máy móc, sản phẩm điện tử, xuất nhập khẩu thương mại, tài chính và các dịch vụ khác.
Tại toạ đàm, doanh nghiệp hai bên đã trực tiếp giao lưu, tìm hiểu và ký kết các hợp đồng kinh doanh trong nhiều lĩnh vực. Ngay trong buổi toạ đàm đã có khoảng 10 hợp đồng được ký kết với tổng giá trị lên đến gần 410 triệu USD.
Phát biểu tại Toạ đàm, Thứ trưởng Bộ Thương mại Lương Văn Tự khẳng định, trong quan hệ thương mại với Vân Nam, Việt Nam coi trọng cả buôn bán chính ngạch và buôn bán tiểu ngạch. Ông dự báo, kim ngạch thương mại hai chiều trong năm nay sẽ đạt 1 tỷ USD, tăng gấp đôi so với mức kim ngạch năm 2006.
Vân Nam là một trong hai tỉnh của Trung Quốc có vị trí địa lý gần nhất với Việt Nam, là cửa ngõ quan trọng để hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào thị trường nội địa Trung Quốc. Nhân dịp này, VnEconomy đã có cuộc trao đổi với ông Tần Quang Vinh, Tỉnh trưởng tỉnh Vân Nam về những cơ hội nâng tầm quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và tỉnh Vân Nam trong thời gian tới.
Ông đánh giá như thế nào về mối quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và tỉnh Vân Nam trong thời gian qua?
Trong những năm qua, quan hệ thương mại giữa Vân Nam và Việt Nam tăng trưởng liên tục với tốc độ cao. Việt Nam đã trở thành bạn hàng lớn thứ 3 của Vân Nam. Chỉ tính riêng trong năm 2006 vừa qua, kim ngạch thương mại hai chiều đạt hơn 500 triệu USD, tăng 59,2% so với năm 2005. Hàng hóa xuất nhập khẩu chủ yếu trong lĩnh vực: hóa chất, máy móc và điện tử, điện, thép, than, khoáng sản, nông sản.
Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Vân Nam coi Việt Nam là điểm đầu tư quan trọng và chủ yếu của doanh nghiệp mình. Tính đến nay, đã có 47 dự án của Vân Nam đầu tư vào Việt Nam, với tổng vốn đầu tư lên đến 52 triệu USD. Vân Nam cũng đã xuất khẩu được khoảng 1 tỉ kwh điện vào Việt Nam.
Cơ chế hợp tác giữa hai bên ngày càng hoàn thiện. Xây dựng hành lang kinh tế Hà Nội – Côn Minh đã đi đến giai đoạn ký kết. Vân Nam cùng với 4 tình thành miền Bắc Việt Nam đã thiết lập cơ chế hợp tác, trao đổi kinh tế.
Ngoài vấn đề hợp tác kinh tế, thương mại, hai bên cũng đã mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực khác như du lịch, giao thông, nông nghiệp, giáo dục và đào tạo, y tế... Riêng về du lịch, Việt Nam đã trở thành nước du lịch của nhân dân Vân Nam với mỗi năm hàng ngàn lượt khách. Đồng thời, Vân Nam ngày càng hấp dẫn du khách Việt Nam hơn.
Vậy triển vọng trong thời gian tới như thế nào, thưa ông?
Hiện nay, việc thúc đẩy xây dựng khu vực mậu dịch tự do Trung Quốc - ASEAN và hợp tác khu vực tiểu vùng sông Mê Kông là cơ hội tốt đẹp đối với Vân Nam và Việt Nam trong việc mở rộng mối quan hệ hợp tác cùng có lợi. Không gian hợp tác ngày mở rộng, chúng ta nên nắm bắt thời cơ, phát huy tiềm lực của hai bên cùng nhau thúc đẩy hợp tác cùng có lợi.
Như vậy, theo ông, chúng ta cần phải làm gì để thúc đẩy và nâng tầm mối quan hệ này?
Theo tôi, để thúc đẩy hợp tác hơn nữa giữa Vân Nam và Việt Nam, có 4 điểm mà chúng ta cần chú ý:
Một là đẩy mạnh xây dựng hành lang kinh tế Côn Minh – Hà Nội, kiên trì quy tắc nhìn xa trông rộng ngày càng có lợi, thông đường, thông thương, thông điện giữa hai bên. Đưa việc xây dựng hành làng kinh tế Côn Minh – Hà Nội trở thành điển hình hợp tác giữa hai bên, trở thành điểm sáng của khu vực hợp tác kinh tế thương mại tự do Trung Quốc – ASEAN.
Hai là không ngừng nâng cao quy mô và chất lượng đầu tư thương mại. Hai bên cần tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa về thương mại, cố gắng mở rộng hàng hóa xuất nhập khẩu có giá trị cao như thiết bị cơ giới, điện tử, mặt hàng công nghệ cao. Tích cực thúc đẩy chuyển đổi hợp tác mậu dịch mặt hàng thô sang hợp tác mậu dịch mặt hàng gia công đồng thời tìm kiếm hình thức hợp tác nhiều loại, lấy dự án hợp tác làm cơ sở. Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, chế tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng, khai thác tài nguyên và gia công.
Ba là tích cực mở rộng hợp tác trong lĩnh vực xã hội, thúc đẩy hơn nữa hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, khoa học kỹ thuật và y tế.
Bốn là tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp hai bên. Chúng tôi ủng hộ doanh nghiệp Vân Nam sang Việt Nam đầu tư, đồng thời nhiệt liệt hoan nghênh các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Vân Nam, lấy Vân Nam làm con đường đi vào nội địa Trung Quốc. Chúng tôi sẽ tạo điều kiện, bắt cầu nối cho doanh nghiệp hai bên thực hiện các chính sách cùng có lợi.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate