Những biến động thời gian qua như khủng hoảng tiền tệ, cuộc xung đột Nga - Ukraine, lệnh phong tỏa “Zero-Covid” của Trung Quốc… đã gây thiệt hại lên nền kinh tế thế giới. Trong đó có nhiều ngành nghề bị tác động, bao gồm cả ngành vật liệu xây dựng.
SUY THOÁI KINH TẾ LAN RỘNG TỚI 85,7% SỐ DOANH NGHIỆP
Theo khảo sát của Vietnam Report, doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng Việt Nam hiện phải đương đầu với hai trở ngại lớn là “biến động giá nguyên vật liệu” và “tác động của suy thoái kinh tế”.
Đơn vị cho rằng, mức độ ảnh hưởng của tác động suy thoái kinh tế dự báo lan rộng hơn tới 85,7% số doanh nghiệp trong khoảng 12 - 18 tháng tới. Chính triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu không tích cực đã kéo theo sức cầu vật liệu xây dựng yếu. Ngoài ra, những rào cản thương mại của các nước nhập khẩu buộc doanh nghiệp vật liệu xây dựng Việt Nam phải vất vả hơn khi tìm kiếm thị trường xuất khẩu. So cùng kỳ năm trước, sản lượng xuất khẩu sản phẩm từ sắt, thép hai tháng đầu năm 2023 đạt 92,2%, tuy nhiên clinker và xi măng chỉ đạt 69,6%.
Thêm vào đó, tình hình trong nước với lĩnh vực bất động sản chưa có dấu hiệu hồi phục rõ ràng, tất yếu lại kéo theo sự hồi phục chậm chạp của doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng. Trong khi doanh nghiệp chưa thể gạt bỏ hoàn toàn gánh nặng biến động giá nguyên liệu đầu vào. Qua số liệu Bộ Xây dựng thống kê, giá vật liệu xây dựng năm 2023 có thể tiếp tục tăng 3,2%, do giá nguyên vật liệu đầu vào tăng.
Khảo sát từ Vietnam Report còn chỉ ra mức độ ảnh hưởng của sự biến động giá nguyên liệu và phụ gia đến chiến lược phát triển, nâng cao uy tín doanh nghiệp vật liệu xây dựng năm 2023 đạt 4,7 điểm trên thang điểm 5, nghĩa là ảnh hưởng rất lớn. Con số này dù giảm nhẹ so mức 4,8 điểm năm 2021, nhưng vẫn tăng mạnh so mức 4,1 điểm năm 2020, hay 3,8 điểm năm 2021, là năm mà phần lớn hoạt động kinh doanh đều bị đóng băng bởi tác động của đại dịch.
Mặt khác, sự bất cân xứng cung-cầu do tình trạng dư thừa nguồn cung cũng gây nên sự cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp. Đứng trước bối cảnh khó khăn, một số doanh nghiệp vật liệu xây dựng vẫn giữ thái độ thận trọng khi đánh giá triển vọng kinh doanh của ngành năm 2023. Trên thang điểm 5, họ “chấm” lĩnh vực xi măng 2,8 điểm; gạch, đá ốp lát, sứ vệ sinh 2,9 điểm; lĩnh vực sắt, thép, tôn 3,0 điểm.
ĐẦU TƯ CÔNG KỲ VỌNG LÀ ĐỘNG LỰC ĐƯA THỊ TRƯỜNG HỒI PHỤC
Tuy nhiên, Vietnam Report thông tin, một số khác lại khá lạc quan khi nhận định đầu tư công là động lực mạnh mẽ đưa thị trường hồi phục và phát triển trở lại. Bởi năm 2023, Chính phủ dự kiến chi 793.000 tỷ đồng cho giải ngân đầu tư công, tương đương mức tăng 34% so kế hoạch năm 2022. Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 56,9 nghìn tỷ đồng, bằng 8,3% kế hoạch năm; tăng 18,3% so cùng kỳ năm trước. Với những chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng nhằm đưa dòng vốn đầu tư công vào nền kinh tế ngay thời điểm đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 được kỳ vọng sẽ tăng 20-25% so giải ngân thực tế năm 2022. Điều này có thể mở ra cơ hội lớn cho ngành vật liệu xây dựng.
Bổ sung thêm, ThS. Phạm Ngọc Trung, chuyên gia vật liệu xây dựng nhận xét, việc Chính phủ tích cực tháo gỡ khó khăn về pháp lý cho thị trường bất động sản nhằm khơi thông những dự án đang triển khai dang dở ở giai đoạn trước, chắc chắn giúp thúc đẩy tăng trưởng “hệ sinh thái” đi cùng như xây dựng, vật liệu xây dựng.
Đặc biệt “Khi một thị trường nhập khẩu lớn như Trung Quốc đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ bất động sản của họ, sẽ là cơ hội tốt cho doanh nghiệp vật liệu xây dựng Việt. Hơn nữa, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn tiếp tục đổ về Việt Nam do sự ổn định chính trị, môi trường kinh doanh và sức phát triển tại thị trường nội địa cũng là ưu thế”, chuyên gia bình luận.
Đồng quan điểm, đại diện Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam đánh giá, vốn nước ngoài có thể coi là “lối thoát” hiếm hoi cho doanh nghiệp ngành xây dựng. Nhưng dự án FDI chỉ là lối thoát của doanh nghiệp lớn, trong khi khối doanh nghiệp nhỏ chưa đủ mạnh để cạnh tranh thì có khả năng “chết dần, thậm chí chết rất nhanh”. Vì vậy nhằm tháo gỡ khó khăn Chính phủ cần đưa ra giải pháp gỡ vướng pháp lý, giảm thiểu “phí không tên”…
Về phía doanh nghiệp, để nắm bắt cơ hội, phải chủ động thực hiện các chiến lược nhằm duy trì hoạt động ổn định và thúc đẩy sự tăng trưởng. Doanh nghiệp nên ưu tiên ứng dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Trên cơ sở đó, tập trung tăng cường công tác quản trị tài chính, quản trị rủi ro, mở rộng tất cả các phân khúc, địa bàn hoạt động; tăng cường hợp tác đầu tư; cắt giảm chi phí; phát triển các dòng sản phẩm cùng dịch vụ mới.