November 17, 2021 | 09:13 GMT+7

Doanh nghiệp Việt chiếm 11% trong "miếng bánh" 110,7 tỷ USD doanh thu công nghiệp ICT

Hồng Vinh -

Trong 10 tháng đầu năm 2021, doanh thu các doanh nghiệp Việt Nam đạt 292 nghìn tỷ đồng chiếm 11% trên tổng doanh thu công nghiệp ICT đạt 2.562 triệu tỷ đồng (110,7 tỷ USD), tăng trưởng khoảng 9%...

Viettel đã đáp ứng và triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money.
Viettel đã đáp ứng và triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money.

Thông tin được đưa ra tại hội nghị giao ban quản lý nhà nước tháng 10/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông, vừa mới diễn ra.

Theo báo cáo, đối với lĩnh vực bưu chính, các doanh nghiệp bưu chính từng bước khôi phục sản xuất khi các địa phương dần trở về trạng thái bình thường mới và tạo tiền đề cho tăng trưởng trong quý 4, phấn đấu hoàn thành kế hoạch cả năm 2021. Tính đến tháng 10/2021, số doanh nghiệp bưu chính tăng thêm 70 doanh nghiệp, doanh thu bưu chính ước hết quý 3 đạt 7.500 tỷ, lũy kế 10 tháng ước 29.500 tỷ (tăng 2 % so với cùng kỳ).

Cũng trong tháng 10/2021, tổng doanh thu dịch vụ viễn thông ước đạt 107.490 nghìn tỷ tăng 0,09% so với cùng kỳ năm trước (107.400 nghìn tỷ vào năm 2020). Số thuê bao điện thoại smartphone đạt 91,71 triệu (chiếm 74,1% số thuê bao điện thoại di động), tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước.

 
Để thúc đẩy kinh tế số, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng việc tăng dụng lượng, tốc độ 4G và xem xét, đặt mục tiêu người dùng di động sử dụng Mobile Money lên 80% là việc làm cần thiết; Song song với đó là phủ sóng toàn quốc 5G vào năm 2022.

Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho biết Đề án thay thế 02 vệ tinh viễn thông VINASAT-1 và VINASAT-2; Xây dựng phương án đấu giá các băng tần để triển khai dịch vụ di động 4G/5G. Đồng thời, tiếp tục thúc đẩy triển khai chương trình “Sóng và máy tính cho em”; Tiến tới mục tiêu xử lý triệt để SIM rác vào cuối năm 2021; Tạo nền tảng để chính doanh nghiệp viễn thông triển khai các dịch vụ mới như định danh số, Mobile Money... Đã có hai nhà mạng là Viettel và VNPT đã đáp ứng và triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money.

Về an toàn an ninh mạng, mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng việc phát triển lĩnh vực an toàn an ninh mạng trong năm đã có nhiều kết quả tích cực. Trong đó, doanh thu dịch vụ ATANM 10 tháng đầu năm 2021 đạt 1.535 tỷ đồng (tăng 8% so với cùng kỳ 10 tháng đầu năm 2020).

Ước tính trong 10 tháng đầu năm 2021, tổng doanh thu công nghiệp ICT ước đạt 2.562 triệu tỷ đồng (110,7 tỷ USD) tăng trưởng khoảng 9% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, doanh thu các doanh nghiệp Việt Nam là 292 nghìn tỷ đồng chiếm 11%. Doanh thu quý 3/2021 đã tăng trưởng 26,8% so với quý 2/2021 (quý 2 sụt giảm 14% so với quý 1).

Trong tổng doanh thu công nghiệp ICT, doanh thu từ lĩnh vực công nghiệp phần cứng, điện tử chiếm phần lớn, đạt khoảng 2.270 triệu tỷ đồng (98,1 tỷ USD) bằng gần 90%. Giá trị xuất khẩu sản phẩm phần cứng, điện tử ước đạt 88,3 tỷ USD chiếm khoảng 32,5% giá trị xuất khẩu của cả nước với giá trị xuất siêu ước đạt gần 10,5 tỷ USD trong khi cả nước đang nhập siêu.

Đối với lĩnh vực viễn thông, để làm nền tảng cho phát triển kinh tế số thì việc đầu tiên là mỗi người có một smartphone. Bộ trưởng giao nhiệm vụ cho Thứ trưởng Phạm Đức Long tổ chức buổi làm việc với các doanh nghiệp viễn thông bàn việc thực hiện mục tiêu đến tháng 6/2022 chỉ còn 5% dân số sử dụng mạng 2G.

Còn đối với cáp quang thì hết năm 2022 phải phủ tới 85% hộ gia đình, tức là phải thêm 5 triệu thuê bao cáp quang nữa để đạt tổng cộng 24 triệu hộ gia đình được phủ cáp quang. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhắc lại: Muốn mục tiêu kinh tế số thành công thì các doanh nghiệp phải cùng nhau thực hiện được được hai việc: mỗi người có một smartphone và mỗi hộ gia đình có một đường cáp quang.

Và để thúc đẩy kinh tế số, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, việc tăng dụng lượng, tốc độ 4G và xem xét, đặt mục tiêu người dùng di động sử dụng Mobile Money lên 80% là việc làm cần thiết; Song song với đó là phủ sóng toàn quốc 5G vào năm 2022.

Bộ trưởng cũng lưu ý các đơn vị cần phải đặt mục tiêu cụ thể cho phát triển cho kinh tế số, chính phủ số và xã hội số trong năm kế hoạch 2022. Và để bảo đảm cho chuyển đổi số thành công, công tác bảo đảm an toàn an ninh mạng cũng cần có các biện pháp, giải pháp tích cực, phù hợp nhằm bảo vệ cho các hệ thống cơ quan nhà nước, chính phủ, người dân và doanh nghiệp.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate