Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu EVFTA đã có hiệu lực từ 1/8/2020. Để có thể tận dụng hết cơ hội từ hiệp định này mang lại, cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp kiều bào, với sự am hiểu về thị trường, kinh nghiệm kinh doanh nhiều năm ở nước ngoài, đang là nguồn lực và cầu nối quan trọng giúp doanh nghiệp tận dụng tốt nhất các cơ hội xuất khẩu, kinh doanh.
Liên minh châu Âu là thị trường rộng lớn với khoảng 500 triệu dân với tổng sản phẩm nội địa hàng năm lên tới 18 nghìn tỷ USD. EU cũng là đối tác quan trọng thứ 2 của Việt Nam. Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, đây là một thị trường tiềm năng cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, không chỉ đối với doanh nghiệp lớn mà còn nhiều tiềm năng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ khai thác.
Hiện nay, dù gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh Covid-19, ông Hoàng Xuân Bình, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Ba Lan nhấn mạnh Hiệp định EVFTA chính là cơ hội vàng để gắn bó doanh nhiệp kiều bào tại châu Âu với các doanh nghiệp trong nước.
Ông Bình cho biết, nếu trước đây các doanh nghiệp Việt kiều ở châu Âu có thể tiêu thụ khoảng 70% hàng hóa Việt Nam, đến nay, thị phần chỉ còn lại khoảng 20%. “Điều không hề mong muốn là khoảng 80% còn là chúng tôi kinh doanh sản phẩm của các nước khác. Bởi vậy, chúng ta cần suy nghĩ nghiêm túc, có kế hoạch hành động hiệu quả nhằm chiếm lại thị trường và đưa hàng hóa Việt Nam vào châu Âu một cách chuyên nghiệp, bài bản và sâu rộng hơn”.
Hiện, Việt Nam có khoảng 1 triệu kiều bào ở châu Âu, trong đó có hàng chục ngàn doanh nhân, doanh nghiệp kiều bào ở đây. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp kiều bào luôn đồng hành, hỗ trợ, chia sẻ cùng các doanh nghiệp trong nước tìm kiếm cơ hội đầu tư, mở rộng kinh doanh tại thị trường châu Âu nói riêng và thị trường quốc tế nói chung. Các doanh nghiệp Việt kiều ở châu Âu có lợi thế là doanh nghiệp cầu nối thân thiết, am hiểu thị trường, ngôn ngữ, luật pháp của nước sở tại.
Đồng thời, các doanh nghiệp trong nước nên chủ động tiếp cận và tìm hiểu sâu hơn về tiêu chuẩn chất lượng của thị trường châu Âu. Khi đã có sản phẩm, họ cần có văn phòng đại diện, quảng bá thương hiệu tại đây. Ông Bình chia sẻ: “Các doanh nghiệp kiều bào có sẵn tiềm năng về đất đai, con người, luật pháp và sự hiểu biết thị trường nước sở tại. Cho nên, sự hợp tác này cần được tiến hành nhanh chóng, cũng như cần hình thành cơ chế hợp tác bền vững từ đầu tư đến sản xuất và phân phối sản phẩm. Mặt khác, cần tổ chức cho doanh nghiệp kiều bào về nước tham quan tìm hiểu thị trường và hàng hóa Việt Nam”.
Các nước EU nói chung có văn hóa kinh doanh khác với châu Á, họ thường quan tâm đến thông tin về tài chính, năng lực sản xuất của doanh nghiệp. Do đó, để thuận lợi hơn trong việc cập nhật thông tin, nhu cầu, thị hiếu của thị trường, việc kết nối giữa doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp của kiều bào tại EU là rất quan trọng.
Là một doanh nhân kiều bào làm ăn và sinh sống tại châu Âu nhiều năm, ông Hoàng Mạnh Huê cho rằng, người Việt hiện có cơ sở vật chất rất tốt để phát triển kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa trong nước. Cùng với sự phát triển của các trung tâm thương mại lớn, ông Huê tin người Việt có thể thiết lập hệ thống tiêu thụ và phân phối sản phẩm hàng hóa Việt tại địa bàn. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là sự kết nối giữa doanh nghiệp kiều bào và doanh nghiệp trong nước. Hiện tại, ở Việt Nam, có nhiều sản phẩm độc đáo và tiềm năng nhưng chưa tìm được đường ra thị trường ngoài nước.
Sinh sống và kinh doanh tại Đức đã 40 năm, ông Vũ Văn Long – Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Đức cho biết hàng Việt Nam ngày càng mất chỗ đứng trên thị trường, hiện chỉ chiếm khoảng 10% trong kinh doanh của các doanh nghiệp kiều bào. Mặc dù vậy, các doanh nghiệp kiều bào tin tưởng vào một thế hệ những doanh nhân trẻ có trình độ, có tầm nhìn xa và luôn hướng về quê hương... Điển hình Chủ tịch Tập đoàn Tamda Foods tại CH Czech Hoàng Đình Toàn.
Doanh nhân trẻ này cho biết, khởi nguồn từ khát vọng và nâng cao vị thế ngườiViệt ở nước ngoài, cũng như đưa sản phẩm Việt Nam đến thị trường châu Âu, anh đã thành lập công ty vào năm 2008 và hiện trở thành tập đoàn lớn mạnh. Sự ra đời của Tamda Foods đáp ứng được nhu cầu cung ứng hàng hóa cho hệ thống cửa hàng rộng khắp mọi nơi của người Việt trên đất Czech. “Với tiềm năng lớn từ thị trường tiêu thụ tại CH Czech, chúng tôi mong muốn tiếp tục hợp tác với các doanh nghiệp trong nước để đưa nhiều sản phẩm của Việt Nam sang châu Âu,” anh Hoàng Đình Toàn chia sẻ.
Không chỉ sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp Việt kiều còn đầu tư, chấp nhận rủi ro để đưa hàng Việt vươn ra thế giới. Ông Phạm Văn Hiển - Giám đốc Công ty LTP Import Export B.V. – đơn vị đã bỏ ra gần 1 tỷ đồng để đưa vải thiều tươi Lục Ngạn sang châu Âu bằng container đường biển - cho biết, hiện 50% hàng nhập khẩu của công ty là sản phẩm đến từ Việt Nam.
Mặc dù, hàng Việt nói chung và hàng nông sản nói riêng có nhiều tiềm năng tiêu thụ ở nước sở tại thông qua doanh nghiệp Việt kiều nhưng giá trị xuất khẩu chưa cao và mức độ cạnh tranh còn hạn chế do chi phí vận chuyển cao, độ ổn định của sản phẩm chưa đồng đều… Để quảng bá nông sản Việt tại thị trường nước ngoài, theo một số doanh nghiệp Việt kiều, thời gian tới, các doanh nghiệp trong nước nên đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp Việt kiều. Sự hợp tác này cần được tiến hành nhanh chóng, cũng như hình thành cơ chế hợp tác bền vững từ đầu tư đến sản xuất và phân phối sản phẩm.
Ngoài ra, doanh nghiệp trong nước cũng cần duy trì chất lượng sản phẩm, giá bán và nâng cấp quy trình xuất khẩu hàng hóa theo cách chuyên nghiệp… Có như thế mới "bám chắc" vào các thị trường quốc tế. Thực tế, thời gian qua, Bộ Công Thương đã từng bước gắn kết doanh nghiệp Việt kiều với doanh nghiệp trong nước, sử dụng mạng lưới kiều bào để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu và mở rộng thị trường xuất khẩu, đồng thời thông qua lực lượng này để tuyên truyền về chất lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam.