December 24, 2021 | 15:51 GMT+7

Doanh nghiệp Việt liên danh đầu tư "siêu cảng" logistics thông minh đầu tiên của Asean tổng mức tới 3.900 tỷ đồng

Trung tâm logistics ICD Vĩnh Phúc có chức năng là điểm thông quan hàng hóa nội địa, đầu mối giao thông và giao nhận vận tải đa phương thức quan trọng của khu vực; đảm nhiệm chức năng thông quan, làm thủ tục hải quan cho hàng hóa xuất nhập khẩu...

Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc là "siêu cảng" đầu tiên của mạng lưới logistics thông minh tại khu vực ASEAN
Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc là "siêu cảng" đầu tiên của mạng lưới logistics thông minh tại khu vực ASEAN

Ngày 23/12, Tập đoàn T&T và Tập đoàn YCH (Singapore), tập đoàn hàng đầu thế giới về logistics chính thức khởi công Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc với tổng vốn đầu tư 3.900 tỷ đồng.

Theo quy hoạch chi tiết phát triển hệ thống cảng cạn và trung tâm logistics Việt Nam giai đoạn 2020, định hướng tới năm 2030, Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc là "siêu cảng" đầu tiên của mạng lưới logistics thông minh tại khu vực ASEAN, có chức năng tích hợp của Trung tâm phân phối (Distribution Center - DC) và cảng cạn (Inland Container Depot – ICD) để phục vụ cho hoạt động cung cấp các dịch vụ logistics theo nhu cầu của thị trường.

Trung tâm dự án có 4 trụ cột chính là kết nối, bền vững, tốc độ và khả năng mở rộng, hướng tới 5 mục tiêu là xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững, logistics thông suốt với trung tâm ngang tầm quốc tế, giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng sức cạnh tranh của chuỗi cung ứng và đào tạo nguồn nhân lực.

Dự án nằm tại thị trấn Hương Canh và xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Diện tích phát triển 83,07 ha, được chia làm 6 phân khu: trung tâm phân phối (80.494 m2); khu vực cảng ICD (162.714 m2); kho ngoại quan (22.950 m2); khu vực hỗ trợ (25.997 m2); không gian xanh (100.202 m2); khu vực giá trị gia tăng (241.990m2)

Theo ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T, Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc được kỳ vọng mở đầu cho sự đột phá của logistics Việt Nam, hướng tới mục tiêu năm 2025 chi phí logistics tại Việt Nam sẽ giảm xuống 16% GDP và tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt 5-6%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt 15%-20%.

Đồng thời, đây sẽ là cánh tay nối dài cho hệ thống cảng biển, giúp giảm áp lực lên hệ thống cảng; tạo điều kiện thuận lợi cho các khu công nghiệp, các nhà máy trong việc gom hàng, đóng rút hàng hóa và thực hiện thủ tục thông quan hải quan, đảm bảo chuỗi cung ứng được vận hành trơn tru và hiệu quả.

Qua đó, góp phần thúc đẩy giao thương kinh tế, hàng hóa giữa Việt Nam, ASEAN, Trung Quốc và các thị trường quốc tế khác. Đồng thời, hình thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chuỗi cung ứng logistics công nghệ cao thông minh 4.0.

"Mục tiêu tiến tới của dự án là một trong những trung tâm hậu cần lớn nhất miền Bắc Việt Nam, kết nối các khu công nghiệp bằng đường bộ, đường sắt, cũng như kết nối với Hà Nội, Sân bay quốc tế Hải Phòng và tỉnh Vân Nam của Trung Quốc", ông Đỗ Quang Hiển nhấn mạnh.

Ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc sẽ là điểm trung chuyển hàng hóa nội địa, hàng hoá xuất nhập khẩu và những mặt hàng khác tuyến hành lang kinh tế Hà Nội – Lào Cai và từ Trung Quốc qua cửa khẩu Lào Cai - Hải Phòng.

"Việc thực hiện và phát triển Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, của khu vực nói chung và của tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng", ông Thành nói.

Trước đó, vào tháng 11/2020, trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Hội nghị cấp cao liên quan, một trong các hoạt động nổi bật trong năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc) và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã bấm nút khởi động Mạng lưới logistics thông minh ASEAN với dự án đầu tiên "Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc".

 
Theo số liệu năm 2020 của Ngân hàng Thế giới (WB), chi phí logistics ở Việt Nam bằng khoảng 20,9-25% GDP. Trong khi đó mức chi phí này ở Thái Lan là 19%, Malaysia là 13%, Singapore là 8% và Mỹ là 7,7%. Chi phí logistics tăng cao đẩy chi phí hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng theo đã làm mất lợi thế cạnh tranh so với các nước trong khu vực châu Á như Trung Quốc, Thái Lan, Philippines, Indonesia...
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate