November 09, 2022 | 12:41 GMT+7

Doanh nghiệp vượt thách thức bằng chuyển đổi số

Khánh Vy -

Chuyển đổi số là vấn đề cấp thiết giúp các doanh nghiệp thay đổi mô hình kinh doanh, nhằm tăng tính cạnh tranh, thúc đẩy phát triển…

Chiều ngày 8/11, Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã phối hợp với Câu lạc bộ công nghệ và chuyển đổi số doanh nhân trẻ Việt Nam tổ chức Hội thảo “Doanh nhân trẻ Việt Nam - Chuyển mình đổi số”.

Sự kiện nhằm chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn về quá trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp, nền kinh tế số thời đại 4.0, giúp doanh nghiệp có thể nắm bắt các cơ hội và hiểu rõ những thách thức trong quá trình chuyển đổi số để quản lý, vận hành tốt doanh nghiệp.

Theo ông Lê Trí Hải, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, chuyển đổi số là vấn đề cấp thiết giúp các doanh nghiệp thay đổi mô hình kinh doanh, nhằm tăng tính cạnh tranh, thúc đẩy phát triển.

“Nhiều doanh nghiệp đã nhận thức được điều này và đang có sự thay đổi mạnh mẽ, nhưng vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa bắt đầu hành trình chuyển đổi số của mình, đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ”, ông Hải cho biết.

Hiện nay, về thuận lợi, đã có sự quyết tâm, chủ động của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương sẵn sàng tạo điều kiện cho doanh nghiệp trên hành trình chuyển đổi số. Song ông Lê Trí Hải cho rằng, cần đầu tư cho nguồn lực phục vụ chuyển đổi số, hay cung cấp nền tảng huy động vốn, hệ sinh thái đầy đủ mới có thể hi vọng các doanh nghiệp bước vững chắc trong cu thế mới toàn cầu.

“Điều quan trọng là cần đầu tư cho nền tảng kỹ thuật số dựa trên 3 cấu phần, gồm: Hạ tầng cơ sở kỹ thuật số; cơ chế, quy trình để vận hành các cơ sở đó; mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng kỹ thuật số, thương mại điện tử. Ngoài ra, doanh nghiệp cần nắm bắt được quy mô, hạ tầng cơ sở của chính mình, mô hình kinh doanh để có thể định vị, từ đó đưa ra chiến lược đầu tư và chuyển đổi”, ông Hải nêu quan điểm.

Để chuyển đổi số, việc phân bổ nguồn lực đang là thách thức lớn với doanh nghiệp và cũng mang tính quyết định cho việc có hay không chuyển đổi số ở doanh nghiệp. Dù đây là bài toán khó với doanh nghiệp lần đầu tiên bước vào quá trình chuyển đổi số song theo đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp trẻ nếu giải quyết được vấn đề này, doanh nghiệp sẽ đạt được lợi ích lâu dài về mặt tương lai.

Các diễn giả trao đổi tại hội thảo.
Các diễn giả trao đổi tại hội thảo.

Còn theo ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện chiến lược chuyển đổi số, trong thời đại kinh tế số, quy mô lớn hay nhỏ không quan trọng mà quan trọng là “đi nhanh hay đi chậm”. Vì vậy, có thể khẳng định rằng, chuyển đổi số không còn là viễn cảnh xa vời, mà là một nhu cầu tất yếu, quyết định sự sống còn đối với mỗi doanh nghiệp.

“Chuyển đổi số là gì và làm sao để doanh nghiệp vượt qua thách thức, khủng hoảng bằng chuyển đổi số, để họ thực sự “chuyển mình và đổi số” là vấn đề rất quan trọng với doanh nghiệp”, ông Giang đặt vấn đề.

Theo vị chuyên gia, chuyển mình và đổi số là sự chuyển đổi mô hình kinh doanh mới để thay đổi số phận doanh nghiệp. Thay vì chịu tác động trực tiếp, thụ động trước thách thức đặt ra, doanh nghiệp thay đổi cách thức vận hành để tạo ra giá trị đột phá, từ đó tăng năng suất.

Nhiều doanh nghiệp đang nhầm lẫn việc ứng dụng các công nghệ, dữ liệu hiện nay vào hoạt động và coi đó là chuyển đổi số. Thực tế, chuyển đổi số là cách thức sử dụng công nghệ để tạo sự chuyển đổi trong hoạt động doanh nghiệp. Nếu chỉ áp dụng công nghệ, mà kết quả năng suất vẫn thấp, không tạo đột phá thì chưa thể coi là chuyển mình - đổi số.

Để làm được điều đó, ông Lê Trường Giang khuyến nghị bản thân doanh nghiệp cần nhìn nhận chính mình, định hình lại, với nguồn lực và điều kiện của mình, để từ đó lựa chọn cách tiếp cận, cả về tài chính, quản lý nhân sự, marketing, mô hình thứ bậc sang mô hình nền tảng...; làm sao tối ưu được nguồn lực, công cụ doanh nghiệp đang có.

“Chúng ta hay nói, chuyển đổi số là thách thức với doanh nghiệp nhỏ và vừa bởi yếu tố nhân lực, công nghệ... Nhưng quan trọng là doanh nghiệp đó có biết các ứng dụng, thích ứng với công nghệ họ đang có, lựa chọn công nghệ, ứng dụng một cách hợp lý, hiệu quả và tránh lãng phí hay không?”, ông Lê Nguyễn Trường Giang cho hay.

 

Tại hội thảo, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Hiệp hội phần mềm và công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) và Tập đoàn FPT đã ký Thỏa thuận hợp tác trong việc hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số.

Tại đây, Câu lạc bộ Công nghệ và Chuyển đổi số Doanh nhân trẻ Việt Nam đã ra mắt các thành viên thường trực. Đây là đơn vị trực thuộc Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, được thành lập với mục tiêu tập hợp và liên kết doanh nhân trẻ, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ, hoặc quan tâm tới lĩnh vực công nghệ và chuyển đổi số, nhằm hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau tạo ra những giá trị hiệu quả, giúp doanh nghiệp hội viên chuyển đổi số thành công.

Dịp này, Câu lạc bộ đã ký thỏa thuận hợp tác đầu tiên với Viện Chiến lược Chuyển đổi số nhằm xây dựng bộ giải pháp hoàn chỉnh cho các doanh nghiệp phù hợp với đặc thù của Việt Nam.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate