Sự “nhảy múa” của giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu, trong đó có xăng dầu, là một trong những vấn đề khá nóng khi Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế xã hội, sáng 22/5.
Trao đổi với báo chí, TS Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM cho rằng, một vấn đề không ổn hiện nay là doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã đẩy rủi ro cho chính người tiêu dùng của mình.
Thưa ông, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng áp lực lạm phát thời gian qua một phần bắt nguồn từ việc ồ ạt tăng giá các mặt hàng thiết yếu trong đó có xăng dầu?
Trước hết phải nói là giá chỉ tăng mạnh từ trong tháng 3 và quý 1. Từ tháng 4 chậm lại rồi. Việc tăng giá vừa rồi một phần là do chi phí đẩy, nhưng tôi cho rằng ngay từ đầu năm khi Chính phủ điều chỉnh giá một loạt mặt hàng như vậy thì yếu tố về tâm lý là rất quan trọng.
Yếu tố tâm lý tạo ra lạm phát ỳ. Giá cả lên nó cứ nằm đó và không xuống nữa. Chính cái lạm phát ỳ này cần phòng ngừa khi chúng ta đồng loạt tăng giá quá nhiều thứ. Và khi cộng yếu tố tâm lý thì chi phí đẩy tạo mặt bằng giá cao hơn. Để giải quyết yếu tố tâm lý, trong những đợt tăng lương như thế này tránh việc điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu khác để người ta thấy an tâm rằng lương tăng không làm tăng giá thứ khác.
Riêng về câu chuyện giá xăng dầu, trong khi giá dầu thô thế giới liên tục đi xuống trong nhiều tuần qua nhưng giá bán lẻ xăng trong nước chưa chịu giảm. Ý kiến của ông thế nào?
Tôi cho rằng điều hành giá xăng dầu vừa qua cần xem xét lại. Khi có biến động trên thị trường thế giới thì ào ào thuyết phục làm sao tăng giá cho bằng được. Nhưng khi giá giảm xuống thấy ông nào cũng im re.
Vì vậy việc điều hành cần tính tới vai trò tổ chức một quỹ bình ổn giá như thế nào của quốc gia để bảo vệ thị trường chứ cứ như thế này thì tôi thấy không ổn.
Hiện nay chúng ta đang tính tới việc đánh thuế cả môi trường, rồi thu về phí giao thông với xăng dầu. Tôi cho rằng phải tránh tối đa việc để một lít xăng phải gánh quá nhiều loại thuế và phí. Chúng ta nghĩ rằng đây là loại gián thu, thu cái gì qua xăng dầu cũng dễ nhất, sướng nhất.
Nhưng chúng ta không nên nghĩ vậy. Vì xăng dầu vừa là chi phí sản xuất và vừa là chi tiêu của người dân. Phương tiện đi lại chủ yếu của người dân là xe hai bánh. Trong chi tiêu của họ có xăng, chi phí vận tải. Khi tăng giá xăng như vậy thì chi phí vận tải tăng, và tăng dây chuyền chứ không tăng bình thường. Thành ra đây là vấn đề cần tính.
Theo tôi trong điều hành hiện nay phải nâng cao và phát huy đúng vai trò của quỹ bình ổn giá xăng dầu do Nhà nước điều khiển chứ không phải doanh nghiệp.
Thưa ông, ngay cả khi giá dầu đã giảm mạnh, nhưng các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối trong nước vẫn than lỗ. Ông nghĩ như thế nào về trách nhiệm của doanh nghiệp trong câu chuyện giá xăng dầu hiện nay?
Khi lập quỹ bình ổn giá xăng dầu thì cần quy định luôn trách nhiệm của các thành viên tham gia. Hiện nay gọi là các doanh nghiệp xăng dầu nhưng chỉ có một vài doanh nghiệp nắm thị phần chi phối. Cái đó gọi là độc quyền tự nhiên. Thành ra cần có vai trò của Nhà nước can thiệp thông qua quỹ bình ổn chứ không thể để họ tự làm như hiện nay.
Và cần hướng tới buộc các doanh nghiệp phải tham gia vào thị trường quốc tế để chia sẻ rủi ro. Về nguyên tắc kinh tế thị trường, anh tham gia thị trường tương lai để chia sẻ rủi ro biến động giá cho thị trường, thay vì anh đẩy rủi ro về cho chính người tiêu dùng của mình. Cần nâng vai trò của doanh nghiệp tham gia thị trường quốc tế, chứ như hiện nay cứ rủi ro là doanh nghiệp đẩy hết cho người tiêu dùng của mình. Đấy là vấn đề không ổn.
Theo ông thì có giải pháp nào để kiểm chứng sự lỗ, lãi thật sự của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu?
Đây là do hiện nay còn độc quyền tự nhiên. Đánh giá lại chi phí giá thành của các doanh nghiệp lớn cần có kiểm toán độc lập dựa trên nhiều yếu tố. Anh đã tham gia kinh doanh thì Nhà nước phải có quan điểm tương đối độc lập và định hướng buộc doanh nghiệp phải theo. Trong trường hợp anh không làm được thì để người khác làm chứ không thể theo anh được. Đơn giản là vậy.
Với câu chuyện về giá còn nhiều vấn đề như vậy thì theo ông lạm phát năm nay sẽ ở mức nào?
Cứ với đà này, cả năm có thể giữ lạm phát ở mức một con số. 7% thì khó nhưng 8-9% có thể đạt được.
Theo kinh nghiệm của tôi, nguy cơ bột phát giá cả do vấn đề tiền tệ không còn nữa. Năm ngoái doanh nghiệp tận dụng lãi suất hỗ trợ 4% để nhập vật tư nguyên liệu rất nhiều và đủ để tăng năng lực sản xuất trong năm nay. Và trong điều kiện sức sản xuất đang tăng khiến tăng cung, thì tổng cầu được cân đối.
Yếu tố tâm lý hiện không còn lớn, mà tác động tới lạm phát hiện chủ yếu là chi phí đẩy. Cái này dễ kiểm soát hơn, nếu mỗi tháng chỉ số giá giữ ở mức 0,4-0,5% thì đến cuối năm 8-9% hoàn toàn có thể đạt được.
Thế còn ảnh hưởng do biến động từ thị trường thế giới đã được tính đến chưa, thưa ông?
Theo dự báo của chúng tôi, kinh tế thế giới đang phục hồi một cách chật vật, thành ra là biến động giá các loại hàng hóa lớn có lẽ không xảy ra từ nay đến cuối năm.
Cuộc khủng hoảng đồng Euro và nợ của Hy Lạp chủ yếu tác động tới thị trường tài chính chứng khoán chứ không biến động ở thị trường hàng hóa. Chúng tôi thấy cái may trong năm 2010 này là khả năng thanh toán quốc tế (ngoại hối) các nguồn dự báo là dương, nhờ vậy có thể ổn định được tỷ giá. Cái này rất quan trọng.
Nghị quyết Quốc hội kỳ trước đưa ra chỉ tiêu giữ lạm phát ở mức 7%. Vậy theo ông thì kỳ họp này có cần điều chỉnh chỉ tiêu này cho sát với dự báo 8-9%?
Tôi nghĩ không cần điều chỉnh. Chúng ta cứ giữ như nghị quyết trước đây để cố gắng phấn đấu.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate