Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang có nhiều khó khăn, Việt Nam cũng không nằm ngoài phạm vị chịu tác động. Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (World Bank – WB), trong 6 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng GDP thực của Việt Nam giảm còn 3,7%, thấp hơn so với mức 6,4% cùng kỳ năm ngoái.
Cùng với đó, các doanh nghiệp và người lao động đang phải chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực. Kết quả khảo sát Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) vào tháng 4/2023 cho thấy trên 82% doanh nghiệp cho biết dự kiến giảm quy mô, tạm dừng hoặc ngừng kinh doanh trong các tháng còn lại trong năm; hơn 71% cho biết phải cắt giảm ít nhất 5% lao động trong 4 tháng đầu năm.
Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ còn phải đối mặt với nhiều thách thức khó khăn, cả trong nước, khu vực và thế giới. Từ bên ngoài, tăng trưởng chậm, thậm chí suy thoái của các quốc gia phát triển và Trung Quốc sẽ tiếp tục làm giảm cầu với hàng hóa xuất khẩu, vốn đã từng đóng góp tới khoảng một nửa GDP của Việt Nam. Những bất ổn của thị trường tài chính toàn cầu ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng thu hút vốn đầu tư. Ngoài ra, căng thẳng địa chính trị, vấn đề biến đổi khí hậu và những tác động kèm theo sẽ tiếp tục có những tác động tiêu cực tới Việt Nam.
BỨC TRANH NHIỀU GAM MÀU XÁM CŨNG CÓ ĐIỂM SÁNG
Ở trong nước, khu vực dịch vụ tài chính tiềm ẩn nhiều rủi ro và nguy cơ dễ tổn thương, đặt ra bài toán theo dõi chặt chẽ và có biện pháp ứng phó phù hợp. Bất động sản đang trong giai đoạn rất khó khăn và cần thời gian cùng các biện pháp hỗ trợ mạnh để phục hồi.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều cơ sở để chúng ta tin rằng nền kinh tế Việt Nam có thể sớm vượt qua các khó khăn trong giai đoạn hiện nay và hồi phục tăng trưởng trong thời gian sắp tới. WB dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam phục hồi dần lên mức 5,5% vào năm 2024 và đạt mức 6,0% vào năm 2025.
Thứ nhất, sự dịch chuyển địa chính trị. Chi phí lao động tăng, quan ngại về chuỗi cung ứng và căng thẳng địa chính trị đều góp phần thúc đẩy các công ty đa quốc gia chuyển hoạt động đang phát triển từ Trung Quốc sang các nước ASEAN, nhằm tăng cường khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng.
Xu hướng này đã diễn ra trong vài năm qua và dự kiến sẽ tiếp tục trong những năm tới. Việt Nam đã và đang được xem là lựa chọn hàng đầu khi các doanh nghiệp đa quốc gia cân nhắc đến tổng hòa các yếu tố mức độ hội nhập quốc tế sâu rộng, chi phí lao động tương đối thấp, tình hình chính trị, văn hóa - xã hội ổn định.
Thứ hai, tốc độ mở rộng và phổ biến của công nghệ số là một trong những yếu tố thúc đẩy sự phát triển của các quốc gia trong khu vực ASEAN, trong đó có Việt Nam. Ước tính, 6 tháng đầu năm 2023, tỷ trọng kinh tế số đóng góp vào GDP là gần 15%.
Một báo cáo về kinh tế số trong khu vực cho biết quy mô của kinh tế số tại Việt Nam có thể đạt mốc 50 tỷ USD vào năm 2050. Hay theo một ước tính khác của Deloitte, metaverse dự kiến mang lại lợi ích cho kinh tế Việt Nam vào khoảng từ 9 đến 17 tỷ USD mỗi năm tính đến năm 2035.
Thứ ba, liên quan đến nhân khẩu học. Khoảng 70% dân số tại Việt Nam đang nằm trong độ tuổi lao động, trong đó phần lớn dưới 34 tuổi, có khả năng tiếp thu tiến bộ khoa học công nghệ và linh hoạt về nghề nghiệp. Cơ cấu dân số vàng được dự báo duy trì cho đến năm 2035, không chỉ tạo ra lực lượng lao động cần thiết mà còn thúc đẩy tiêu dùng cá nhân và sức cầu trong nước.
Thứ tư, cam kết của chính phủ và các doanh nghiệp trong phát triển bền vững, liên quan đến ba trụ cột Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG). Đứng trước cam kết về mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050 của Chính phủ Việt Nam, yêu cầu khắt khe hơn từ phía nhà đầu tư, người tiêu dùng và các bên liên quan khác, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang chuyển đổi nhận thức, bắt tay hành động để điều hướng doanh nghiệp trên lộ trình phát triển bền vững và thân thiện với môi trường.
PHƯƠNG PHÁP “PHÓNG TO - THU NHỎ”
Trước những thách thức và khó khăn, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như Nghị quyết số 58/NQ-CP đưa ra một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025; Nghị quyết số 105/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương.
Tuy nhiên, chìa khóa của thành công luôn nằm ở trong chính bản thân doanh nghiệp. Các lãnh đạo doanh nghiệp cần xây dựng được chiến lược, phương pháp tiếp cận cũng như kế hoạch hành động phù hợp để đi qua giai đoạn khó khăn và thách thức, nắm bắt những cơ hội để phát triển.
Lập chiến lược từ 1-5 năm hoặc chiến lược phản ứng là cách tiếp cận nhiều doanh nghiệp thường thực hiện. Theo đó, doanh nghiệp sẽ cảm nhận và phản ứng nhanh nhất có thể với các thay đổi, biến động xảy ra, với tư duy chiến lược phản ứng là cách ứng phó tốt nhất với tình trạng không chắc chắn. Sự linh hoạt và tốc độ là chìa khóa tạo nên sự thành công.
Tuy nhiên, với cách tiếp cận này, doanh nghiệp sẽ dễ bị che mắt bởi giả định môi trường kinh doanh trong 3-5 năm tới khá giống với hiện tại, bỏ qua thực tế rằng trong thời đại hiện nay, sự thay đổi diễn ra nhanh hơn nhiều, thường theo cấp số nhân. Mặt khác, doanh nghiệp dễ bị phân tán nguồn lực để triển khai số lượng sáng kiến ứng phó ngày càng nhiều trong một thế giới mà sự thay đổi có thể nói là diễn ra từng ngày, từng giờ.
Từ nghiên cứu của Deloitte về cách tiếp cận của các công ty thành công nhất trong nhiều thập kỷ qua để vượt qua rất nhiều khủng hoảng, chúng tôi đã tổng kết và đặt ra phương pháp “phóng to – thu nhỏ” (Zoom in – Zoom out). Trong đó, chuỗi tiếp cận “phóng to” tập trung cho tầm nhìn dài hạn, 10 đến 20 năm, còn chuỗi tiếp cận “thu nhỏ” cho thời gian ngắn hạn, từ 6 đến 12 tháng. Nếu doanh nghiệp có được cả chuỗi “phóng to”, từ 10 đến 20 năm và chuỗi “thu nhỏ”, 6 đến 12 tháng đúng, hoạt động của doanh nghiệp sẽ được vận hành trơn tru, đáp ứng được sự thay đổi nhanh chóng của thế giới bên ngoài.
Với cách tiếp cận này, thay vì xác định quy mô thị trường hoặc tốc độ tăng trưởng trong tương lai, doanh nghiệp cần có cái nhìn bao quát về những điều sẽ trở nên có giá trị trên thị trường trong vòng 10 – 20 năm tới, xác định trạng thái dễ xảy ra trong tương lai của thị trường về giá trị khách hàng, phát triển công nghệ, tình hình cạnh tranh và sự gián đoạn chuỗi cung ứng. Từ tầm nhìn chiến lược, các lãnh đạo có thể đưa ra 2 hoặc 3 sáng kiến ngắn hạn trong 6 đến 12 tháng tiếp theo, các sáng kiến với tiềm năng lớn nhất có thể thúc đẩy doanh nghiệp đi theo con đường đến đích dài hạn.
Phương pháp này tập trung vào hai chuỗi thời gian khác nhau, song song và bồi đắp cho nhau. Việc tiếp cận “phóng to” giúp doanh nghiệp phát triển tầm nhìn để giải quyết rủi ro, xem xét những thách thức tiềm tàng, đi đầu xu hướng và đối phó với tình trạng không chắc chắn.
Trong khi đó, việc tiếp cận “thu nhỏ” giúp nắm bắt cơ hội để tăng cường sức mạnh doanh nghiệp, tập trung nguồn lực và tạo ra lợi nhuận nhanh chóng. Đằng sau phương pháp tiếp cận “phóng to – thu nhỏ” là ý tưởng kết hợp tư duy chính xác về tương lai với chủ nghĩa cơ hội thực tế, đặt cược vào các cơ hội mới xuất hiện...
(*) Tổng Giám đốc, Deloitte Việt Nam
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 37-2023 phát hành ngày 11-09-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam