Phát biểu tại buổi "Cafe nhà thầu" quý 3/2024, diễn ra ngày 23/8, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho biết hiện các doanh nghiệp xây dựng, bất động sản vô cùng khó khăn. Có tới 70% số doanh nghiệp trong lĩnh vực này đang phải nằm im chờ thời, hoặc giải tán bớt nhân viên. Số còn lại thì phải tìm mọi cách để có thể tồn tại. Do đó, các nhà thầu từ nhỏ tới lớn đều tranh nhau hạ giá.
CUỘC ĐUA GIẢM GIÁ SẼ KHÔNG CÓ ĐIỂM DỪNG NẾU KHÔNG CÓ GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC
Chia sẻ về tình trạng này, Đại tá Phan Phú, Chủ tịch Tổng công ty 319, Bộ Quốc phòng, đưa dẫn chứng: "Mới đây, tham gia gói thầu trị giá 111 tỷ đồng, một doanh nghiệp đã bỏ thầu có 58 tỷ đồng, giảm giá tới 48%. Với một gói thầu chỉ hơn 100 tỷ đồng mà giảm giá đến như vậy, thì không hiểu họ làm bằng cách nào? Điều đó cho thấy vấn đề công ăn việc làm đối với doanh nghiệp ngành xây dựng là rất khó khăn, bức bách. Nhưng nếu như không có sự đánh giá lại, không có giải pháp khắc phục từ các cơ quan quản lý Nhà nước, thì “cuộc đua giảm giá” sẽ không có điểm dừng”.
“Vấn đề cạnh tranh đấu thầu phá giá ngày càng khốc liệt, không chỉ có ở các dự án nhỏ, các nhà thầu nhỏ mà giờ, các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có uy tín cũng xông vào “cuộc chiến” này. Biết là trong bối cảnh hiện nay, mỗi doanh nghiệp đều phải tự tìm cách để tồn tại. Nhưng theo kinh nghiệm lâu năm của Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, giảm giá gói thầu tầm 12% là đã không làm nổi rồi. Mà giờ, nhiều doanh nghiệp tham gia đấu thầu giảm tới 25, thậm chí 48%, coi như chuyện rất bình thường”, Đại tá Nguyễn Tuấn Anh, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, bày tỏ.
Cũng theo ông Tuấn Anh, thực trạng này sẽ khiến thị trường xây dựng thiết lập mặt bằng giá mới, thấp hơn rất nhiều so với giá thông thường (giá chỉ tính làm hoà vốn). Điều đáng lo là các nhà thầu liên tục kiến nghị Chính phủ cùng các bộ, ngành “cởi trói” về đơn giá định mức do định mức giá xây dựng quá thấp so với thực tế, nhưng lại thi nhau hạ giá thầu một cách bất chấp. Vậy thì những phản ánh, kiến nghị đó sao có thể được điều chỉnh? (Hiện có khoảng 800 định mức đã được sửa đổi, bổ sung, chiếm 80% vướng mắc, nhưng còn 20% định mức gây vướng mắc nữa, trong đó có nhiều định mức quyết định quan trọng tới chi phí của nhà thầu).
Hơn nữa, không chỉ có định kiến từ các cơ quan Nhà nước mà góc nhìn của xã hội về nhà thầu cũng không chân thực.
“Người ta cho rằng nhà thầu “ăn dầy” lắm, nếu giảm giá tới 30% thì lợi nhuận ít nhất cũng phải tương đương con số đó, chứ họ có biết đâu rằng nhiều doanh nghiệp có muôn vàn lý do để phải trúng thầu bằng mọi cách, dù biết càng làm càng lỗ. Ngoài ra, với các doanh nghiệp làm công trình giao thông như chúng tôi, phải trải qua rất nhiều nhiêu công đoạn, chưa kể đến việc hậu kiểm sau này và bao nhiêu rủi ro đang chờ. Vì vậy, nếu việc cạnh tranh phá giá còn kéo dài thì các nhà thầu sẽ rơi vào tình cảnh “trạng chết, chúa cũng băng hà”, ông Tuấn Anh lý giải.
"MẠCH MÁU" DOANH NGHIỆP ĐANG RẤT "BÍ"
Cùng với khó khăn do sự “bùng phát” của cạnh tranh phá giá thì đa số các nhà thầu xây dựng còn phải đối mặt với cảnh công nợ, bị chủ đầu tư chiếm dụng vốn.
Đơn cử như Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình ở Thành phố Hồ Chí Minh – thuộc top 10 ngành xây dựng, doanh thu năm 2018 đạt tới 21.000 tỷ đồng, tuy nhiên, do bị các chủ đầu tư nợ quá lớn: đến hết 2023, nợ phải thu của Hoà Bình là 10.669 tỷ (chiếm 70% tổng tài sản), trong đó, nợ khó đòi là 2.476 tỷ và tổng nợ phải trả là 15.156 tỷ đồng, nên đang lâm vào tình cảnh vô cùng khó khăn.
“Các doanh nghiệp làm cao tốc hiện cũng rất “nóng” về dòng tiền. Như 319 phấn đấu hoàn thành dự án cao tốc trước tiến độ 6 tháng, hiện đã thực hiện xong hết phần nền nhưng mới được thanh toán 70% giá dự thầu phần việc đó. Bị đọng vốn như vậy, trong khi chi phí của nhà thầu thường chỉ là chút ít nhân công và quản lý, còn vật tư (sắt thép, xi măng…) thì gần như thu hộ các nhà cung cấp theo đơn giá định mức. Vì thế, dòng tiền - mạch máu của doanh nghiệp đang rất là “bí”, Chủ tịch Tổng Công ty 319, Bộ Quốc phòng, chia sẻ.
“Hiện nay, gần như doanh nghiệp xây dựng nào cũng bị nợ đọng, chỉ ít hoặc nhiều. Các doanh nghiệp xây dựng - loại hình kinh doanh phải bỏ vốn ra mua vật liệu làm trước, thu tiền sau nên nếu các chủ đầu tư không có trách nhiệm, không nghiêm túc trong việc thanh toán thì các nhà thầu không thể tồn tại. Tiền vốn thì không thu được nhưng vẫn phải còng lưng trả lãi ngân hàng, trả nhà cung cấp vật tư, lãi mẹ đẻ lãi con. Đối với các doanh nghiệp vốn nhỏ, khó lại càng khó”, lãnh đạo Hiệp hội các Nhà thầu xây dựng Việt Nam nhận định.
Trong khi đó, nhìn chung, các doanh nghiệp xây dựng đều có vốn quy mô nhỏ. Ước tính, cả nước có khoảng 3.000 doanh nghiệp xây dựng thì trên 90% doanh nghiệp xây dựng đăng ký vốn hoạt động dưới 100 tỷ đồng, số doanh nghiệp xây dựng có vốn 1.000 tỷ đồng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Với bức tranh tài chính như vậy, sức khoẻ của doanh nghiệp là tín hiệu cấp cứu khẩn cấp. Hiệp hội các Nhà thầu xây dựng Việt Nam đánh giá nếu cơ chế này không sớm thay đổi thì sẽ không còn doanh nghiệp xây dựng nào có thể tồn tại, chứ chưa nói đến phát triển!