October 28, 2020 | 07:00 GMT+7

Doanh số hồi phục, ngành ô tô Đức hết cần Chính phủ giải cứu

Bình Minh

Doanh số của các hãng xe Đức đang phục hồi mạnh ở châu Âu và Trung Quốc

Ông Herbert Diess, CEO hãng xe Đức Volkswagen.
Ông Herbert Diess, CEO hãng xe Đức Volkswagen.

Tổng giám đốc (CEO) Herbert Diess của Volkswagen đã từ bỏ nỗ lực tìm kiếm thêm một gói kích cầu cho ngành công nghiệp ô tô, sau khi hãng xe lớn nhất thế giới này có được sự phục hồi doanh số mạnh hơn dự báo tại thị trường châu Âu và Trung Quốc.

"Nếu chúng tôi không phải đối mặt với một thời kỳ phong tỏa thứ hai hay một sự sụt giảm kinh tế sâu hơn, thì tôi cho rằng sẽ không cần phải có thêm một gói kích cầu ô tô nữa", ông Diess - người từng vận động hành lang mạnh mẽ cho một gói kích cầu ô tô quy mô lớn ở Đức khi đại dịch Covid-19 xuất hiện - nói với tờ Financial Times.

Năm nay, doanh số thị trường xe ở Liên minh châu Âu (EU) đã giảm khoảng 30%, nhưng doanh số của Volkswagen ở Tây Âu đã tăng hơn 10% trong tháng 9, đạt hơn 300.000 xe. Doanh số tháng 9 của Volkswagen ở Trung Quốc cũng tăng khoảng 1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong cuộc họp cổ đông vào cuối tháng 9, Volkswagen dự báo rằng doanh số khởi sắc sẽ giúp hãng đạt lợi nhuận cả năm 2020.

"Đang có nhiều biện pháp kích cầu cho xe điện và xe hybrid cắm xạc ở Đức và trên khắp châu Âu. Các biện pháp đó đã phát huy tác dụng", ông Diess nói về các biện pháp hỗ trợ mà các chính phủ ở châu Âu triển khai ở giai đoạn đầu khi xảy ra dịch Covid-19.

Trước ông Diess, CEO Ola Kallenius của Daimler - hãng mẹ thương hiệu Mercedes - cũng đã phát biểu tương tự. Ông Kallenius cũng bác bỏ sự cần thiết phải có thêm biện pháp kích cầu ngành ô tô, cho dù châu Âu đang phải vật lộn với một làn sóng virus thứ hai.

Quý 3 vừa qua, lợi nhuận ròng của Daimler tăng khoảng 20%, đạt xấp xỉ 2,2 tỷ Euro, nhờ doanh số Mercedes-Benz tại Trung Quốc tăng hơn 23% - một kết quả mà ông Kallenius miêu tả là "quá tốt để là sự thật".

Ngành công nghiệp ô tô, một trụ cột của kinh tế Đức, mấy tháng trước còn vận động mạnh để có được một chương trình kích cầu toàn diện, hối thúc Berlin lặp lại chương trình "thưởng dập xe cũ" quy mô 5 tỷ Euro đã áp dụng sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Chương trình đó đã đưa doanh số thị trường ô tô Đức thiết lập kỷ lục và được nhiều quốc gia khác học theo.

Hồi tháng 4, ông Diess bị chỉ trích mạnh sau khi ông xuất hiện trên kênh truyền hình quốc gia Đức kêu gọi "một gói kích cầu khẩn cấp" để trợ giá xe chạy động cơ đốt trong. Dư luận bất bình vì Volkswagen và các hãng xe khác của Đức trong khi có tiền để trả cổ tức cho cổ đông, mà vẫn cho hàng chục nghìn công nhân tham gia chương trình giảm giờ làm có hỗ trợ thu nhập bằng ngân sách nhà nước. Trong đó, Volkswagen dự định chi 2 tỷ Euro để trả cổ tức.

Bà Monica Schnitzer, một cố vấn kinh tế của Chính phủ Đức, vào thời điểm đó lập luận rằng các hãng xe Đức đều "đang trong tình trạng tốt" bất chấp các biện pháp giãn cách xã hội vì Covid-19. Bà Schnitzer cũng cảnh báo việc vực dậy nền kinh tế chỉ thông qua một ngành công nghiệp là "hành động nguy hiểm".

Cuối cùng, Chính phủ Đức chọn chỉ tăng trợ cấp cho ô tô chạy điện và giảm thuế giá trị gia tăng (VAT), thay vì trợ giá cả xe chạy xăng, dầu như lời kêu gọi của các hãng xe.

Ông Diess vẫn bảo vệ quyết định lúc đầu của ông về xin một gói kích cầu lớn cho ngành ô tô.

"Trong lúc nền kinh tế bất ngờ khựng lại vào mùa xuân, tôi đã kêu gọi hỗ trợ ngành ô tô vì một phần lớn của nền kinh tế Đức phụ thuộc vào ngành ô tô", ông nói. "Lập luận ở đây là nếu bạn muốn kích thích nền kinh tế Đức một cách nhanh chóng, thì ngành ô tô chính là đòn bẩy tốt nhất vì Đức có một ngành ô tô rất lớn, bao gồm cả sản xuất, phát triển và bán lẻ".

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate