Trong gần một thập kỷ qua, Alibaba Group Holding Ltd. và Tencent Holdings Ltd. là hai hãng công nghệ tượng trưng phép màu kinh tế của Trung Quốc. Hai hãng này có tốc độ tăng trưởng chóng mặt, đạt mức giá trị vốn hóa nghìn tỷ USD và phủ sóng trong “ngóc ngách” của thế giới internet ở quốc gia đông dân nhất thế giới.
Tuy nhiên, theo Bloomberg, thời kỳ hoàng kim đó có thể chính thức kết thúc vào ngày thứ Năm (4/8) khi “đế chế” thương mại điện tử Alibaba dự kiến báo cáo quý giảm doanh thu đầu tiên trong lịch sử. Alibaba sẽ là một trong số ít hãng công nghệ lớn của Trung Quốc có kết quả này. Sau đó vài ngày, Tencent – một “đại gia” về mạng xã hội ở Trung Quốc – cũng được dự báo công bố kết quả kinh doanh tương tự.
Điều này như một lời nhắc nhở với các nhà đầu tư rằng, sau chiến dịch siết chặt kiểm soát của chính phủ “thổi bay” hơn 1.000 tỷ USD vốn hóa của cả hai công ty năm 2021, Alibaba và đối thủ truyền kiếp Tencent giờ đây chỉ còn cái bóng của kỷ nguyên hoàng kim trước đây.
Cũng giống như nhiều doanh nghiệp tại Trung Quốc, hai công ty này cũng đang vật lộn với không chỉ các đợt phong tỏa phòng dịch Covid-19 nghiêm ngặt mà còn đối mặt cuộc khủng hoảng tiêu dùng – một phép thử với sự ổn định của nền kinh tế số 2 thế giới.
“Không ngạc nhiên khi quý 2/2022 sẽ là một trong những quý tồi tệ nhất kể từ khi đại dịch bùng phát với lợi nhuận của các doanh nghiệp Trung Quốc. Và doanh nghiệp công nghệ không phải ngoại lệ. Đó là chưa kể ngành công nghệ đang phải đối mặt với những trở ngại về pháp lý ảnh hưởng tới triển vọng tăng trưởng – xu hướng mang tính cấu trúc và dài hạn hơn”, nhà phân tích Marvin Chen của Bloomberg Intelligence nhận định.
Tốc độ và sự quyết liệt của Bắc Kinh trong việc siết chặt kiểm soát lĩnh vực công nghệ đã ảnh hưởng lớn tới sự tăng trưởng của mảng thương mại điện tử, chia sẻ ô tô, giao đồ ăn, game…
Tuy nhiên, Alibaba chịu ảnh hưởng nặng nề hơn so với nhiều công ty cùng ngành.
Một người nổi tiếng trong giới phát trực tiếp có tên Viya – người từng bán được 1,2 tỷ USD hàng hóa trong sự kiện mua sắm ngày 11/11/2021 trên nền tảng Taobao của Alibaba – gần đây bị điều tra hành vi trốn thuế. Không lâu sau đó, cơ quan giám sát công nghệ của quốc gia này đã đình chỉ một phần mảng kinh doanh đám mây Alicloud của Alibaba vì chậm trễ trong việc thông báo về một lỗ hổng phần mềm lớn – điều được cho là “đánh lừa” các khách hàng tiềm năng.
“Điều tồi tệ nhất có lẽ đã qua khi nền kinh tế bắt đầu tăng tốc độ tăng trưởng và các biện pháp phong tỏa được nới lỏng, nhưng đây có thể là sự phục hồi không ổn định do còn tùy thuộc vào diễn biến dịch bệnh. Với lĩnh vực công nghệ, tăng trưởng doanh thu từ đây có thể tăng nhưng tăng trưởng lợi nhuận có thể bấp bênh tùy vào các biện pháp cắt giảm chi phí cũng như các khoản đầu tư được thực hiện trong năm qua”.
Marvin Chen, Bloomberg Intelligence
Hồi tháng 6, “Vua son môi” Li Jiaqi trở thành người nổi tiếng thứ hai biến mất khỏi nền tảng Taobao của Alibaba. Người này được cho là bị “phong sát” vì phát trực tiếp hình ảnh nhạy cảm chính trị.
Tháng trước, các chuyên gia an ninh mạng nói rằng Alicloud có liên quan tới vụ vi phạm an ninh mạng lớn nhất Trung Quốc - vụ rò rỉ dữ liệu về một tỷ cư dân từ cơ sở dữ liệu của cảnh sát Thượng Hải.
Tất cả những điều này xảy ra trong bối cảnh Trung Quốc vừa thoát khỏi tình huống suy giảm tăng trưởng kinh tế quý thứ hai liên tiếp “trong gang tấc”, khi các đợt phong tỏa phòng Covid-19 bóp nghẹt chi tiêu tiêu dùng với mọi thứ, từ nội dung trực tuyến cho tới quần áo, đồ điện tử.
Doanh thu quý 2/2022 của Alibaba được dự báo giảm 1,2% xuống còn 203,4 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 30,1 tỷ USD).
Dự báo doanh thu của Tencent cung không khả quan hơn. Dù các cơ quan chức năng Trung Quốc đã tiếp tục phê duyệt game mới trong tháng 4 sau thời gian dài hạn chế, Tencent – công ty phát triển game hàng đầu nước này – vẫn chưa được duyệt game nào trong năm nay. Đó là một lý do khiến các nhà phân tích dự báo doanh thu của công ty này sẽ giảm 1,7% trong quý 2 năm ngoái.
Nhiều hãng công nghệ lớn khác của Trung Quốc cũng đối mặt tình trạng tương tự. Baidu – công ty đứng sau công cụ tìm kiếm hàng đầu Trung Quốc – được dự báo doanh thu giảm 5,6% trong quý. Hãng thương mại điện tử JD.com, hãng giao đồ ăn Meituan, dịch vụ phát trực tuyến Kuaishou được dự báo tăng trưởng ở mức thấp nhất trong nhiều năm
Lãnh đạo các công ty công nghệ Trung Quốc trước đó nhiều lần cảnh báo nhà đầu tư nên chuẩn bị tinh thần cho một thực tế mới - đó là tăng trưởng trầm lắng – thời gian tới. Tuy nhiên, việc các công ty không đạt được dự báo của các nhà phân tích mở ra một bức tranh u ám hơn mà nhiều người lo sợ.
Doanh số bán lẻ tháng 6 của Trung Quốc chỉ tăng 3,1%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 12% cùng kỳ năm trước. Theo đó, doanh thu từ mảng bán lẻ thương mại điện tử của Alibaba được dự báo sẽ chỉ tăng trưởng chưa tới 1% - mức tăng quý thấp nhất từ trước đến nay. Doanh thu từ mảng điện toán đám mây của công ty cũng được dự báo chỉ tăng 14,3% trong quý 2 – mức thấp thứ hai trong khoảng 6 năm.
“Điều tồi tệ nhất có lẽ đã qua khi nền kinh tế bắt đầu tăng tốc độ tăng trưởng và các biện pháp phong tỏa được nới lỏng, nhưng đây có thể là sự phục hồi không ổn định do còn tùy thuộc vào diễn biến dịch bệnh”, ông Chen của Bloomberg Intelligence nhận xét. “Với lĩnh vực công nghệ, tăng trưởng doanh thu từ đây có thể tăng nhưng tăng trưởng lợi nhuận có thể bấp bênh tùy vào các biện pháp cắt giảm chi phí cũng như các khoản đầu tư được thực hiện trong năm qua”.