Nền tảng thương mại điện tử thời trang và đồ xa xỉ đến từ Vương quốc Anh cho biết doanh thu giảm 1,3% so với cùng kỳ xuống còn 572 triệu USD trong quý 2/2023, thấp hơn 12% so với kỳ vọng của các nhà phân tích. Cổ phiếu của công ty đã giảm 1,75% sau khi thị trường đóng cửa vào chiều thứ Năm tuần trước.
Giám đốc điều hành José Neves nói với tờ Vogue Business: “Điều quan trọng là phải lùi lại một bước và xem xét cơ hội dài hạn cho Farfetch. Kể từ khi thành lập, chiến lược của chúng tôi là xây dựng Farfetch trở thành nền tảng toàn cầu cho hàng hóa sang trọng bằng cách phát triển một sàn thương mại điện tử với công nghệ, hậu cần và khả năng dữ liệu vô song. Chiến lược này vẫn là kim chỉ nam của chúng tôi”.
Tổng giá trị giao dịch (GMV) của công ty là 1.032,6 triệu USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái, bất chấp sự chậm trễ trong tiêu thụ ở cả thị trường Hoa Kỳ và Trung Quốc. Tại Mỹ, hiệu suất GMV ở mức một con số. Ông Neves cho biết: “Giống như trường hợp của nhiều công ty khác trong ngành công nghiệp xa xỉ, chúng tôi đã chứng kiến lượng khách hàng xa xỉ ít hào hứng hơn ở Mỹ. Tapestry và Ralph Lauren cũng đã báo cáo sự sụt giảm doanh thu tương tự tại Hoa Kỳ do nhu cầu vẫn còn thấp”.
GMV của Trung Quốc cũng giảm một con số, mặc dù hoạt động đi lại và chi tiêu đã phục hồi. Ông Neves cho biết: “Thực tế là sự phục hồi không mạnh mẽ như chúng tôi mong đợi khi báo cáo kết quả quý 1 của mình”. Ông Neves đã đưa ra các đợt sa thải gần đây, khiến 11% số lượng nhân viên rời khỏi công ty và nói rằng các biện pháp cắt giảm chi phí gần đây của công ty là quan trọng nhất. Điều này được thúc đẩy bởi các ưu tiên tăng trưởng bắt buộc phải có của Farfetch: lợi nhuận và tạo ra tiền mặt.
Ông Neves cũng mong đợi việc đóng cửa hoạt động kinh doanh ngành hàng làm đẹp của Farfetch có thể loại bỏ 150 triệu USD chi phí cố định trong thời gian còn lại của năm. “Chúng ta phải đưa ra quyết định chiến lược. Khi chúng tôi có các danh mục như đồ xa xỉ với giá trị trung bình trên một đơn hàng cực kỳ cao và khả năng sinh lời, thì so với việc đầu tư cùng một số tiền vào mảng làm đẹp – vốn có giá trị trung bình trên một đơn hàng thấp hơn và khả năng sinh lời kém hơn, theo quan điểm của tôi, đây hoàn toàn là một quyết định đúng đắn”.
Tháng 1/2022, Farfetch mua lại nhà bán lẻ cao cấp Violet Grey và ra mắt mảng kinh doanh làm đẹp trên trang web của mình với nhiều chiến lược tiếp thị hấp dẫn. Công ty cho tung ra ưu đãi làm đẹp trên trang web cốt lõi của mình với hơn 100 thương hiệu uy tín. Đội hình tổng thể của nhóm hàng bao gồm các thương hiệu lớn và phổ biến như African Botanics, Chanel , Chantecaille, Charlotte Tilbury , Frédéric Malle , Gucci , Joanna Vargas, La Mer , Olaplex, Prada , Sam McKnight, Sisley Paris, Tom Ford, Westman Atelier và Yves Saint Laurent Beauté,...
Nhà bán lẻ này từng cho biết mục tiêu là mang lại “trải nghiệm vượt ra ngoài ranh giới, với sự giao thoa hấp dẫn giữa thời trang và làm đẹp với cơ hội duy nhất để khám phá và mua sắm trực tuyến về làm đẹp thông qua tuyển chọn các sản phẩm và tiếng nói của cộng đồng — phục vụ khách hàng ở mọi lứa tuổi, chủng tộc, văn hóa và giới tính”.
Farfetch cũng đã thành lập Farfetch Beauty Global Collective, một cộng đồng gồm những người sáng lập thương hiệu, chuyên gia trong ngành, những người sáng tạo và có tầm nhìn định hình một cách tiếp cận mới về làm đẹp. Song, động thái mới nhất cho thấy công ty đã nhận ra sự khó khăn trong việc giành thị phần trong một lĩnh vực vốn đã có một số lượng lớn các nhà bán lẻ lâu đời và xa xỉ ở các vị trí thống lĩnh ở mọi mức giá.
Farfetch đã nhận thấy lĩnh vực nền tảng kỹ thuật số tăng trưởng trở lại sau khi giảm 1% trong quý trước. GMV và doanh thu lần lượt tăng 7% và 10%. Giám đốc tài chính Elliot Jordan cho biết điều này được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng cơ bản mạnh mẽ từ thị trường và mức tăng trưởng hai con số từ các giải pháp nền tảng. Đồng thời, các mối quan hệ đối tác của Farfetch với Bergdorf Goodman và Yoox Net-A-Porter cũng đang đi đúng hướng.
Vị Giám đốc điều hành vẫn lạc quan. “Việc số hóa hàng xa xỉ đang ở giai đoạn đầu,” ông Neves nói. “Farfetch với tư cách là người dẫn đầu trong sự kết hợp giữa công nghệ và sự xa xỉ, đã sẵn sàng cho sự tăng trưởng và lợi nhuận đáng kể. Điều này củng cố niềm tin của chúng tôi vào các kế hoạch đã nêu trước đây nhằm mở rộng quy mô kinh doanh GMV trị giá 10 tỷ USD, tạo ra khoảng 400 tỷ USD lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao và dòng tiền tự do mạnh mẽ vào năm 2025”.
Trong khi đó, lĩnh vực bán lẻ các mặt hàng xa xỉ đang liên tiếp ghi điểm với mức doanh thu tăng trưởng ấn tượng trên các kênh bán hàng trực tuyến. Theo phân tích dự báo của McKinsey, lĩnh vực thời trang cao cấp dự kiến sẽ tăng trưởng doanh thu trực tuyến từ 5 đến 10% vào năm 2023. Chính vì thế, các nhà bán lẻ hàng xa xỉ đang lên kế hoạch tăng đáng kể chi tiêu cho công nghệ và truyền thông trong ba năm tới.
Theo nghiên cứu toàn cầu mới của công ty công nghệ truyền thông có trụ sở tại Vương quốc Anh Communications Specialist, dự đoán mức tăng chi tiêu cho công nghệ sẽ là 36% trong ba năm tiếp theo, trong đó cứ năm giám đốc điều hành thì có một người tin rằng chi tiêu sẽ tăng từ 50% trở lên để đầu tư cho nền tảng bán hàng online.
Điều quan trọng tiếp là đa số các giám đốc điều hành được hỏi đều kỳ vọng 28% doanh số bán hàng trên thị trường bán lẻ xa xỉ sẽ được thực hiện trực tuyến trong vòng ba năm tới, do khách hàng ngày càng muốn tương tác trực tuyến với các thương hiệu được ưa chuộng. Điều này sẽ đòi hỏi chi tiêu lớn cho công nghệ và trọng tâm chính sẽ là tăng cường sử dụng các giải pháp di động như thiết bị POS, giúp nhân viên bán hàng nâng cao dịch vụ khách hàng tại các cửa hàng và giúp quản lý việc giao hàng.
Kevin Buchler, Giám đốc Tiếp thị của công ty Communications Specialist, cho biết: “Lĩnh vực bán lẻ xa xỉ trên toàn cầu đang phát triển mạnh mẽ nhưng nhu cầu và nhận thức của khách hàng cũng đang thay đổi. Sự gia tăng của mua sắm trực tuyến với nhu cầu nâng cao trải nghiệm tại cửa hàng đang gây áp lực lên chi phí của các nhà bán lẻ”.