Amazon đã bán các mặt hàng thời trang xa xỉ của mình ở Hoa Kỳ từ năm 2020, và từ tháng 6/2022 họ quyết định đưa trải nghiệm mua sắm mới này tới khách hàng châu Âu ở Anh, Đức, Pháp, Ý và Tây Ban Nha. Những người mua sắm trên Amazon ở châu Âu giờ đây đã có thể bổ sung vào giỏ hàng kỹ thuật số của mình bằng những mặt hàng thời trang cao cấp, chẳng hạn như váy dạ hội của Peter Dundas hoặc giày cao gót Christopher Kane, cùng nhiều thương hiệu cao cấp khác sẽ tham gia vào danh mục hợp tác trong tương lai.
Theo Business Insider, có sẵn để truy cập trên website của Amazon, các bộ sưu tập nói trên được bán trực tiếp từ các thương hiệu và nhà thiết kế tới khách hàng, cho phép đôi bên có quyền tự do chọn lựa sản phẩm và mức giá thống nhất. Để thúc đẩy doanh số bán hàng của mảng thời trang trên nền tảng trực tuyến, trong năm 2022, Amazon cũng đã mắt một tính năng rất thú vị mang tên Virtual Try-on, vốn cho phép người dùng có thể thử giày ảo thông qua công nghệ thực tế ảo tăng cường AR kết hợp với camera của điện thoại thông minh.
Thông thường, chính sách hoàn trả sản phẩm có phần thoải mái của Amazon cho phép khách hàng có thể đặt mua giày và quần áo, thử chúng ở nhà và có thể hoàn trả lại những bộ quần áo hoặc giày dép không vừa. Tuy nhiên, với tính năng mới nhất này, có thể thấy Amazon đang tìm cách giảm thiểu tối thiểu rủi ro (hay chi phí) “hoàn đơn” khi cho phép khách hàng khả năng thử giày bằng camera qua ứng dụng Amazon trên smartphone.
Sau một khởi đầu đáng lo lắng khi doanh số bán hàng chủ yếu đến từ các mặt hàng “dạng thường” như khẩu trang và quần áo thể thao, trong 6 tháng qua, các sản phẩm giá cao hơn đã dần chiếm ưu thế. Mới đây, tập đoàn tài chính Wells Fargo ước tính, rằng doanh thu hàng may mặc và giày dép của Amazon tại Hoa Kỳ trị giá gần 70 tỷ USD vào cuối năm 2022, đưa Amazon trở thành nhà bán lẻ thời trang lớn nhất tại đất nước cờ hoa. Ở châu Âu, chỉ có nhà bán lẻ điện tử Zalando của Đức vượt qua Amazon về doanh số bán hàng thời trang trực tuyến xuyên biên giới.
Trong năm tài chính 2022, tập đoàn Amazon đã tạo ra doanh thu 514 tỷ USD (474 tỷ euro), tương đương với mức tăng 9% và 13% theo tỷ giá hối đoái không đổi. Tuy nhiên, thu nhập hoạt động của tập đoàn sụt giảm, giảm từ 24,9 tỷ USD vào năm 2021 xuống còn 12,2 tỷ USD vào năm 2022.
Số liệu doanh thu năm 2022 của Amazon bao gồm hoạt động kinh doanh bán lẻ trực tuyến của tập đoàn và cả hoạt động kinh doanh lưu trữ dữ liệu, mang lại doanh thu trị giá 80,1 tỷ USD (tăng 29%) và 22,8 tỷ USD thu nhập hoạt động trong năm.
Chỉ riêng về mặt hàng điện tử, Bắc Mỹ vẫn là thị trường chính của tập đoàn, với doanh thu 315,9 tỷ USD (tăng 13%) và thu nhập hoạt động là 2,8 tỷ USD. Bên ngoài Bắc Mỹ, tập đoàn đã tạo ra 7,7 tỷ USD thu nhập hoạt động từ 118 tỷ USD doanh thu (tương đương với mức tăng 8%).
Như thường lệ, Amazon không cung cấp thông tin chi tiết về kết quả của các loại sản phẩm khác nhau được bán trên thị trường của mình, thông qua các thương hiệu của chính họ và bên thứ ba. Song, trong khoảng 10 năm trở lại đây, tập đoàn của Mỹ khẳng định, rằng thời trang là một trong những nguồn doanh thu chính của họ, bên cạnh đồ điện tử tiêu dùng.
“Trong ngắn hạn, chúng tôi phải đối mặt với một nền kinh tế bấp bênh, nhưng chúng tôi vẫn khá lạc quan về các cơ hội dài hạn cho Amazon,” Giám đốc điều hành của tập đoàn Andy Jassy cho biết. Amazon đang đặt mục tiêu giành thị phần so với bán lẻ truyền thống và trong thời gian tới. Vào năm 2022, tập đoàn này đã tăng cường chi tiêu cho hoạt động tiếp thị, tăng từ 32,5 triệu đô la lên 42,2 triệu USD trong một năm. Trong cùng thời gian, hoạt động kinh doanh thực hiện của Amazon đã tăng từ 75,1 triệu USD lên 84,3 triệu USD.
Để tăng cường khả năng thực hiện đơn hàng, năm ngoái Amazon đã triển khai Sparrow, một hệ thống robot có khả năng chọn sản phẩm từ các kệ kho. Cũng trong năm ngoái, nhà kho của tập đoàn ở Seville, Tây Ban Nha, đã trở thành trang trại năng lượng mặt trời lớn nhất của Amazon, được trang bị 13.300 tấm quang điện tạo ra 6 triệu kilowatt giờ mỗi năm. Một sáng kiến đáng chú ý, trong bối cảnh chi phí năng lượng tăng cao ở châu Âu.
Amazon hiện cũng đang đặt cược vào mô hình nhận đơn hàng sớm, đẩy nhanh tốc độ giao hàng trong ngày cho khách hàng sống tại hoặc gần nhiều thành phố lớn ở Mỹ. Việc giao hàng trong ngày của gã khổng lồ thương mại điện tử giờ đây "thậm chí còn nhanh hơn" đối với các khách hàng ở Los Angeles, Phoenix và San Francisco, cùng với các trung tâm bận rộn khác, theo báo cáo thu nhập quý 4/2022 vừa được công bố.
Amazon cho biết khách hàng ở những khu vực này "hiện có thể nhận được hàng trăm nghìn mặt hàng trong vòng vài giờ". Theo trang web của Amazon, khách hàng của Amazon Prime có thể được giao hàng miễn phí trong ngày dựa trên vị trí của họ và những gì họ đang đặt hàng.
Đối với quý 1/2023, Amazon dự báo doanh thu dao động từ 121 tỷ USD đến 126 tỷ USD, tương đương mức tăng từ 4% đến 8%. Thu nhập hoạt động dự kiến sẽ nằm trong khoảng từ 0 đến 4 tỷ USD.
Trước đó, vào tháng 1/2023, bảng xếp hạng Brand Finance Global 500 vừa công bố cho thấy tập đoàn Amazon đã lấy lại vị trí thương hiệu giá trị nhất thế giới mặc dù giảm 15% giá trị trong năm nay. Theo đó, mặc dù Amazon đã giành lại vị trí dẫn đầu nhưng giá trị thương hiệu của họ đã giảm hơn 50 tỷ USD trong năm nay, từ 350,3 tỷ USD xuống còn 299,3 tỷ USD, theo Kênh truyền hình RT.
Xếp hạng của Amazon đã giảm từ mức AAA+ xuống AAA, do người tiêu dùng đánh giá khắt khe hơn vào thời hậu đại dịch. Nghiên cứu trên cho thấy mức đánh giá về dịch vụ khách hàng của tập đoàn thương mại điện tử Mỹ này giảm xuống, khi thời gian giao hàng kéo dài hơn và người tiêu dùng ít có khả năng giới thiệu Amazon cho người khác hơn. “Cùng lúc với việc kết thúc các biện pháp kiểm soát của đại dịch, mọi người đang quay trở lại mua sắm trực tiếp, làm giảm nhẹ nhu cầu bán lẻ trực tuyến”, báo cáo cho biết.
Trong khi đó, rập đoàn công nghệ Apple của Mỹ tụt xuống vị trí thứ hai, với giá trị thương hiệu giảm 16% từ 355,1 tỷ USD xuống còn 297,9 tỷ USD.