“Chúng tôi vẫn đang có dòng tiền âm, do doanh thu quảng cáo giảm 50% cộng với gánh nặng nợ nần” tỷ phú cho biết trong một bài đăng trả lời một người dùng đang đưa ra đề xuất về tài chính cho nền tảng.
Ông ấy kết luận rằng “Cần phải đạt được dòng tiền dương trước khi chúng ta có được bất cứ thứ gì xa xỉ khác”. Theo công ty nghiên cứu thị trường Insider Intelligence, Twitter đã đặt mục tiêu đạt doanh thu 3 tỷ USD trong năm nay, giảm khoảng 30% so với doanh thu của năm ngoái.
Kể từ khi tiếp quản Twitter, Musk đã cố gắng trấn an các nhà quảng cáo, những người lo ngại về việc sa thải các giám đốc điều hành hàng đầu, sa thải nhân viên trên diện rộng và một cách tiếp cận khác để kiểm duyệt nội dung. Một số người dùng nổi tiếng từng bị cấm đã được phép quay lại trang web.
TWITTER GẶP KHÓ KHĂN TRƯỚC KHI MUSK TIẾP QUẢN
Vào tháng 4, Musk cho biết hầu hết các nhà quảng cáo rời đi đã quay trở lại và công ty có thể có dòng tiền dương trong quý II. Sau đấy, ông ấy đã thuê một CEO mới, Linda Yaccarino, một giám đốc điều hành của NBCUniversal, người có mối quan hệ sâu sắc với ngành quảng cáo. Động thái cho thấy việc bán quảng cáo vẫn là ưu tiên hàng đầu của công ty.
Bà Yaccarino cho biết Twitter có kế hoạch tập trung vào video, người sáng tạo và quan hệ đối tác thương mại. Công ty được cho là đang đàm phán sớm với các nhân vật chính trị và giải trí, dịch vụ thanh toán cũng như các nhà xuất bản tin tức và phương tiện truyền thông.
Lucy Coutts, giám đốc đầu tư tại JM Finn chia sẻ với chương trình Today của BBC rằng ông Musk sẽ có thể xoay chuyển tình thế của Twitter "nhưng sẽ mất nhiều thời gian hơn".
Bà nói thêm "Tuy nhiên thật không may, ông ấy phải trả khoản nợ 13 tỷ USD vào cuối tháng này, vì vậy chúng tôi có thể thấy áp lực nhiều hơn đối với cổ phần của Tesla nếu ông ấy phải bán thêm cổ phần của mình trong công ty đó".
Tuy nhiên, Meghana Dhar, cựu giám đốc đối tác của Snap và Meta, công ty sở hữu đối thủ Twitter mới là Threads cho biết công ty đã gặp khó khăn trước khi ông Musk mua lại. Bà chia sẻ với chương trình Today của BBC: “Elon và Twitter hiện đang ở một vị trí hết sức khó khăn. Công bằng mà nói với Elon, chúng tôi đã chứng kiến sự sụt giảm doanh thu và tăng trưởng doanh thu của Twitter kể từ trước khi Elon tiếp quản".
NHỮNG CHÍNH SÁCH MỚI KHIẾN NGƯỜI DÙNG KHÔNG HÀI LÒNG
Đầu tháng này, Elon Musk đã thông báo Twitter sẽ tạm thời hạn chế số bài tweet mà người dùng có thể đọc mỗi ngày, trong động thái nhằm hạn chế việc các công ty trí tuệ nhân tạo (AI) thu thập trái pháp luật dữ liệu của trang này.
Musk cho biết các tài khoản đã được xác minh tạm thời bị giới hạn đọc 6.000 bài đăng mỗi ngày, đồng thời cho biết thêm rằng các tài khoản chưa được xác minh và tài khoản mới chưa được xác minh bị giới hạn lần lượt là đọc 600 bài đăng và 300 bài đăng mỗi ngày. Điều này đã làm người dùng cảm thấy khó chịu.
Bên cạnh đó, TweetDeck – ứng dụng bảng điều khiển phương tiện truyền thông xã hội sẽ yêu cầu người dùng phải được xác minh khi sử dụng ứng dụng. Chính sách này sẽ có hiệu lực vào tháng tới và dường như nhằm mục đích tăng thêm doanh thu vì người dùng cần phải trả tiền để xác minh tài khoản của họ theo những thay đổi của Musk.
Twitter đã thông báo rằng những người sáng tạo nội dung sẽ có thể nhận được một phần doanh thu quảng cáo của trang web, việc này dường như để khuyến khích nhiều người sáng tạo hơn tham gia trang web. Để đủ điều kiện, người sáng tạo phải có Twitter Blue và có ít nhất 5 triệu lượt hiển thị trên các bài đăng của họ trong mỗi ba tháng qua.
Những thay đổi này được thực hiện khi Threads, một ứng dụng do Meta - công ty mẹ của Facebook - phát hành ra thị trường để cạnh tranh với Twitter. Ứng dụng đã đạt hơn 100 triệu người dùng đăng ký trong 5 ngày đầu tiên trình làng. Đầu năm nay, ứng dụng trí tuệ nhân tạo ChatGPT do OpenAI tạo ra đã mất hai tháng để đạt được số lượng người dùng trên.
Theo một số ước tính, Threads hiện đã đạt 150 triệu người dùng. Twitter được cho là có khoảng 200 triệu người dùng thường xuyên nhưng ứng dụng đã liên tục gặp lỗi kỹ thuật kể từ khi tỷ phú Musk mua lại và sa thải hàng nghìn nhân viên.