August 06, 2018 | 12:07 GMT+7

Doanh thu thương mại điện tử tiêu dùng nhanh sẽ đạt 400 tỷ USD năm 2020

Duyên Duyên

Bán hàng từ kênh thương mại điện tử của ngành hàng tiêu dùng nhanh sẽ chiếm 10-12% tổng thị phần của ngành hàng này

Những động lực thúc đẩy sự tiện lợi và nhu cầu ngày càng tăng về sản phẩm và giải pháp có thể giúp đơn giản hóa cuộc sống, đang có tác động vô kể đến các ngành công nghiệp.
Những động lực thúc đẩy sự tiện lợi và nhu cầu ngày càng tăng về sản phẩm và giải pháp có thể giúp đơn giản hóa cuộc sống, đang có tác động vô kể đến các ngành công nghiệp.

Một nghiên cứu thương mại điện tử của Nielsen trên 30 quốc gia cho thấy, doanh số bán hàng trực tuyến tiêu dùng nhanh đang tăng gấp 5 lần doanh số bán hàng tại các cửa hàng và đến năm 2020, thương mại điện tử của ngành hàng tiêu dùng nhanh toàn cầu sẽ có doanh thu hơn 400 tỷ USD.

6 yếu tố thúc đẩy sự tiện lợi của người tiêu dùng toàn cầu

Theo một nghiên cứu mới đây của Công ty nghiên cứu Nielsen, người tiêu dùng trên toàn thế giới đang có nhu cầu khẩn thiết về các giải pháp tiện lợi để có thể giúp đơn giản hóa cuộc sống của họ, với lối sống bận rộn và khả năng kết nối ngày càng tăng đóng vai trò quan trọng trong quyết định mua hàng.

Báo cáo từ Nielsen về sự tiện lợi cho thấy, hơn 1/4 người tiêu dùng toàn cầu cho biết họ tìm kiếm sản phẩm giúp cuộc sống của họ dễ dàng hơn (27%) và thuận tiện để sử dụng (26%), trong khi khoảng 1/5 người tiêu dùng đang tìm kiếm các sản phẩm phù hợp cho hộ gia đình nhỏ (20%) và được điều chỉnh theo nhu cầu cụ thể (19%).

Mặc dù nhu cầu về sự tiện lợi thay đổi theo từng khu vực, song theo Nielsen, có 6 yếu tố chính thúc đẩy nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng về sự tiện lợi trên toàn cầu. Đó là đô thị hóa; quy mô hộ gia đình bị thu nhỏ lại; giao thông ở các đô thị trở nên đông đúc; sự chuyển dịch vai trò nam và nữ trong xã hội; nhu cầu của mỗi thế hệ khác nhau và sự lan rộng của công nghệ.

"Những động lực thúc đẩy sự tiện lợi, và nhu cầu ngày càng tăng về sản phẩm và giải pháp có thể giúp đơn giản hóa cuộc sống, đang có tác động vô kể đến các ngành công nghiệp, đặc biệt là ngành hàng tiêu dùng nhanh, ngành phụ thuộc vào người tiêu dùng rất cao. Các lựa chọn sản phẩm tạp hóa và sản phẩm đóng gói của người tiêu dùng được củng cố bởi trải nghiệm của họ trong ba lĩnh vực: mua sắm, tiêu dùng và cam kết thương hiệu", Nielsen nhận định.

Nhu cầu về sự tiện lợi đã làm phát sinh một loạt các sản phẩm đơn giản hóa cuộc sống như các giải pháp bữa ăn chế biến sẵn và những bữa ăn nhanh, các dịch vụ giao hàng tận nhà hoặc văn phòng và các dịch vụ giao hàng theo yêu cầu.

Theo đó, một phần ba (33%) người tiêu dùng toàn cầu sử dụng dịch vụ giao đồ ăn của các nhà cung cấp hoặc nhà hàng (11% sử dụng ít nhất một lần một tuần).

Các bữa ăn nhanh được cung cấp từ các hàng quán, các cửa hàng thức ăn nhanh và các tiệm ăn cũng đang gia tăng, với 57% người tiêu dùng trên toàn cầu đã đến trong những nơi này trong 6 tháng qua.

Bữa trưa và bữa tối là những bữa ăn có nhiều khả năng được thay thế bằng các lựa chọn ăn uống bên ngoài, với 39% người tiêu dùng toàn cầu chọn ăn ngoài hàng tuần.

"Lựa chọn này giống như 48% người tiêu dùng ở Châu Á - Thái Bình Dương và 47 % ở Bắc Mỹ mua các bữa ăn nhanh tiện lợi trên đường đi. Với người tiêu dùng Việt Nam, 56% trong số họ sử dụng các giải pháp bữa ăn nhanh bên ngoài cho bữa sáng thay vì ăn ở nhà", Nielsen cho biết.

Doanh thu bán hàng trực tuyến tiêu dùng nhanh sẽ đạt 400 tỷ USD

Trải nghiệm mua sắm của người tiêu dùng toàn cầu được thúc đẩy bởi các kênh bán lẻ, thương mại điện tử và các kênh bán hàng đa kênh.

Trong đó, một nghiên cứu thương mại điện tử của Nielsen trên 30 quốc gia cho thấy, doanh số bán hàng trực tuyến tiêu dùng nhanh đang tăng gấp 5 lần doanh số bán hàng tại các cửa hàng và đến năm 2020, thương mại điện tử của ngành hàng tiêu dùng nhanh toàn cầu sẽ có doanh thu hơn 400 tỷ USD, chiếm 10 -12% tổng thị phần ngành hàng tiêu dùng nhanh.

Cùng với đó, thiết bị di động và nền tảng kỹ thuật số cũng đang nâng cao trải nghiệm của người tiêu dùng, và chuyển đổi cam kết thương hiệu hướng đến người tiêu dùng. Ba phần tư (75%) người tiêu dùng toàn cầu cho biết họ được tự do kết nối mọi lúc, mọi nơi và tỷ lệ kết nối này cung cấp nhiều điểm chạm cho các công ty tiêu dùng nhanh để tương tác với người tiêu dùng và tận dụng việc nội địa hóa để cải thiện mức độ tương tác thông qua các giải pháp cá nhân hóa và xác thực hóa.

Theo bà Nguyễn Hương Quỳnh, Tổng giám đốc Nielsen Việt Nam, thuận tiện có nghĩa là những sản phẩm khác nhau có thể đáp ứng được nhu cầu của những khách hàng khác nhau trên toàn thế giới, tùy thuộc vào hoàn cảnh, văn hóa, địa điểm, tính phát triển của thị trường và khả năng tiếp cận công nghệ. Đây cũng là những yếu tố có ảnh hưởng quan trọng thúc đẩy nhu cầu cho các công ty tiêu dùng nhanh có thể đưa ra các giải pháp đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về sự tiện lợi.

"Quan trọng không kém, việc áp dụng công nghệ ở khắp mọi nơi đang cung cấp một kho dữ liệu người tiêu dùng ngày càng tăng, cho phép việc tùy biến lớn hơn. Những nhà cung ứng tiêu dùng nhanh cần thích nghi với hoàn cảnh và cung cấp trải nghiệm mua sắm tích hợp cho phép người tiêu dùng tự do lựa chọn các giải pháp đáp ứng nhu cầu của họ nhiều hơn", bà Quỳnh cho biết.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate