Các tổ chức vận động hành lang mạnh nhất của doanh nghiệp Mỹ lên tiếng kêu gọi kiên nhẫn với quá trình kiểm phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào tuần tới. Lời kêu gọi này được đưa ra sau khi Tổng thống Donald Trump nói sẽ là "hoàn toàn không phù hợp" nếu phiếu bầu vẫn tiếp tục được kiểm sau ngày bầu cử.
Theo tờ Financial Times, các tổ chức gồm Hội đồng Thương mại Mỹ (AmCham), Bàn tròn Doanh nghiệp (Business Roundtable)và 6 tổ chức khác đại diện cho các ngành kinh doan từ bán lẻ đến sản xuất cùng ra một tuyên bố chung kêu gọi một cuộc bầu cử hòa bình và bình đẳng. Tuyên bố nhấn mạnh rằng việc một số lượng lớn cử tri bỏ phiếu qua đường bưu điện trong lần bầu cử này có thể dẫn tới kết quả bầu cử có thể chậm "vài ngày hoặc thậm chí vài tuần".
"Ngay cả trong điều kiện bình thường, việc đưa ra kết quả cuối cùng cũng có thể mất thời gian", tuyên bố viết. "Chúng tôi kêu gọi tất cả người dân Mỹ ủng hộ quy trình đã được vạch ra trong luật liên bang và tiểu bang, giữ vững niềm tin vào truyền thống những cuộc bầu cử hòa bình và bình đẳng của đất nước chúng ta".
Mối lo kết quả bầu cử bị trì hoãn hoặc thậm chí bị tranh cãi/thách thức (contested election) đang ngày càng gia tăng ở Mỹ, bởi có một số lượng kỷ lục cử tri Mỹ bỏ phiếu qua đường bưu điện.
Lời kêu gọi của ông Trump về công bố người chiến thắng ngay trong ngày bầu cử đã nhận được sự ủng hộ của thẩm phán Brett Kavanaugh, một trong ba nhân vật được ông Trump đề cử vào hội đồng gồm 9 thẩm phán của Tòa án Tối cao Mỹ - cơ quan có thể đứng ra giải quyết bất kỳ tranh cãi nào về kết quả bầu cử.
Trong một bài viết tuần này, ông Kavanaugh nói các bang cần phải thực thi nghiêm ngặt thời hạn của việc bỏ phiếu qua đường bưu điện "để tránh sự hỗn độn và hoài nghi có thể xảy ra nếu có hàng nghìn lá phiếu gửi qua đường bưu điện sau ngày bầu cử và làm thay đổi kết quả bầu cử".
Ý kiến này của vị thẩm phán đã vấp phải sự phản đối của những tổ chức bảo vệ quyền cử tri. Họ cho rằng ông Kavanaugh đang mở đường cho việc cắt bớt số phiếu bầu trong trường hợp xảy ra việc ông Trump không chấp nhận thua cuộc.
Nhóm 8 tổ chức vận động hành lang nói trên phát tín hiệu rằng thông điệp mà họ gửi đi không hề có tính chất đảng phái.
"Năm nay, với tình hình bất ổn do đại dịch gây ra và việc nhiều người bỏ phiếu qua đường bưu điện, chúng tôi cho rằng cần phải tiếp tục những nỗ lực khuyến khích tất cả cử tri Mỹ bỏ phiếu, và có sự kiên nhẫn, tin tưởng vào quy trình bầu cử", Giám đốc chính sách AmCham, ông Neil Bradley, phát biểu.
Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh giới doanh nghiệp Mỹ lo ngại về tính chính trực của cuộc bầu cử sắp diễn ra, cũng như về cam kết của ông Trump rằng ông sẽ tôn trọng kết quả trong trường hợp ông thua cuộc - một khả năng cao nếu như nhìn vào các cuộc thăm dò dư luận gần đây.
Trong một tuyên bố hồi tháng 7, Business Roundtable nhấn mạnh rằng sức mạnh của nền dân chủ Mỹ tùy thuộc vào tính chính trực của các cuộc bầu cử, và kêu gọi các công ty Mỹ cho nhân viên nghỉ việc có trả lương để đi bỏ phiếu.
Tuy nhiên, một số nhà đầu tư và hoạt động tỏ ra thất vọng vì những tổ chức lớn như vậy không đưa ra lời kêu gọi mạnh mẽ hơn về tuân thủ các quy định bầu cử. Họ lo ngại vì thấy ông Trump không chịu đưa ra cam kết rằng ông sẽ rời Nhà Trắng một cách hòa bình nếu ông thua.
ICCR, một liên minh của các nhà đầu tư ở Mỹ, tuần trước kêu gọi Business Roundtable dùng ảnh hưởng để đảm bảo một cuộc chuyển giao quyền lực hòa bình, ngăn chặn những hành vi dọa nạt cử tri, và thực hiện các cam kết thông qua vận động hành lang và tài trợ chính trị. "Những ai chọn cách giữ im lặng sẽ bị xem là đồng lõa với sự hỗn loạn", ICCR cảnh báo.
Tuần này, một lá thư có chữ ký của hơn 650 học giả về kinh doanh đã kêu gọi giới lãnh đạo doanh nghiệp "công bố một điều mà nhiều người đang nói đến một các bí mật: Tổng thống Trump không còn phù hợp để lãnh đạo đất nước và là một mối đe dọa đối với Đảng Cộng hòa".
Ông Deepak Malhotra, giáo sư Trường Kinh doanh Harvard, người chủ trì lá thư trên, nói với Financial Times rằng lá thư phản ánh mối lo gia tăng về những phát biểu gần đây của ông Trump gây hoài nghi về kết quả bầu cử.
Ngoài ra, một loạt cá nhân lãnh đạo doanh nghiệp lớn của Mỹ cũng đã lên tiếng bày tỏ lo ngại về kịch bản kết quả bầu cử bị thách thức.
Ông Jamie Dimon, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc (CEO) ngân hàng JPMorgan Chase, tuần trước gửi một bức email đến toàn thể nhân viên để nói về tầm quan trọng to lớn của việc tôn trọng quy trình dân chủ. Hơn 260 nhà điều hành khác, gồm CEO Reid Hoffman của LinkedIn và Phó chủ tịch Anne Finucane của Bank of America, cùng ký vào một tuyên bố cảnh báo rằng sức khỏe của nền kinh tế Mỹ tùy thuộc vào sức mạnh của nền dân chủ Mỹ.
Ông Daniella Ballou-Aares, CEO của Leadership Now Project, tổ chức khởi xướng bức thư trên, nói rằng giới lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ đang đặc biệt lo ngại về nguy cơ xảy ra bất ổn sau bầu cử.
Một tổ chức phi đảng phái có tên Civic Alliance cũng tổ chức chiến dịch kêu gọi "bình đẳng và minh bạch" cho lần bầu cử này.