January 17, 2025 | 08:18 GMT+7

Đổi mới kinh tế, tạo đột phá tăng trưởng trong Kỷ nguyên mới

PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ - Nguyễn Khánh Linh*

Trong suốt 40 năm qua, Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng GDP ấn tượng, trung bình 6,37%/năm, thành tựu này thể hiện sự ổn định và khả năng duy trì tăng trưởng của nước ta. Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, đồng thời từng bước khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế...

Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng GDP ấn tượng trong suốt 40 năm qua, trung bình 6,37%/năm. So với các nước ASEAN, Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất, Philippines  đạt 4,17%, Malaysia đạt 5,34%, Thái Lan đạt 4,48%, và Singapore  đạt 4,51%. Thành tựu này thể hiện sự ổn định và khả năng duy trì tăng trưởng của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á phải đối mặt với nhiều biến động kinh tế và khủng hoảng.

Giai đoạn từ năm 1985 đến 1990, Việt Nam bắt đầu cải cách kinh tế thông qua chính sách Đổi mới được công bố vào năm 1986. Trong giai đoạn này, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam tăng từ 3,81% năm 1985 lên 7,36% năm 1989 nhờ vào những cải cách sâu rộng trong nông nghiệp, công nghiệp và việc mở cửa thị trường.

Trong khi đó, các quốc gia như Philippines đối mặt với khủng hoảng kinh tế và bất ổn chính trị, dẫn đến suy thoái nghiêm trọng (-6,86% năm 1985). Thái Lan và Malaysia có những giai đoạn tăng trưởng cao nhưng không đều. Thái Lan đạt mức tăng trưởng lên đến 13,29% năm 1988.

HÀNH TRÌNH ĐỔI MỚI VÀ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ 

Giai đoạn từ năm 1990 đến 1999, Việt Nam bước vào giai đoạn tăng trưởng nhanh chóng, với mức tăng trưởng cao nhất đạt 9,54% năm 1995. Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài và tận dụng cơ hội từ hội nhập kinh tế khu vực. Trong khi đó, các quốc gia như Malaysia và Thái Lan cũng ghi nhận những con số tăng trưởng đáng chú ý, lần lượt đạt 10% và 5,7% vào năm 1996.

Tuy nhiên, khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 đã làm chao đảo nền kinh tế khu vực, trong đó Thái Lan và Malaysia chịu tác động nặng nề với mức tăng trưởng âm (-2,75% và -7,36% năm 1998). Việt Nam, nhờ vào sự cách biệt tương đối với các thị trường tài chính quốc tế, chỉ bị ảnh hưởng nhẹ và vẫn duy trì tăng trưởng dương ở mức 5-8% trong giai đoạn này.

Đổi mới kinh tế, tạo đột phá tăng trưởng trong Kỷ nguyên mới - Ảnh 1

Giai đoạn từ năm 2000 đến 2008 chứng kiến sự bùng nổ kinh tế của Việt Nam, đặc biệt sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2007. Tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 6-7,5%, được thúc đẩy bởi đầu tư nước ngoài, xuất khẩu và công nghiệp hóa nhanh chóng.

Trong khi đó, Malaysia và Thái Lan dần ổn định trở lại nhưng với tốc độ tăng trưởng thấp hơn Việt Nam. Philippines bắt đầu cải thiện đáng kể, nhưng Singapore, với mô hình kinh tế tiên tiến hơn, tăng trưởng chậm hơn do đã đạt mức phát triển cao. Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 ảnh hưởng mạnh đến khu vực, nhưng Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng tích cực đạt 5,66% năm 2008.

Giai đoạn từ 2009 đến 2019, Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất khu vực. Mặc dù chịu ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam phục hồi nhanh chóng, đạt 5,4-7,5%.

Philippines cũng có sự tăng trưởng mạnh trong giai đoạn này, đạt mức 6-7%, trong khi Thái Lan và Malaysia gặp khó khăn hơn với tốc độ tăng trưởng chậm lại. Singapore, dù là nền kinh tế phát triển cao, nhưng chỉ tăng trưởng khoảng 2-4% do phụ thuộc lớn vào xuất khẩu và tài chính quốc tế.

Giai đoạn từ năm 2020 đến 2024 được xem là thời kỳ thách thức lớn với toàn thế giới do đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, Việt Nam một lần nữa chứng minh sức chống chịu kinh tế mạnh mẽ khi vẫn duy trì tăng trưởng dương ở mức 2,86% vào năm 2020, trong khi Philippines, Malaysia  và Thái Lan đều ghi nhận mức tăng trưởng âm lần lượt là -9,52%, -5,46%, và -6,05%.

Việt Nam đã trải qua những bước chuyển mình mạnh mẽ, nhưng vẫn còn khoảng cách đáng kể so với các quốc gia trong khu vực như Philippines, Malaysia, Thái Lan và Singapore. Năm 1985, GDP bình quân đầu người của Việt Nam chỉ đạt 235,65 USD, thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia khác, như Philippines với 637,83 USD, Malaysia với 2.065,09 USD, Thái Lan với 768,87 USD và Singapore với 7.001,77 USD.

Từ năm 1986, Việt Nam đã bắt đầu thực hiện công cuộc đổi mới kinh tế, tập trung vào việc chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Kết quả là GDP bình quân đầu người của Việt Nam tăng trưởng đều từ 430,19 USD vào năm 1986 lên 585,30 USD vào năm 1987.

Đặc biệt, từ năm 2000 trở đi, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tăng mạnh, GDP bình quân đầu người tăng từ 394,58 USD lên 1.684,01 USD vào năm 2010, đạt cột mốc quan trọng trong việc giảm nghèo và cải thiện đời sống của người dân.

Trong giai đoạn 2011-2024, GDP bình quân đầu người của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng, đạt 4.346,77 USD năm 2023, dự kiến đạt 4,649 USD năm 2024, từ mức chỉ hơn 200 USD vào thập kỷ 1980.

ĐIỂM SÁNG TĂNG TRƯỞNG CỦA KHU VỰC VÀ THẾ GIỚI  

Năm 2023, GDP bình quân đầu người của Philippines đạt 3.725,55 USD, Malaysia là 11.648,67 USD, Thái Lan là 7.171,81 USD, và Singapore dẫn đầu khu vực với 84.734,26 USD.

Năng suất lao động thấp, cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện và sự phụ thuộc lớn vào các ngành công nghiệp truyền thống kìm hãm tốc độ tăng trưởng và phát triển ở Việt Nam. Các vấn đề về môi trường, biến đổi khí hậu, và quản lý nguồn lực cũng đặt ra những thách thức lớn cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam.

Đổi mới kinh tế, tạo đột phá tăng trưởng trong Kỷ nguyên mới - Ảnh 2

Trong suốt quá trình chuyển mình từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những điểm sáng tăng trưởng của khu vực và thế giới, đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Nền kinh tế không chỉ tăng trưởng mạnh về quy mô mà chất lượng tăng trưởng cũng được cải thiện rõ rệt, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Từ năm 1985 đến 2024, GDP của Việt Nam đã tăng trưởng mạnh mẽ, từ mức 14,1 tỷ USD lên 429,7 tỷ USD năm 2023, dự kiến đạt 468,49 tỷ USD năm 2024. Năm 1985, quy mô GDP của Việt Nam thấp hơn đáng kể so với các nước trong khu vực như Philippines, Malaysia, Thái Lan và Singapore. Sau Đổi mới 1986, kinh tế Việt Nam bắt đầu khởi sắc với những cải cách sâu rộng, giúp GDP tăng đều qua từng năm.

Đặc biệt, giai đoạn 2001-2020 chứng kiến tốc độ tăng trưởng nhanh nhờ chính sách hội nhập kinh tế quốc tế, công nghiệp hóa và thu hút đầu tư nước ngoài. Đến năm 2023, Việt Nam đã vượt qua Malaysia (399,6 tỷ USD) và bắt kịp Philippines (437,1 tỷ USD), đồng thời thu hẹp đáng kể khoảng cách với Thái Lan (514,9 tỷ USD) và Singapore (501,4 tỷ USD), cho thấy tiềm năng mạnh mẽ của Việt Nam trong khu vực, nhờ vào chiến lược phát triển bền vững và những cải cách hiệu quả.

Để duy trì đà tăng trưởng, Việt Nam cần tiếp tục đầu tư vào hạ tầng, nâng cao năng suất lao động, và ứng phó với biến đổi khí hậu. Với những nỗ lực đó, Việt Nam có cơ hội trở thành một quốc gia phát triển trong tương lai gần, tiếp tục củng cố vị thế kinh tế trong khu vực và trên thế giới.

Kể từ Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Việt Nam đã đặt trọng tâm vào các giải pháp đột phá tăng trưởng về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực để nâng cao chất lượng tăng trưởng, bảo đảm tăng trưởng ổn định và phát triển bền vững.

Dù đạt được nhiều thành tựu ấn tượng, Việt Nam vẫn đối mặt với một số thách thức lớn. Tăng trưởng kinh tế vẫn phụ thuộc nhiều vào đầu tư vốn và lao động giá rẻ, trong khi năng suất lao động và đổi mới công nghệ còn hạn chế. Các vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu và áp lực cạnh tranh từ các quốc gia khác như Philippines cũng là những yếu tố đòi hỏi Việt Nam phải nhanh chóng cải thiện.

Với những nền tảng đã xây dựng trong 40 năm qua, Việt Nam có tiềm năng duy trì tốc độ tăng trưởng cao nếu tiếp tục đổi mới, đầu tư vào công nghệ, và xây dựng nền kinh tế bền vững, cạnh tranh hơn trong khu vực.

GIẢI PHÁP ĐỘT PHÁ ĐỂ TĂNG TRƯỞNG 

Thứ nhất, hoàn thiện khung pháp lý, đảm bảo sự đồng bộ giữa các cấp chính quyền và phối hợp chặt chẽ với các nhà đầu tư tư nhân trong quy hoạch phát triển đô thị dọc theo các tuyến giao thông trọng điểm như cao tốc, tàu hỏa cao tốc và tàu điện ngầm, giúp giảm sự phụ thuộc vào phương tiện cá nhân và thúc đẩy sự hình thành các hành lang kinh tế và phát triển đô thị bền vững.

Các khu vực này có thể được thiết kế với các trung tâm kinh doanh, khu dân cư mật độ cao, và các không gian công cộng xanh, đồng thời kết nối chặt chẽ với các hệ thống giao thông công cộng, tạo ra sự phát triển cân đối giữa đô thị và vùng nông thôn, giảm tải áp lực dân số và giao thông tại các thành phố lớn.

Đấu giá quyền phát triển, thu hồi đất vùng phụ cận và quy hoạch phát triển theo hướng tuyến giao thông dựa trên mô hình TOD (Transit-Oriented Development) dọc theo các tuyến cao tốc, tàu hỏa cao tốc và tàu điện ngầm là chiến lược quan trọng trong phát triển đô thị bền vững và tối ưu hóa nguồn lực đất đai tại Việt Nam. Quy trình đấu giá này cần được thực hiện công khai, công bằng và đi kèm với những cam kết rõ ràng từ nhà đầu tư về việc phát triển bền vững và đảm bảo lợi ích cộng đồng.

Thứ hai, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển (R&D) trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn và vật liệu đất hiếm. Xây dựng các chính sách ưu đãi đầu tư để thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia vào lĩnh vực khai thác và chế biến đất hiếm, song song với kiểm soát chặt chẽ các hoạt động khai thác để đảm bảo tính minh bạch, bảo vệ môi trường và quyền lợi của cộng đồng địa phương.

Với nguồn tài nguyên đất hiếm phong phú đứng thứ hai trên thế giới về trữ lượng, Việt Nam có tiềm năng lớn để trở thành một trong những trung tâm cung ứng quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu. Khai thác và phát triển đất hiếm để tham gia vào chuỗi giá trị bán dẫn là một chiến lược tiềm năng, góp phần định hình vị thế của Việt Nam trong ngành công nghiệp công nghệ cao toàn cầu.

Việt Nam cần xây dựng một hệ sinh thái công nghiệp hoàn chỉnh, bao gồm từ khai thác nguyên liệu thô, chế biến tinh, đến sản xuất các linh kiện và sản phẩm công nghệ cao. Đầu tư vào công nghệ chế biến đất hiếm hiện đại là yếu tố then chốt, giúp nâng cao giá trị gia tăng từ nguyên liệu thô thay vì chỉ xuất khẩu ở dạng sơ cấp. Các nhà máy chế biến đất hiếm cần áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật cao để đảm bảo chất lượng sản phẩm, đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, như xử lý chất thải hóa học và quản lý nước thải.

Đồng thời, Việt Nam cần thúc đẩy hợp tác chiến lược với các quốc gia có ngành công nghiệp bán dẫn phát triển mạnh như Nhật Bản, Hàn Quốc, và Hoa Kỳ để chuyển giao công nghệ và mở rộng thị trường, nâng cao năng lực sản xuất, đảm bảo đầu ra ổn định cho các sản phẩm chế biến từ đất hiếm.

Hiện, Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức lớn trong việc thu hút đầu tư vào khai thác đất hiếm và tham gia vào chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh các quốc gia khác đưa ra những gói ưu đãi đầu tư hấp dẫn hơn và sự ra đời của cơ chế Thuế tối thiểu toàn cầu (GMT). GMT yêu cầu các doanh nghiệp đa quốc gia phải trả mức thuế tối thiểu 15% trên lợi nhuận ở mọi quốc gia mà họ hoạt động, làm giảm hiệu quả của các chính sách ưu đãi thuế truyền thống mà Việt Nam từng sử dụng để cạnh tranh thu hút đầu tư.

Thứ ba, phát triển các đặc khu kinh tế như Phú Quốc, Vân Đồn và Vân Phong theo mô hình Singapore, Hong Kong và Thẩm Quyến là một chiến lược đầy tiềm năng để đưa Việt Nam trở thành trung tâm kinh tế - tài chính - công nghệ của khu vực.

Phú Quốc nằm giữa các tuyến hàng hải quan trọng và tiềm năng du lịch nổi bật có thể giúp đảo này trở thành một trung tâm du lịch và dịch vụ tài chính quốc tế. Việc xây dựng Phú Quốc thành một trung tâm tài chính kiểu Singapore cần tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, thu hút các tập đoàn tài chính toàn cầu và thiết lập các chính sách thuế linh hoạt, minh bạch để thu hút nhà đầu tư, song song với bảo tồn và phát triển bền vững các tài nguyên tự nhiên và văn hóa địa phương cũng là yếu tố quan trọng để tạo sức hút lâu dài. 

Vân Đồn có hệ thống giao thông kết nối thuận lợi, có tiềm năng trở thành một trung tâm logistics và sản xuất công nghệ cao giống như Thẩm Quyến. Chính phủ cần tập trung vào việc phát triển các khu công nghiệp xanh, công nghệ cao và các khu cảng biển thông minh, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp trong nước và quốc tế đầu tư vào các ngành công nghiệp tiên tiến, như công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo và năng lượng tái tạo.

Vân Phong, với lợi thế là một trong những cảng nước sâu tốt nhất khu vực, có thể phát triển theo hướng trung tâm giao thương hàng hóa quốc tế và trung tâm công nghiệp năng lượng. Theo mô hình của Hong Kong, Vân Phong cần xây dựng một hệ sinh thái kinh tế linh hoạt, trong đó các ngành công nghiệp cảng biển, logistics, và tài chính được tích hợp chặt chẽ với nhau. Việc kết hợp giữa cơ sở hạ tầng hiện đại, dịch vụ chất lượng cao và chính sách khuyến khích thương mại tự do sẽ là chìa khóa để Vân Phong phát triển bền vững.

Do đó, cần có một khung chính sách đặc thù và linh hoạt cho các đặc khu kinh tế. Việc ban hành các quy định pháp lý, chính sách thuế ưu đãi và cơ chế quản lý minh bạch sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đồng thời, cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, khuyến khích đổi mới sáng tạo và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp.

Các đặc khu này cũng cần được kết nối chặt chẽ với các khu vực kinh tế khác trong nước và quốc tế để tận dụng hiệu quả các nguồn lực sẵn có. Việc phát triển các đặc khu kinh tế cần chú trọng đến yếu tố bền vững, bảo vệ môi trường và hài hòa lợi ích của cộng đồng địa phương. Việc đảm bảo các đặc khu này phát triển không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn cải thiện chất lượng sống và duy trì văn hóa địa phương là điều kiện tiên quyết để đạt được sự phát triển toàn diện.

Nếu được quy hoạch và quản lý tốt, Phú Quốc, Vân Đồn, và Vân Phong có thể trở thành các đặc khu kinh tế kiểu mẫu, tạo đột phá tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và củng cố vai trò của Việt Nam trong khu vực cũng như trên thế giới.

Thứ tư, phát triển các trung tâm tài chính khu vực theo mô hình hải ngoại như Cayman Islands, Singapore, Hong Kong, Luxembourg và Thụy Sỹ, đặc biệt ở các khu vực chiến lược như Phú Quốc, Vân Đồn và Vân Phong, có thể tạo đột phá tăng trưởng, mang lại lợi ích lớn đối với nền kinh tế quốc gia. Các trung tâm tài chính quốc tế như Singapore, Hong Kong hay Luxembourg đã thành công trong việc xây dựng là một môi trường tài chính linh hoạt và mở cửa, nơi các doanh nghiệp và nhà đầu tư có thể giao dịch, đầu tư, và chuyển nhượng vốn một cách dễ dàng.

Việc áp dụng chính sách tự do hóa tài chính, giảm thiểu thủ tục hành chính và tối ưu hóa quy trình cấp phép, tạo ra một môi trường đầu tư thân thiện và cạnh tranh tại Phú Quốc, Vân Đồn và Vân Phong có thể tạo ra một môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp quốc tế dễ dàng tiếp cận thị trường Việt Nam, từ đó thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm và quản lý tài sản.

Đặc biệt, việc tạo ra cơ chế di chuyển vốn tự do là yếu tố then chốt để các nhà đầu tư quốc tế có thể tiếp cận và chuyển vốn vào Việt Nam một cách dễ dàng, nhanh chóng, không bị ràng buộc bởi các quy định hạn chế, giúp Việt Nam thu hút các quỹ đầu tư, các doanh nghiệp tài chính, ngân hàng quốc tế và các tập đoàn công nghệ lớn.

Mô hình phát triển của các trung tâm tài chính như Singapore hay Hong Kong cho thấy rằng miễn thuế thu nhập, thuế doanh thu và thuế VAT cho các doanh nghiệp hoạt động trong các khu vực tài chính quốc tế có thể giúp tăng cường sức hấp dẫn của môi trường đầu tư.

Việt Nam có thể áp dụng chính sách miễn thuế thu nhập, doanh thu, VAT cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư, tập trung thu tiền sử dụng đất và tạo ra việc làm. Phát triển các trung tâm tài chính tại Phú Quốc, Vân Đồn và Vân Phong cần đi đôi với việc xây dựng các cơ sở hạ tầng hiện đại, đặc biệt là hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin và truyền thông, để phục vụ cho các giao dịch tài chính và công nghệ cao.

Các công ty công nghệ lớn, đặc biệt trong lĩnh vực FinTech, có thể được thu hút vào những khu vực này để phát triển các dịch vụ tài chính điện tử, thanh toán trực tuyến và các ứng dụng công nghệ blockchain. Điều này sẽ tạo ra một hệ sinh thái tài chính hiện đại, góp phần vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam. Mô hình của các quốc gia như Saudi Arabia, Luxembourg hay Thụy Sỹ cũng nhấn mạnh vai trò của sự ổn định chính trị và pháp lý trong việc thu hút các nhà đầu tư quốc tế.

Việt Nam cần xây dựng một hệ thống pháp lý minh bạch, dễ hiểu và có các cơ chế bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, giúp tạo ra niềm tin và sự an tâm cho các nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia vào các hoạt động tài chính tại Việt Nam. Điều này không chỉ giúp Việt Nam nâng cao vị thế quốc tế mà còn tạo ra các cơ hội cho các công ty trong nước phát triển, từ đó thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo và cải thiện năng suất lao động.

Phát triển các trung tâm tài chính khu vực tại Phú Quốc, Vân Đồn và Vân Phong theo mô hình của các trung tâm tài chính quốc tế như Singapore, Hong Kong, Saudi Arabia, Luxembourg và Thụy Sỹ sẽ là một bước đi chiến lược quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam.

Để đạt được điều này, Việt Nam cần tự do hóa tài chính, thúc đẩy di chuyển vốn tự do, giảm thủ tục hành chính, áp dụng chính sách thuế ưu đãi, đồng thời xây dựng hạ tầng và môi trường pháp lý thuận lợi, tập trung vào công nghệ cao và các ngành công nghiệp sáng tạo.

Thứ năm, tận dụng các cơ hội tài chính khí hậu mà các cam kết quốc tế mang lại, đặc biệt là trong bối cảnh Hội nghị Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 29 (COP29). Tại hội nghị này, các quốc gia phát triển đã đồng thuận đóng góp 300 tỷ USD mỗi năm từ nay đến năm 2030, đồng thời cam kết tăng khoản hỗ trợ khí hậu toàn cầu lên ít nhất 1,3 nghìn tỷ USD vào năm 2035.

Đây là một bước tiến quan trọng trong việc đảm bảo các nguồn lực tài chính cần thiết để hỗ trợ các quốc gia đang phát triển, bao gồm Việt Nam, thực hiện các kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu và xây dựng các nền kinh tế bền vững.

Từ mục tiêu huy động 100 tỷ USD/năm tại Copenhagen năm 2009, tiếp theo được khẳng định tại COP21 năm 2015 và lần đầu tiên đạt được vào năm 2022. Việt Nam có cơ hội huy động nguồn lực tài chính cho các sáng kiến giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng sang các nguồn năng lượng tái tạo, phát triển công nghệ sạch, và xây dựng các chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thứ sáu, chuyển đổi từ mô hình quản lý ngân sách theo dòng mục sang mô hình quản lý ngân sách theo kết quả, với trọng tâm là ứng dụng chuyển đổi số và chuyển đổi xanh để tối ưu hóa hiệu quả sử dụng tài chính công. Mô hình mới này sẽ giúp nâng cao tính minh bạch và hiệu quả trong phân bổ nguồn lực, đồng thời đảm bảo tính bền vững và phù hợp với các mục tiêu phát triển dài hạn.

Việc ứng dụng chuyển đổi số sẽ tạo điều kiện cho việc phân bổ ngân sách theo các chỉ tiêu cụ thể, căn cứ vào các đơn vị địa lý, kết quả thực hiện và các chỉ số liên quan đến phát triển kinh tế, xã hội và môi trường. Điều này không chỉ giúp tối ưu hóa việc phân bổ ngân sách mà còn thiết lập một hệ thống giám sát linh hoạt, chính xác, từ đó có thể đánh giá rõ ràng tác động của mỗi đồng vốn vào các mục tiêu phát triển bền vững.

 

Nếu được quy hoạch và quản lý tốt, Phú Quốc, Vân Đồn, và Vân Phong có thể trở thành các đặc khu kinh tế kiểu mẫu, tạo đột phá tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và củng cố vai trò của Việt Nam trong khu vực cũng như trên thế giới.

Áp dụng mô hình quản lý ngân sách theo chỉ số sẽ tạo ra cơ chế đánh giá hiệu quả hoạt động của các chương trình, dự án, từ đó nâng cao khả năng điều chỉnh ngân sách để phát triển các chiến lược tài chính hiệu quả và bền vững, đảm bảo rằng ngân sách được phân bổ và sử dụng một cách tối ưu trên cơ sở hạch toán kinh tế môi trường (SEEA) theo số lượng, chất lượng, lưu chuyển và giá trị tiền tệ, theo vị trí và bản đồ phân vùng sẽ giúp quản lý nguồn lực từ “tâm trái đất đến hết bầu khí quyển”.

Việt Nam cần đột phá trong các giải pháp chiến lược để thúc đẩy tăng trưởng bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trên cơ sở hoàn thiện khung pháp lý, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông hiện đại và phát triển các khu vực đô thị dọc các tuyến giao thông trọng điểm sẽ tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế.

Đầu tư vào nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong các ngành công nghệ cao và nghiên cứu, sẽ giúp Việt Nam khai thác tiềm năng từ tài nguyên đất hiếm và các ngành công nghiệp công nghệ. Phát triển các đặc khu kinh tế và trung tâm tài chính khu vực theo mô hình của các quốc gia tiên tiến sẽ tạo cơ hội thu hút đầu tư quốc tế, thúc đẩy sự phát triển bền vững và nâng cao vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế, giúp Việt Nam không chỉ duy trì tăng trưởng cao mà còn tạo ra bước đột phá tăng trưởng cho nền kinh tế trong tương lai...

(*) PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ,Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường

Nguyễn Khánh Linh, Đại học California, Los Angeles.

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 01-2025 phát hành ngày 06/01/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Đổi mới kinh tế, tạo đột phá tăng trưởng trong Kỷ nguyên mới - Ảnh 3
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate