Trong những năm gần đây, Việt Nam luôn tích cực thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, mục tiêu hướng đến trở thành một hệ sinh thái năng động trong khu vực.
GỠ KHÓ CƠ CHẾ, TẠO ĐIỀU KIỆN THÚC ĐẨY ĐỔI MỚI SÁNG TẠO TẠI VIỆT NAM
Tuy vậy, thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại Việt Nam vẫn còn những khó khăn, thách thức nhất định, theo chia sẻ của các chuyên gia và nhà quản lý tại Hội thảo “Doanh nghiệp – Viện trường cùng phát triển hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo” diễn ra mới đây.
Là một đơn vị đã và đang thực hiện nhiều dự án hỗ trợ đổi mới sáng tạo, bà Trang Trần, Trưởng phòng Quản lý dự án, Quỹ đổi mới sáng tạo Vingroup, đã nhấn mạnh đến những rào cản liên quan đến chính sách, pháp lý.
Theo bà Trang Trần, các giảng viên thực hiện công tác nghiên cứu trong các viện, trường và tự thương mại hóa sản phẩm của mình đang gặp những khó khăn nhất định và thực tế, đến nay, việc tháo gỡ các rào cản này vẫn đang trong quá trình và rất khó để các giảng viên có thể thành lập doanh nghiệp và startup để thương mại hóa sản phẩm của mình. Điều này cũng hạn chế văn hóa đổi mới sáng tạo và văn hóa khởi nghiệp trong nhà trường.
“Chúng tôi nhận thấy có nhiều nhóm nghiên cứu, sau khi nhận tài trợ và phát triển sản phẩm, được khuyến khích và kết nối để tiếp tục thương mại hóa, nhưng nhiều nhóm vẫn chưa sẵn sàng. Họ chưa thay đổi được văn hóa nghiên cứu, tức là sau khi ra sản phẩm, cần tiếp tục các bước để thương mại hóa sản phẩm đó”, đại diện Quỹ đổi mới sáng tạo Vingroup cho biết.
Nói về rào cản pháp lý, quy định trong việc thương mại hóa sản phẩm, ông Phạm Tuấn Hiệp, Giám đốc Ươm tạo BK Holdings, cho rằng nhiều thành viên nghiên cứu đang là viên chức của các trường đại học công lập, nên họ không được phép làm giám đốc hoặc chủ tịch các công ty khi tham gia thành lập.
Một khó khăn khác là nhiều kết quả nghiên cứu có sở hữu hỗn hợp, bao gồm cả sở hữu của đơn vị công lập hoặc trường đại học mà họ đang làm việc. Điều này khiến cho việc đánh giá, định giá và chuyển hóa các phần sở hữu hỗn hợp vào công ty trở nên rất khó khăn.
Một trường hợp điển hình khác là các tập đoàn, công ty nhà nước khi thực hiện đổi mới sáng tạo. Petrolimex hiện là tập đoàn với mức sở hữu của Nhà nước chiếm 75%, ngoài ra có cổ đông chiến lược là nhà đầu tư nước ngoài. Đại diện Petrolimex cho biết với những doanh nghiệp có vốn Nhà nước chi phối thì có rất nhiều rào cản, thách thức đối với đổi mới sáng tạo.
Mặc dù lãnh đạo tập đoàn khuyến khích đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, nhưng lại gặp nhiều rào cản về pháp lý, nghị định, các quy định về việc sử dụng vốn Nhà nước.
Ngoài ra, các doanh nghiệp nhà nước thường có lịch sử hoạt động lâu đời và văn hóa doanh nghiệp mạnh mẽ. Cũng chính vì vậy mà các tổ chức này không dễ dàng dịch chuyển. Chẳng hạn, Petrolimex cũng mong muốn học hỏi các cây xăng ở nước ngoài, chỉ cần 1-2 người vận hành và thanh toán không dùng tiền mặt. Tuy nhiên, điều này rất khó triển khai ở Việt Nam và cũng như không thể giảm số lượng nhân viên bán hàng một cách đột ngột được.
Bà Lê Minh Anh, Trưởng ban hỗ trợ doanh nghiệp, Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia Việt Nam (NIC), cho rằng doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ hay các startup đều có "nỗi đau riêng" trong vấn đề này.
Chẳng hạn, các tổng công ty và tập đoàn có tài chính nhưng lại không thể thực hiện đổi mới sáng tạo nhiều do thiếu các chính sách tháo gỡ. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) lại đối mặt vấn đề "tiền đâu"
Trong khi đó, các startup mong muốn tăng trưởng nhanh và tạo ra các sản phẩm mới, theo kịp thị trường hiện nay, thường là các sản phẩm khoa học công nghệ, sản phẩm đổi mới sáng tạo, thậm chí là những sản phẩm chưa từng có trên thị trường. Tuy nhiên, mặc dù có đổi mới sáng tạo, nhưng họ gặp khó khăn khi không biết ai sẽ công nhận, ai sẽ cho phép và ai sẽ cấp phép để họ có thể đưa sản phẩm ra thị trường.
NĂNG LỰC ĐỔI MỚI SÁNG TẠO LÀ YẾU TỐ QUỐC GIA, KHÔNG CHỈ LÀ VẤN ĐỀ CỦA TỪNG DOANH NGHIỆP
Ông Trần Trí Dũng, Program Manager (Quản lý Chương trình) tại Swiss Entrepreneurship Program, cho rằng thực tế doanh nghiệp nào cũng phải đổi mới sáng tạo, vì nếu không có đổi mới sáng tạo, các doanh nghiệp không thể tồn tại. Theo ông Dũng, từ năm 2021, Liên minh Châu Âu đã khẳng định rằng năng lực đổi mới sáng tạo được xem là một yếu tố của chủ quyền quốc gia, không chỉ là vấn đề của từng doanh nghiệp.
Với tư cách là một công ty hiện đang mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, bà Moon Min, Giám đốc điều hành Next Challenge Foundation, một tổ chức tăng tốc khởi nghiệp của Hàn Quốc, cho biết có những rào cản nhất định về mặt quy định, pháp lý.
“Mặc dù chính phủ Việt Nam rất mong muốn thu hút nhiều công ty công nghệ và các doanh nghiệp xanh đến Việt Nam, nhưng các quy định và nghị định hiện hành có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc hiểu và tuân thủ. Điều này tạo ra một rào cản lớn đối với các công ty khi muốn hoạt động tại Việt Nam”, bà Moon Min nói.
“Tuy nhiên, tôi tin rằng chính phủ Việt Nam đang làm rất tốt để vượt qua các thách thức này, thiết lập các quy định, khuyến khích các công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tôi tin rằng nếu chính phủ tiếp tục hỗ trợ như vậy và xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp, họ sẽ tạo nên một môi trường kinh doanh tích cực và thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp”.
Chia sẻ về tình hình tại Hàn Quốc, bà Moon Min cho biết chính phủ luôn nỗ lực hỗ trợ các trường đại học, giáo dục sinh viên về đổi mới và tư duy khởi nghiệp, giúp sinh viên hiểu cách kinh doanh và tạo ra những ảnh hưởng tích cực cho xã hội. Tuy vậy, dù có nhiều đổi mới, Hàn Quốc vẫn đang phải đối mặt với các vấn đề xã hội phức tạp.
“Phát triển mạnh mẽ và có sự chuẩn bị tốt với công nghệ và ý tưởng hay, song thị trường Hàn Quốc lại cạnh tranh khốc liệt”, bà Moon Min nói.
Đổi mới sáng tạo được đánh giá là một trong những yếu tố định hướng trung tâm phát triển của mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Đảng và Nhà nước đã đề ra chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 với động lực chính dựa vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Theo ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia, hiện nay, Việt Nam ngày càng trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư. Một trong những lý do chính là môi trường đổi mới sáng tạo tại Việt Nam đang được mở rộng.
“Điều này tương tự như việc nhiều doanh nghiệp đã chọn Singapore để thành lập, không chỉ vì các chính sách ưu đãi thuế mà còn vì môi trường hỗ trợ đổi mới sáng tạo. Việt Nam hiện cũng đang có cơ hội tương tự, đặc biệt là trong vòng một năm vừa qua, chưa bao giờ thể chế và quy trình chính sách của Việt Nam thay đổi một cách tích cực và mạnh mẽ vì đổi mới sáng tạo như vậy”, ông Đỗ Tiến Thịnh nói.