Thưa ông, không phủ nhận rằng từ khi bùng nổ cho vay tiêu dùng, một bộ phận lớn người dân có nhu cầu vay vốn đã tiếp cận được loại hình dịch vụ tài chính này. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, có không ít tiêu cực, đó là khâu thẩm định sơ sài, chỉ cần chứng minh thư, số điện thoại là cho vay, không dựa vào căn cứ khả năng trả nợ để cho vay. Ông bình luận gì về vấn đề này?
Hiện nay, nhu cầu vay tiêu dùng là hết sức phổ biến, một bộ phận lớn người dân có nhu cầu vay vốn đã tiếp cận được loại hình dịch vụ tài chính này. Thay vì sẽ vay vốn tại ngân hàng gồm nhiều những thủ tục, giấy tờ, thế chấp…. người dùng sẽ lựa chọn cách vay tiền dễ dàng hơn thông qua các ứng dụng vay hoặc ví điện tử liên kết dịch vụ với bên thứ ba. Điều này giúp cho người dùng nhận được các khoản vay một cách nhanh chóng, tuy nhiên thì chính cách vay tiền này tiềm ẩn những rủi ro lớn.
Hầu hết ứng dụng vay tiền hiện nay đều là những ứng dụng tín dụng “đen” cho vay giống với hình thức tín chấp ngân hàng. Nhưng thực tế, những đơn vị này hoạt động không có giấy phép của Nhà nước, nên khi cho vay vốn sẽ thu lãi suất vượt quá 20%/năm theo quy định của Nhà nước. Đồng thời, khi vay qua ứng dụng thường bị trừ phí khá cao, gọi là phí dịch vụ được thu theo quy định của công ty, nhưng phần lãi thì tính đủ theo số tiền duyệt vay.
Bên cạnh đó, một số ví điện tử được cấp phép cũng đã liên kết với những đơn vị cho vay tín chấp (không cần tài sản thế chấp) để mang đến cho người dùng dịch vụ vay tiền an toàn hơn về mặt pháp lý, tuy nhiên vẫn có mức lãi suất cao, dễ phát sinh rủi ro khó trả.
Ví dụ như: Ví điện tử MoMo hay ứng dụng My Viettel đang liên kết với một bên thứ ba là công ty FastMoney, đơn vị thuộc Công ty cổ phần tài chính điện lực (Easy Credit) kết hợp với công ty cung cấp dịch vụ Amber Fintech để mang đến lựa chọn vay tiêu dùng nhanh cho khách hàng. Với thời hạn vay tới 18 tháng và tối đa 20 triệu đồng, giúp cho người dùng có lựa chọn vay nhanh chóng với thời gian giải ngân gần như tức thì (nếu đã xác thực danh tính trên ví MoMo).
Trong quá trình đó là thẩm định hồ sơ cho vay. Người cho vay có quyền tự do lựa chọn có cho vay hay không, căn cứ vào mục đích vay, phương án sử dụng vốn vay, khả năng trả nợ. Nếu khâu thẩm định tốt sẽ giảm bớt đi rất nhiều các hồ sơ rủi ro cao.
Nhiều người chỉ cần chứng minh thư, sổ hộ khẩu là đã có thể vay được một khoản tiền rồi. Do đó, các công ty tín dụng, tài chính cần kiểm tra, xem xét kỹ lưỡng trước khi làm thủ tục cho vay, tránh tình trạng người đi vay không có đủ khả năng trả nợ.
Nhiều ý kiến cho rằng thị trường thiếu các công cụ để hỗ trợ các công ty tài chính triển khai thu hồi nợ đối với các khách hàng trốn tránh nghĩa vụ trả nợ, ông nhìn nhận ra sao?
Hiện nay khó khăn nhất đối với các công ty tài chính là việc thu hồi các khoản nợ không có tài sản bảo đảm cho khoản vay (hay là các khoản vay tín chấp). Các khoản vay nhỏ không có tài sản bảo đảm, nhất là các khoản vay tiêu dùng, thủ tục khởi kiện tại tòa lâu mà mất nhiều thời gian. Đây cũng là một trở ngại đối với các công ty tài chính. Một nguyên nhân khác đến từ người đi vay, là ý thức về việc trả nợ và thanh toán các khoản nợ. Có nhiều người chây ì, cố tình không trả nợ.
Dưới góc độ pháp lý, hiện nay các quy định của pháp luật khá đầy đủ từ khâu xét duyệt, thẩm định để cho vay cho tới thực hiện hợp đồng và thanh toán khoản nợ của khách hàng.
Theo Điều 466 Bộ luật Dân sự 2015, bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:
Một là, lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự 2015.
Hai là, lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Trường hợp Khách vay tín chấp không trả nhưng không giữ liên lạc với bên cho vay và bỏ trốn khỏi nơi cư trú, chính quyền địa phương không thể triệu tập được hoặc khách hàng sử dụng khoản tiền vay vào các mục đích bất hợp pháp dẫn đến không trả được nợ, thì có thể sẽ bị truy tố hình sự về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 175 Bộ Luật Hình sự năm 2015 (được sửa sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Tuy nhiên, vẫn cần có thêm các công cụ hỗ trợ công ty tài chính triển khai thu hồi nợ đối với khách hàng trốn tránh nghĩa vụ trả nợ. Bài học từ những quốc gia có thị trường tài chính phát triển là xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư, chấm điểm tín dụng công dân;... Theo đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể hỗ trợ các công ty tài chính kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác định thông tin khách hàng vay, từ đó giảm thiểu nguy cơ gian lận, trốn nợ.
Để ngăn tín dụng đen, để người dân, đặc biệt người thu nhập thấp dễ dàng tiếp cận các khoản vay tiêu dùng từ tín dụng đen, ông đưa ra những đề xuất gì?
Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng và tác động trực tiếp đến thu nhập của người dân, đặc biệt là tập trung vào nhóm người có thu nhập thấp như: công nhân, người lao động thời vụ, người kinh doanh nhỏ..., dẫn tới tình hình “tín dụng đen” có chiều hướng diễn biến phức tạp.
Một trong những giải pháp quan trọng hiện nay là tạo điều kiện để người dân dễ tiếp cận vốn vay ngân hàng. Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng. Trong đó, có quy định về cho khách hàng vay phục vụ nhu cầu đời sống; chỉ đạo các tổ chức tín dụng đa dạng hóa sản phẩm, triển khai các chính sách cho vay ở vùng sâu, vùng xa...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 21-2023 phát hành ngày 22-05-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam