November 09, 2024 | 10:24 GMT+7

Đòn bẩy công nghệ số thúc đẩy tiêu thụ nông sản xứ Thanh

Nguyễn Thuấn - Thiên Anh

Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong tiêu thụ nông sản, đưa các sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử đã và đang là xu thế tất yếu giúp người sản xuất tiếp cận thị trường hiệu quả hơn, vì vậy, tỉnh Thanh Hoá tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân nắm bắt kiến thức quảng bá sản phẩm trên môi trường số...

Từ đầu năm 2024 đến nay, tỉnh Thanh Hoá đã đưa thêm 355 doanh nghiệp, hộ sản xuất tham gia sàn thương mại điện tử với tổng số 400 sản phẩm. Đến nay, toàn tỉnh đã có khoảng 600 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản thực phẩm, sản phẩm OCOP tham gia quảng bá giới thiệu và bán hàng trên các sàn thương mại điện tử: voso.vn, posmart.vn, lazada, shopee, tiki... với trên 1.050 sản phẩm các loại, doanh số bán hàng bình quân từ 15% - 20%/năm.

Cùng với đó, các đơn vị trực thuộc ngành nông nghiệp Thanh Hoá cũng phối hợp, hỗ trợ 40 đơn vị sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp đăng ký tham gia, quảng bá, giới thiệu và kinh doanh thực phẩm trên phần mềm kết nối cung cầu nông sản, thực phẩm an toàn tỉnh Thanh Hóa.

Trong 10 tháng năm 2024, ngành nông nghiệp Thanh Hoá đã tập huấn, hướng dẫn cho 900 hộ sản xuất, hợp tác xã và 30 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông - lâm - thủy sản đăng ký tài khoản bán hàng, có sản phẩm được quảng bá, giới thiệu và có tài khoản thanh toán điện tử trên sàn thương mại điện tử postmart.vn; hỗ trợ 13 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông - lâm - thủy sản thuộc trách nhiệm tích hợp thông tin vào mã QR code phục vụ truy xuất nguồn gốc...

Các sàn thương mại điện tử như Postmart.vn, Lazada, shopee, phần mềm kết nối cung - cầu nongsanantoanthanhhoa.vn, các trang mạng xã hội Zalo, Facebook, Tiktok đã mở thêm cơ hội mới, giúp các doanh nghiệp, sơ sở sản xuất và cả người nông dân Thanh Hoá quảng bá, mở rộng các kênh phân phối sản phẩm tới người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Văn Nam, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Mai An Tiêm, cho biết: “Xác định việc ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất, kinh doanh mang đến những giá trị mới cho các hợp tác xã, do đó bên cạnh việc áp dụng vào sản xuất, hợp tác xã còn triển khai rộng rãi trong hoạt động quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Đơn cử như chúng tôi thực hiện livestream quảng bá, bán sản phẩm trên nền tảng tiktok, facebook... và đưa các sản phẩm rau, củ, quả của hợp tác xã lên các trang mạng xã hội, sàn thương mại postmart.vn, Shopee, Lazada, Tiki.... Mỗi tháng, hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ khoảng 30 đến 40 tấn rau quả các loại. Đặc biệt, nhờ ưu việt của chuyển đổi số, hợp tác xã đã kết nối được nhiều đại lý, đơn vị tiêu thụ tại thành phố Hà Nội, Hải Phòng và nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước”.

Sản phẩm nông nghiệp Thanh Hóa được giới thiệu, tiêu thụ trên các website, ứng dụng công nghệ số
Sản phẩm nông nghiệp Thanh Hóa được giới thiệu, tiêu thụ trên các website, ứng dụng công nghệ số

Tuy nhiên, do cơ sở hạ tầng cho phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh này chưa đồng bộ, kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp, trình độ cơ giới hóa sản xuất còn thấp, nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp có trình độ kỹ thuật chưa cao... nên những mô hình chuyển đổi của tỉnh Thanh Hoá còn rất khiêm tốn, việc chuyển đổi số chỉ được áp dụng ở một số khâu nhất định.

Tại Hội nghị kết nối cung - cầu sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn tỉnh Thanh Hóa năm 2024 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Lê Đức Giang nhấn mạnh: Hiện nay, mới có khoảng 30% sản phẩm nông nghiệp của tỉnh này được phân phối thông qua hệ thống liên kết giữa sản xuất và tiêu dùng theo chuỗi giá trị, còn lại được phân phối tới người tiêu dùng chủ yếu thông qua hệ thống chợ truyền thống, các cửa hàng, điểm kinh doanh thực phẩm, nông sản nhỏ lẻ. Người sản xuất vẫn còn bị động trong sản xuất, thiếu thông tin thị trường, chưa gắn kết chặt chẽ với các cơ sở kinh doanh theo chuỗi giá trị, dẫn đến tình trạng “được mùa, rớt giá”...

Để giải quyết những “rào cản” trên, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá các địa phương phải có định hướng trong sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp. Các doanh nghiệp cần liên doanh, liên kết trong sản xuất, kinh doanh các mặt hàng nông sản, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, góp phần xây dựng ngành nông nghiệp tỉnh sớm trở thành ngành sản xuất hàng hóa, giá trị gia tăng cao.

Hiện nay, UBND tỉnh Thanh Hoá cũng đang chỉ đạo sát sao việc phối hợp giữa các sở, ngành, đơn vị có liên quan giới thiệu các nền tảng số, nền tảng thương mại điện tử liên quan, giúp người dân nắm bắt kiến thức, thúc đẩy sản xuất, chế biến, tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp trên môi trường số, góp phần quảng bá sản phẩm và từng bước chuyển đổi phương thức sản xuất nông nghiệp theo hướng thông minh, hiện đại, giá trị gia tăng cao hơn.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường Thanh Hóa cho biết: "Chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, nhất là dán tem truy xuất nguồn gốc nông sản, tổ chức tập huấn cho các doanh nghiệp, thông tin rõ về ý nghĩa của dán tem, hướng dẫn doanh nghiệp đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử để quảng bá thị thường, tiêu thụ sản phẩm đi xa, đi sâu vào các thị trường khó tính hơn".

 

Thanh Hóa hiện có hơn 1.000 sản phẩm của khoảng 600 doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản thực phẩm tham gia quảng bá giới thiệu và bán hàng trên các sàn thương mại điện tử Voso.vn, Posmart.vn, Lazada, Shopee, Tiki. Thông qua việc đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử đã góp phần đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá và giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã tăng doanh số bán hàng bình quân từ 15 - 20%/năm.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate