Để hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn, những tháng cuối năm/2024, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội dã tổ chức phiên giao dịch việc làm hàng ngày từ thứ hai đến thứ sáu. Bên cạnh đó, Trung tâm còn tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động, trực tuyến kết nối nhiều tỉnh, thanh phố phía Bắc để doanh nghiệp mở rộng nguồn tuyển lao động.
KHẮP NƠI “SĂN TÌM” LAO ĐỘNG
Những tháng cuối năm là thời điểm vào mùa sản xuất không chỉ riêng ngành dệt may, da giày mà của nhiều ngành hàng khác, do đó có tình trạng ồ ạt tuyển dụng lao động khiến công tác tuyển dụng trở nên khó khăn. Ông Wuzong Sheng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Green Precision Components Việt Nam tại Bắc Ninh, chia sẻ: “Doanh nghiệp dự kiến sẽ hoạt động sản xuất lớn, chúng tôi dự kiến cần thêm ít nhất từ 500 đến 1.000 nhân lực. Khó nhất là tuyển dụng lao động kỹ thuật bởi tại Bắc Ninh, sự cạnh tranh giữa các công ty về nguồn lao động là rất lớn”.
Tương tự tại Bắc Giang, ông Ngô Quyết Thắng, Chủ tịch Công đoàn ngành Công Thương tỉnh Bắc Giang, cho biết, tính đến thời điểm này, các doanh nghiệp may trên địa bàn vừa kết thúc đợt sản xuất đơn hàng may mùa đông (tháng 5, 6, 7, 8). Hiện các doanh nghiệp đang vào đợt cao điểm (tháng 10, 11, 12) chuẩn bị cho đơn hàng mùa hè sang năm. “Các doanh nghiệp may liên tục tuyển dụng lao động. Tuy nhiên, hiện nay, việc tuyển dụng gặp rất nhiều khó khăn do đa số người lao động có xu hướng thích đi làm ở khu công nghiệp”, ông Ngô Đức Thắng nhận định.
Theo ghi nhận, các doanh nghiệp ngành gỗ ở Bình Dương cũng đang bắt đầu tuyển dụng lao động trở lại cho các đơn hàng cuối năm. Tại TP. Tân Uyên, anh Hoàng Thanh Dũng, nhân viên Công ty TNHH Giải pháp Nhân lực 24H Rev Up, cho biết, đang tuyển lao động cho 10 doanh nghiệp ở Bình Dương với số lượng trên 1.000 lao động. “Nhiều doanh nghiệp nhận cả người lao động chưa biết việc, doanh nghiệp sẽ đào tạo lại. Chúng tôi đã lên cả các tỉnh Tây Nguyên để tìm nguồn lao động, nhưng cũng chỉ tuyển được rất ít vì đang vào mùa thu hoạch nông sản”, anh Dũng chia sẻ.
Tại TP.HCM, nhiều tháng qua Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam (quận Bình Tân) cần tuyển hơn 2.000 công nhân để đáp ứng kế hoạch sản xuất dịp cuối năm khi đơn hàng tăng. Tuy nhiên, dù sử dụng nhiều kênh nhưng doanh nghiệp chỉ tuyển được một nửa nhu cầu. Khó tìm được lao động ở TP.HCM, công ty đã mở rộng sang các địa phương có tuyến xe đưa đón. “Không chỉ tìm lao động cho đơn hàng mới, chúng tôi còn phải tuyển dự trù cho nhóm lao động sẽ nghỉ việc sau Tết Nguyên đán. Nhiều năm qua, cứ sau Tết sẽ có khoảng 1.000 - 2.000 lao động không quay trở lại”, đại diện công ty cho biết.
“Doanh nghiệp gặp khó trong việc giữ chân lao động làm việc lâu dài. Những lao động chất lượng cao thường muốn làm thời vụ, không thiết tha việc ký hợp đồng dài hạn với công ty”, bà Kiều Ngọc Hoa, Giám đốc nhân sự Công ty TNHH Điện tử Samsung HCMC CE Complex (TP. Thủ Đức) cho hay tại buổi làm việc với đại diện Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Công ty và người lao động cũng đang gặp khó khăn đối với giới hạn về thời gian làm thêm 300 giờ/năm. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kế hoạch nguồn nhân lực của doanh nghiệp, mà còn kìm hãm thu nhập của người lao động.
Tương tự, ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty May mặc Dony (quận Bình Tân), thừa nhận rằng người lao động có nhu cầu cao trong việc tăng ca để kiếm thêm thu nhập. “Thậm chí, nhiều lao động có tay nghề ngày nay đang ở vị thế chọn công ty mà mình thích, chứ không còn chuyện công ty lựa chọn họ như trước. Vì thế, những công ty có giờ tăng ca ít sẽ khó giữ chân được lao động hơn”...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 45-2024 phát hành ngày 04/11/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam