Tại khu vực Patpong trung tâm thủ đô Bangkok của Thái Lan, hầu hết các buổi tối đều diễn trong bầu không khí vắng lặng. Trước đại dịch Covid-19, đây là một trong những khu phố “đèn đỏ” nổi tiếng bậc nhất thế giới, thu hút đông đảo du khách nước ngoài tới hệ thống quán bar, câu lạc bộ đêm và tiệm massage dày đặc.
SỐC VÌ SỰ VẮNG LẶNG
Sau hai năm đóng băng vì dịch bệnh, hầu hết cơ sở kinh doanh tại khu phố này hiện đều dừng hoạt động với tấm biển “đóng cửa” treo bên ngoài. Trong khi đó, tại khu chợ đêm ở đây - nơi bán áo phông Red Bull, quần boxing Thái hay đồng hồ Rolex giả suốt nhiều thập kỷ qua - không thấy bóng dáng người bán hàng rong nào.
Ngành du lịch đóng góp khoảng 20% vào tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Thái Lan trước đại dịch với gần 40 triệu du khách nước ngoài, mang về hơn 60 tỷ USD trong năm 2019. Để “phá băng” và hồi sinh ngành du lịch đang đứng bên bờ vực sụp đổ, từ đầu tháng này, Chính phủ Thái Lan đã bắt đầu cho phép du khách đã tiêm vaccine được nhập cảnh mà không cần cách ly.
Giống như nhiều quốc gia đang bắt đầu xem Covid-19 như một bệnh đặc hữu (endemic), Thái Lan đang háo hức phục hồi hoạt động du lịch. Tuy nhiên, du khách tới nước này với kỳ vọng được hòa mình vào các nhà hàng, quán bar và khu chợ sôi động có thể sẽ bị “sốc”, bởi vì đa phần doanh nghiệp nhỏ – vốn đóng vai trò lớn trong hệ sinh thái du lịch của Thái Lan – đã đóng cửa trong các đợt phong tỏa và chưa mở lại.
Còn các doanh nghiệp lớn hơn đang tung ra các chương trình đặc biệt, giảm giá sâu để thu hút số ít du khách vẫn đang đi du lịch và điều này càng dồn những doanh nghiệp nhỏ còn sót lại vào bước đường cùng.
“Các quy định đi lại nghiêm ngặt của Thái Lan, như yêu cầu xét nghiệm Covid-19 nhiều lần và cung cấp bằng chứng về bảo hiểm y tế có mức chi trả tối thiểu 50.000 USD, cũng sẽ giới hạn loại du khách sẽ tới nước này”, Bill Heinecke, chủ tịch Minor International Pcl – một trong những công ty khách sạn, nhà hàng và phong cách sống lớn nhất Đông Nam Á, nhận xét. “Nhìn chung bây giờ khi đi du lịch, các hạng thương gia và hạng nhất đều kín chỗ, trong khi hạng phổ thông thì vắng vẻ. Do đó, loại du khách mà chúng ta thấy hiện tại chủ yếu là khách cao cấp -những người có xu hướng ở lại lâu hơn sau khi họ phải trải qua tất cả rắc rối thời gian qua”.
Theo các nhà nhà phân tích, sớm nhất phải tới năm 2024, ngành du lịch mới có thể trở lại mức trước đại dịch. Năm nay, Chính phủ Thái Lan dự báo chỉ đón được chưa tới 10 triệu khách quốc tế. Đây được xem là một dự báo lạc quan với kịch bản là Omicron và các biến thể khác không ảnh hưởng tới sự phục hồi trong nửa sau năm 2022.
LOẠT THÁCH THỨC
Trước đó, Chính phủ Thái Lan cũng đưa ra nhiều biện pháp nhằm phục hồi ngành du lịch, bao gồm chương trình trợ cấp trả tiền phòng nghỉ, vé máy bay và bữa ăn cho du khách nội địa nước, “hộp cát” du lịch – thí điểm cho phép du khách nước ngoài nhập cảnh miễn cách ly, miễn là họ lưu lại ít nhất một tuần ở Phuket hoặc 3 điểm đến du lịch biển được phê duyệt khác.
Tuy nhiên, các hiệp hội khách sạn và hàng không cho rằng những biện pháp này không đủ để bù đắp chi phí vận hành của các cơ sở du lịch, đặc biệt là các khách sạn nhỏ. Thiếu nhân lực cũng là một thách thức lớn đối với các khách sạn nhỏ, theo Marisa Sukosol Nunbhakdi, Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Thái Lan (THA).
“Để mở cửa trở lại, các khách sạn cần có nhân lực, tuy nhiên nhu cầu không đủ lớn và họ cũng không có đủ kinh phí để đáp ứng. Nhiều người lao động trong ngành này đã trở về nhà hoặc đổi nghề trong đại dịch và họ không sẵn sàng quay lại bởi sẽ phải đối mặt với rất nhiều chi phí”, bà Nunbhakdi nói.
Mức lương bình quân trong lĩnh vực du lịch tại Thái Lan đã giảm 9,5% trong quý 3/2021 – giai đoạn gần nhất có dữ liệu này, do người lao động chuyển sang các công việc có mức lương thấp hơn. Trong khi đó, số giờ làm việc bình quân cũng giảm 10%, theo thông tin hồi tháng 11 của Tổ chức lao động Quốc tế.
Tỷ lệ lấp đầy bình quân của các khách sạn Thái Lan trong tháng 1 năm nay đã giảm xuống còn 32%, từ mức 37% của tháng 12, do biến thể Omicron khiến Chính phủ phải siết chặt các quy định nhập cảnh. Do lượng khách vẫn ở mức thấp, hầu hết khách sạn ở Thái Lan đã chọn cách tuyển nhân viên thời vụ thay vì thuê toàn thời gian, đề phòng trường hợp phải cắt giảm nhân sự một lần nữa, theo báo cáo Chỉ số cảm xúc của người điều hành kinh doanh khách sạn của THA và Ngân hàng Trung ương Thái Lan.
Điều này gây cản trở không nhỏ tới nỗ lực phục hồi ngành du lịch của quốc gia Đông Nam Á.
“Ngành du lịch – mà nền kinh tế Thái Lan phụ thuộc rất lớn – sẽ cần nhiều thời gian để phục hồi”, Trợ lý thống đốc Ngân hàng Trung ương Thái Lan Piti Disyatat nhận xét hôm 9/2. “Nếu ngành này thiếu lao động, họ sẽ không đón được nhiều du khách và nền kinh tế sẽ không thể tăng trưởng đúng như kỳ vọng”.
Hơn nữa, hiện tại không nhiều du khách quốc tế sẵn sàng chấp nhận rủi ro tới Thái Lan du lịch nếu như họ phải cách ly khi trở về quê nhà – một thực tế đang diễn ra ở nhiều nước.
Đó là lý do Chính phủ Thái Lan hôm 7/2 cho biết sẽ sớm bắt đầu thảo luận với phía Trung Quốc – nguồn khách quốc tế lớn nhất của Thái Lan – và Malaysia để xây dựng các bong bóng du lịch song phương, giúp giảm nguy cơ phải cách ly ở cả hai phía.
“Chúng tôi cho rằng bong bóng du lịch sẽ mang lại hiệu quả lạc quan cho ngành du lịch Thái Lan hơn so với cơ chế miễn cách ly ‘Test & Go’ trước đây bởi chỉ mình cơ chế này vẫn chưa đủ để hấp dẫn du khách khi mà họ vẫn phải cách ly khi trở về quê nhà”, nhà kinh tế Tim Leelahaphan tại Standard Chartered Plc, nhận xét.
Tuy nhiên, thách thức với xứ sở Chùa Vàng chưa dừng lại ở đó. Thái Lan hiện phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt để thu hút cách quốc tế với các quốc gia châu Á khác.
Philippines đầu tháng này đã bắt đầu cho phép du khách đã tiêm vaccine nhập cảnh không cần cách ly nếu họ có kết quả xét nghiệm âm tính và bảo hiểm y tế. Trong khi đó, Indonesia cũng đã mở cửa lại đảo du lịch Bali cho tất cả du khách quốc tế, trong đó người đã tiêm vaccine phải cách ly 5 ngày, còn người chưa tiêm cách ly 7 ngày. Sri Lanka hôm 12/2 đã khôi phục cấp thị thực du lịch khi tới nơi đối với hầu hết du khách sau khi dừng việc này từ khi đại dịch bùng phát.