Sau những thông tin về thuế quan, sóng nâng hạng là động lực chính dẫn dắt thị trường liên tiếp vượt qua các mốc kháng cự quan trọng để tiến thẳng về đỉnh cũ của năm 2022. Cổ phiếu nhóm chứng khoán đã tăng trưởng trung bình 20-25% trong sóng tăng giá này nhờ triển vọng nâng hạng.
Tuy nhiên, còn một nhóm ngành khác được đánh giá hưởng lợi nếu thị trường chứng khoán Việt Nam được FTSE Russell đưa lên thị trường mới nổi, là nhóm ngân hàng.
Theo đánh giá của Chứng khoán Rồng Việt, ở thời điểm hiện tại dù cũng đã tăng trưởng khá song cổ phiếu nhóm ngân hàng chưa phản ánh triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế và ngành ngân hàng, tiềm năng cải thiện chất lượng tài sản và câu chuyện nâng hạng thị trường.
Ngành Ngân hàng vẫn đang được định giá P/B ở mức khá thấp (1,5x) và chưa có nhiều thay đổi trong khoảng 3 năm trở lại đây. Trong chu kỳ tăng trưởng sau suy thoái của nền kinh tế lần trước (2016-2019), lợi nhuận ngành Ngân hàng đã tăng trưởng kép với tốc độ 36%, và tỷ lệ nợ xấu nội bảng (gồm TP VAMC) giảm dần từ 4,8% về 2,6%. Lúc này định giá ngành Ngân hàng dao động từ 1,6x-1,9x.
Với triển vọng tăng trưởng tích cực hơn của nền kinh tế trong trung hạn, kỳ vọng các yếu tố căn bản như tăng trưởng lợi nhuận, ROE, và chất lượng tài sản sẽ có những cải thiện mang tính cấu trúc, giúp định giá của ngành trở về mức bình quân 1,7-1,8x.
Đặc biệt, triển vọng nâng hạng thị trường chứng khoán sẽ là chất xúc tác đáng chú ý cho những cổ phiếu Ngân hàng có tỷ trọng cao trong 2 rổ chỉ số của FTSE và còn room cho tỷ lệ sở hữu nước ngoài ví dụ như VCB, VPB.
Theo VDSC, với xác suất cao Việt Nam sẽ được FTSE ghi nhận đủ điều kiện nâng hạng lên nhóm "thị trường mới nổi thứ cấp" trong kỳ đánh giá tháng 9/2025, thị trường dự kiến sẽ đón dòng vốn đón đầu từ các quỹ chỉ số theo dõi FTSE Emerging Market Index – ước tính quy mô lên tới khoảng 1 tỷ USD. Kinh nghiệm từ các thị trường từng được nâng hạng như Qatar hay Romani cho thấy, sự kiện này thường tạo hiệu ứng tích cực kéo dài nhiều tháng, không chỉ về dòng tiền mà còn về niềm tin thị trường.
Việc được nâng hạng không chỉ giúp tăng cường độ tín nhiệm của thị trường chứng khoán Việt Nam mà còn mở rộng khả năng tiếp cận vốn quốc tế, đồng thời thu hút thêm các nhà đầu tư dài hạn từ cả trong và ngoài nước. Các công ty chứng khoán vì thế sẽ hưởng lợi kép: vừa tăng nguồn thu từ phí giao dịch, dịch vụ và lãi vay ký quỹ, vừa có cơ hội tăng lợi nhuận từ hoạt động tự doanh nhờ đón sóng dòng vốn ngoại.
Bên cạnh đó, dòng vốn từ các quỹ đầu tư thường ưu tiên giải ngân trước vào các cổ phiếu có sẵn trong rổ FTSE Vietnam Index – là nhóm được đưa vào FTSE Emerging Market Index sau nâng hạng. Sau đó, dòng tiền sẽ lan tỏa sang các cổ phiếu có định giá hấp dẫn hoặc tiềm năng tăng trưởng nổi bật – theo hiệu ứng “nước chảy về chỗ trũng”.
Chứng khoán Mirae Asset cho rằng quy mô vốn hóa của VN-Index đạt hơn 238 tỷ USD (11/07/2025), khá tương đồng vài quốc gia được phân bổ tỷ trọng thấp trong danh mục FTSE Emerging markets Index. Tiêu biểu như quy mô vốn hóa thị trường Chile đạt 187 tỷ USD (T2/2025), Qatar 168 tỷ USD (T2/2025).
Do đó, ước tính tỷ trọng của Việt Nam trong rổ sẽ ở mức khoảng 0,7% khi được thêm vào chính thức. Với tỷ trọng phân bổ 0,7%, Việt Nam có thể được giải ngân ở khoảng 581 triệu USD. Mirae Asset cho rằng, dòng tiền ngoại chảy vào Việt Nam không những đến từ những quỹ sử dụng chỉ số FTSE Emerging markets Index làm tham chiếu, mà còn thu hút những dòng vốn ngoại khác khi thị trường nâng hạng.
Tổng hợp một số quỹ ETF sử dụng FTSE Emerging markets Index làm tham chiếu, với tỷ trọng phân bổ 0,7%. Việt Nam có thể nhận đầu tư như bảng giả định bên dưới ước tính khoảng 622 triệu USD (gần 15.878 tỷ đồng). Thực tế có thể hơn do thu hút những dòng vốn ngoại khác.
Cổ phiếu trong danh mục (cập nhật 20/05/2025) của FTSE kỳ vọng hưởng lợi. Nếu nâng hạng thành công, cổ phiếu cần đạt yêu cầu mới của FTSE Secondary Emerging để lọt vào danh sách lựa chọn như vốn hóa, thanh khoản, tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài, trong đó, có các cổ phiếu ngân hàng như STB, VCB, SHB.