Chia sẻ với báo chí trước thềm sự kiện, ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc NIC, cho biết NIC được thành lập với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo phát triển thông qua thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, phát triển nguồn nhân lực, kết nối đầu tư và công nghệ…
“Mục tiêu của NIC là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo”, ông Huy nhấn mạnh.
HỘI TỤ ĐẦY ĐỦ HỆ SINH THÁI ĐỔI MỚI SÁNG TẠO
Từ khi khởi công xây dựng đến nay, NIC luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, trong những ngày gần đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng luôn hỏi thăm tình hình, tiến độ thi công các hạng mục còn lại của công trình cũng như công tác chuẩn bị cho Triễn làm Quốc tế đổi mới sáng tạo Việt Nam (VIIE 2023).
NIC Hòa Lạc khi đi vào hoạt động sẽ trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo lớn nhất, hiện đại nhất cả nước. Đây là nơi quy tụ các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ lớn trong và ngoài nước, nơi cung cấp các cơ sở nghiên cứu, không gian làm việc, thử nghiệm sản phẩm và điều kiện hạ tầng tốt nhất phục vụ cho nghiên cứu phát triển các ý tưởng công nghệ theo chuẩn mực quốc tế.
Đồng thời, đưa các ý tưởng đổi mới sáng tạo vào một hệ sinh thái đầy đủ và hỗ trợ thông qua các cơ chế thuận lợi, đặc thù, từ đó hoàn chỉnh vòng kết nối, thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư, nghiên cứu phát triển và thương mại hoá sản phẩm.
Khi NIC Hòa Lạc đi vào hoạt động, sẽ tập trung vào 8 lĩnh vực trọng tâm, gồm: Nhà máy thông minh, đô thị thông minh, nội dung số, an ninh mạng, công nghệ môi trường, công nghệ y tế, công nghiệp bán dẫn và công nghệ hydrogen.
Vì vậy, cùng với việc thúc đẩy tiến độ thi công cơ sở mới của NIC tại Hòa Lạc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như NIC đã tăng cường kết nối với các đối tác lớn trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước gồm các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ lớn, các quỹ đầu tư, các tổ chức hỗ trợ và các cơ quan quản lý…
“Theo đó, thời gian qua, NIC đã hợp tác với nhiều tập đoàn công nghệ lớn như Google, Meta, Amazon… để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao… NIC cũng kết nối với các chuyên gia khoa học công nghệ Việt Nam hàng đầu trên thế giới thông qua Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam dựa trên các nhu cầu thực tiễn trong nước nhằm thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn chất xám phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước thực hiện Chiến lược 4.0”, ông Huy cho biết.
Mới đây nhất, Tập đoàn Synopsys - doanh nghiệp hàng đầu thế giới về bán dẫn của Hoa Kỳ đã ký kết hợp tác với NIC về phát triển nguồn nhân lực tài năng thiết kế vi mạch (IC) tại Việt Nam, trong đó Synopsys sẽ hỗ trợ NIC thành lập một trung tâm ươm tạo thiết kế chip. Cùng với đó, Samsung cũng dự kiến xây dựng phòng Lab chuyên dụng cho chương trình Samsung Innovation Campus ngay tại NIC Hòa Lạc.
Ngoài ra, NIC cũng hợp tác với Tập đoàn Cadence Design Systems về việc triển khai các hoạt động nhằm thúc đẩy năng lực thiết kế và phát triển sản phẩm chip bán dẫn và hợp tác với Đại học bang Arizona phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.
“Đặc biệt, cùng với việc khánh thành cơ sở mới của NIC tại Hòa Lạc, Triển lãm Quốc tế đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 (VIIE 2023) diễn ra từ ngày 28/10 - 1/11/2023 với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới, các chủ tịch, phó chủ tịch và các CEO… tại các phiên thảo luận sẽ góp phần kết nối và lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo Việt Nam”, Giám đốc NIC cho biết.
SỬA NGHỊ ĐỊNH, HÚT DOANH NGHIỆP VÀO NIC
Với tổng diện tích sàn làm việc gần 20.000 m2 gồm 2 khối nhà làm việc và một khối nhà trung tâm hội nghị quốc tế.
Toàn bộ không gian của NIC Hòa Lạc là không gian mở với thiết kế xanh, có hệ thống điện mặt trời áp mái nhằm giải quyết một phần nhu cầu năng lượng cho tòa nhà.
Hội trường lớn của NIC Hòa Lạc có diện tích 5.000 m2, quy mô khoảng 1.500 ghế ngồi, được thiết kế đa năng, theo đó có thể ngăn ra thành các phòng hội thảo chuyên đề cũng như tổ chức thành các gian hàng triển lãm.
Hiện NIC Hòa Lạc hội tụ các thành tố trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo từ viện nghiên cứu - trường đại học; các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới như SpaceX, Google, Meta, SK, Samsung... cùng với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp trong nước như Viettel, VNPT... , khu ươm tạo doanh nghiệp và nhiều quỹ đầu tư về đổi mới sáng tạo...
Song để tiếp tục thu hút doanh nghiệp và mở rộng hệ sinh thái tại NIC, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng cần có giải pháp thu hút các doanh nghiệp hấp dẫn, cạnh tranh với các trung tâm khác trong khu vực và trên thế giới.
Mới đây, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Nghị định sửa đổi Nghị định số 94/2020/NĐ-CP quy định cơ chế chính sách ưu đãi đối với NIC nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển mới.
Theo hướng đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang sửa đổi một số quy định để tạo ra ưu đãi cao nhất thuộc thẩm quyền của Chính phủ, trong đó có các ưu đãi về thuế, thủ tục hành chính, hỗ trợ về cấp bằng sáng chế, thị thực cho chuyên gia nước ngoài, chi phí ban đầu để doanh nghiệp đến đặt văn phòng, trung tâm nghiên cứu tại đây…