Ứng cử viên Tổng thống Mỹ của Đảng Cộng hoà Donald Trump đã lên tiếng về việc cử tri Anh lựa chọn ra khỏi Liên minh Châu Âu (EU), nói rằng người dân nước này đã giành lại quyền kiểm soát đất nước bằng cách bỏ phiếu cho phương án Brexit - thuật ngữ ghép từ hai từ Britain (nước Anh) và exit (rời khỏi), được dùng để chỉ việc Anh rời EU.
Theo tin từ Reuters, hiện đang có mặt ở Scotland để mở cửa trở lại một khu nghỉ dưỡng sân golf, vị tỷ phú bất động sản New York đã trả lời câu hỏi của báo giới về kết quả cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6 của Anh: “Họ đã giành lại được quyền kiểm soát đất nước của họ. Đó là một điều tuyệt vời!”
“Người dân trên khắp thế giới đang giận dữ. Họ giận dữ về đường biên giới, về việc người đến từ nước khác chiếm mọi thứ của họ, về nhiều vấn đề khác nữa”, Trump, người chuẩn bị đón sinh nhật thứ 70 trong tháng 6 này, phát biểu.
Cách đây mấy tuần, Trump từng tuyên bố ông ủng hộ việc Anh rời EU.
Ngay khi đặt chân tới Scotland, Trump viết trên mạng xã hội Twitter: “Vừa đến Scotland. Nơi này đang phát điên lên vì cuộc bỏ phiếu. Họ đã giành lại quyền kiểm soát đất nước, cũng giống như chúng ta sẽ giành lại nước Mỹ. Không phải là chuyện chơi đâu!”
Theo kết quả bỏ phiếu, 62% cử tri Scotland chọn ở lại EU và 38% chọn Brexit, trái ngược với kết quả của toàn nước Anh với 52% chọn ra đi và 48% chọn ở lại.
Với kết quả như vậy, giới quan sát dự đoán Scotland có thể tổ chức lại một cuộc trưng cầu dân ý về việc tiếp tục ở lại hoặc độc lập khỏi Anh, sau cuộc trưng cầu dân ý chọn ở lại vào năm 2014.
Các nhà lãnh đạo Đảng Cộng hoà của Mỹ đã cảnh báo rằng Trump, người hiện đang bị 70% người Mỹ “không ưa” theo như kết quả của các cuộc thăm dò dư luận gần đây, có thể mắc phải những sai lầm trong chính sách đối ngoại.
Các thủ lĩnh Cộng hoà cũng đã kêu gọi Trump cần có phong thái nghiêm túc hơn trong quá trình tranh cử Tổng thống.
Ứng cử viên Tổng thống gần đây nhất của Đảng Cộng hoà là ông Mitt Romney vào năm 2012 đã có một chuyến công du mắc nhiều sai lầm tới London, Jerusalem và Ba Lan.
Cách đây ít lâu, hơn nửa triệu người Anh đã ký vào một bản đề nghị cấm Trump nhập cảnh vào Anh, nơi Trump có nhiều lợi ích kinh doanh, nhằm đáp trả lời kêu gọi của Trump về cấm người Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ. Tuy nhiên, Quốc hội Anh đã bác bỏ đề nghị này vì cho rằng làm như vậy là vi phạm quyền tự do ngôn luận.
Trump cũng đã “lời qua tiếng lại” với Thủ tướng Anh David Cameron, người ủng hộ Anh ở lại EU và đã tuyên bố sẽ từ chức sau khi kết quả cuộc trưng cầu dân ý được công bố. Ông Cameron cho rằng những ý tưởng của Trump về chống người nhập cư là gây chia rẽ và sai lầm.
Chuyến đi Scotland lần này của Trump đã khiến nhiều nhà lãnh đạo Cộng hoà không hài lòng. Họ cho rằng Trump nên tập trung vào việc tranh cử và đấu với đối thủ Hillary Clinton của Đảng Dân chủ.
Tuy nhiên, cũng có những ý kiến nói Trump sang Scotland vào thời điểm này là khôn ngoan.
“Tôi không nghĩ việc mở một khu nghỉ dưỡng sân golf sẽ đem lại cho ông ta nhiều lợi ích về chính sách đối ngoại”, ông Saul Anuzis, cựu Chủ tịch Đảng Cộng hoà tại Michigan nói trước khi Trump lên đường sang Scotland. “Nhưng việc ông ta đến đó đúng lúc cuộc trưng cầu dân ý của Anh có thể đem lại nhiều lợi ích về PR”.