Theo Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thủy lợi 10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Hồng Linh, hiện tại các nhà thầu đang hoàn tất những hạng mục phụ trợ cuối cùng, gồm: trồng cây xanh, lắp đặt hệ thống chiếu sáng, vệ sinh...
Dự án Công trình thủy lợi sông Cái Lớn và sông Cái Bé được khởi công tháng xây dựng vào tháng 11/2019 tại vị trí hai huyện Châu Thành và An Biên, tỉnh Kiên Giang, gồm hai cống: cống Cái Lớn trên sông Cái Lớn và cống Cái Bé trên sông Cái Bé.
Theo thiết kế, cống Cái Lớn có âu thuyền rộng 15m, cống Cái Bé âu thuyền rộng 15m. Cấu trúc cửa van, âu thuyền bằng thép, vận hành bằng xi lanh thủy lực. Trên cống có cầu và đê nối hai cống với quốc lộ 61 dài hơn 5,7 km. Mặt đê rộng 9m, phần dành cho xe chạy rộng 7m.
Cống Cái Bé rộng 85m, gồm hai khoang, đã vận hành thử nghiệm hồi tháng 02/2021. Công trình đã điều tiết hạn mặn, kiểm soát trên 20.000 ha đất nông nghiệp, giúp tỉnh Kiên Giang tiết kiệm được chi phí đắp hơn 130 đập tạm. Cống Cái Lớn rộng 455m, với 11 cửa van cao 6 - 9m, rộng 4 m. Trong đó, tám cửa van nặng 203 tấn, hai cửa van nặng 188 tấn và một cửa van nặng 155 tấn. Cửa van thép cuối cùng nặng 203 tấn tại vị trí khoang số 5, nằm giữa sông Cái Lớn được lắp đặt vào tháng 6/2021. Cống này đang bắt đầu vận hành thử nghiệm.
Ông Lê Hồng Linh cho biết thêm, thông thường các công trình thủy lợi có quy mô như dự án này mất 40 - 48 tháng thi công. Song do tính chất cấp bách ứng phó hạn mặn nên tiến độ công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé được rút ngắn còn 20 - 24 tháng. Nếu không bị ảnh hưởng bởi đợt bùng phát dịch Covid-19 vừa qua thì dự án cũng đã hoàn thành cách nay hai tháng.
Dự án khi hoàn thành và đưa vào khai thác sẽ kiểm soát, điều tiết nguồn nước (mặn, lợ, ngọt) cho 384.000 ha đất tự nhiên ở các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau và Bạc Liêu. Công trình góp phần phòng chống thiên tai, cháy rừng, tăng khả năng thoát lũ, tiêu úng, cải tạo đất phèn; kết hợp phát triển giao thông bộ,...
Vùng đồng bằng sông Cửu Long thường đối mặt với tình trạng hạn hán, xâm ngập mặn lớn gây ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất và đời sống của gần 20 triệu người dân trong vùng.
Mùa hạn, mặn năm 2020 đã kéo dài hơn 6 tháng khiến các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Kiên Giang, Cà Mau và Sóc Trăng phải công bố tình huống khẩn cấp. Thiệt hại của đợt hạn mặn này gồm 43.000 ha lúa bị ảnh hưởng (cây lúa chết, giảm năng suất), 80.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Chính phủ đã chi 530 tỷ đồng cho các tỉnh ứng phó tình trạng thiên tai. Đợt hạn, mặn năm 2016 trước đó 4 năm, là đợt hạn hán, xâm nhập mặn lịch sử tại vùng đồng bằng sông Cửu Long khiến 600.000 người dân thiếu nước sinh hoạt và 160.000 ha đất bị nhiễm mặn, gây thiệt hại hơn 5.500 tỷ đồng, cùng những tác động nặng nề về kinh tế xã hội.