Chiều ngày 23/02, tại thành phố Cao Lãnh tỉnh Đồng Tháp, Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2023, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2024.
Theo Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, năm 2023, tổng số du khách đến Đồng bằng sông Cửu Long gần 45 triệu lượt, tăng 20,4% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó khách quốc tế hơn 1,8 triệu lượt; doanh thu ước đạt 45.743 tỷ đồng.
Hiện nay, vùng đồng bằng sông Cửu Long không chỉ nổi tiếng là vựa lúa, vựa cá, vựa trái cây của cả nước mà còn là một trong 7 vùng trọng điểm về du lịch. Nhờ cảnh quan sinh thái đặc trưng đồng bằng, biển đảo, sông nước hữu tình, cây trái bốn mùa trĩu quả, môi trường sống trong lành, con người hiền hòa, thân thiện và lễ hội dân gian truyền thống mang bản sắc văn hóa độc đáo quanh năm… đã tạo nên những sản phẩm du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long độc đáo, đặc trưng, níu chân du khách lâu dài.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia du lịch, mặc dù vùng đồng bằng sông Cửu Long có nhiều tiềm năng, lợi thế, song việc đầu tư, khai thác tài nguyên du lịch của vùng chưa tương xứng. Hiện nay, việc đầu tư phát triển du lịch ở một số địa phương còn tình trạng "mạnh ai nấy làm," chưa được kết nối một cách tổng thể dưới góc độ của vùng, từ đó tốc độ phát triển du lịch ở đồng bằng sông Cửu Long còn rất khiêm tốn so với các vùng du lịch khác trong cả nước.
Ông Huỳnh Minh Tuấn – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp cho biết, Đồng Tháp là địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển các loại hình du lịch như: Du lịch sinh thái, du lịch lịch sử, văn hóa, du lịch về nguồn v.v.. Bên cạnh đó, Đồng Tháp còn được biết đến là vùng đất của hoa sen, cảnh quan thiên nhiên đẹp, còn giữ được nét hoang sơ.
Năm 2023 vừa qua, Đồng Tháp đón tiếp và phục vụ được 4 triệu lượt khách, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng thu du lịch đạt 1.900 tỷ đồng, tăng 14,15% so với cùng kỳ năm 2022. Tỉnh có 02 điểm được Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long công nhận và công nhận lại là Điểm du lịch tiêu biểu: Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng và Khu di tích quốc gia đặc biệt Gò Tháp.
Theo đại diện một số doanh nghiệp du lịch, trong 10 năm qua du lịch đồng bằng sông Cửu Long phát triển rất mạnh. Để khai thác hiệu quả hơn nữa tiềm năng, thế mạnh của du lịch đồng bằng sông Cửu Long thời gian tới, các địa phương, ban ngành cần tăng cường liên kết, đồng thời tạo ra các sản phẩm mang tính đặc thù trên nền sản phẩm sẵn có.
Đặc biệt cần tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng giao thông để đáp ứng nhu cầu di chuyển của du khách. Cùng với việc nghiên cứu xây dựng các sản phẩm du lịch mới, ngành du lịch cần chú trọng truyền thông quảng bá, để du khách biết và tìm đến.