Đây là hoạt động quan trọng của ngành giáo dục hai nước chào mừng kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 45 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Lào - Việt Nam.
Tham dự Diễn đàn có Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Thể thao Lào Phout Simmalavong; Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam Nguyễn Văn Phúc; Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng; Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Thể thao Lào Sisouk Vongvichith; cùng gần 300 đại biểu là các nhà quản lý giáo dục, nhà nghiên cứu và chuyên gia đến từ 50 cơ sở giáo dục của Việt Nam và Lào, hơn 20 cơ quan quản lý giáo dục và doanh nghiệp Lào.
Trao đổi về thực trạng công tác đào tạo lưu học sinh Lào giai đoạn 2011-2021 và giải pháp nâng cao chất lượng cho giai đoạn 2022-2030, ông Nguyễn Hải Thanh, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam cho biết, giai đoạn 2011-2021, Việt Nam đã tiếp nhận gần 30.000 lưu học sinh Lào các diện Hiệp định và ngoài Hiệp định với cơ cấu ngành nghề và cấp bậc đào tạo khác nhau, trong đó diện Hiệp định gần 5.000 người, diện các tỉnh kết nghĩa của Việt Nam tài trợ trên 10.000 người và 15.000 người theo diện tự túc và diện khác.
Bên cạnh các khóa đào tạo dài hạn, trong giai đoạn 2011-2020 ngành giáo dục Việt Nam đã triển khai đào tạo, bồi dưỡng cho 1196 cán bộ, giáo viên, sinh viên Lào thông qua 44 đợt/khóa tập huấn đa phần tại Việt Nam với thời gian từ 2 đến 9 tháng.
“Quá trình học tập tại Việt Nam, lưu học sinh Lào luôn được các cơ sở giáo dục quan tâm, tạo mọi điều kiện về vật chất và tinh thần nhằm đảm bảo thuận tiện nơi ăn, ở, học tập và sinh hoạt cho lưu học sinh”, chia sẻ thông tin này, ông Nguyễn Hải Thanh cũng đề cập tới một số hạn chế trong công tác đào tạo lưu học sịnh Lào thời gian qua như công tác tuyển chọn đầu vào chưa kỹ; trình độ tiếng Việt hạn chế ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo; ý thức học tập của một bộ phận lưu học sinh Lào chưa cao; sự quan tâm của một số cơ sở giáo dục Việt Nam đối với công tác đào tạo lưu học sinh Lào còn khiêm tốn…
Đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo lưu học sinh Lào trong giai đoạn 2022-2030, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế nhấn mạnh việc tăng cường quản lý chặt chẽ công tác tiếp nhận, đào tạo lưu học sinh Lào ở cả 3 nội dung: Tiếp nhận vào học, đào tạo tiếng Việt, đào tạo chuyên ngành. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở giáo dục có tiếp nhận nhiều lưu học sinh Lào nhằm phát hiện và xử lý những vi phạm trong công tác tiếp nhận, đào tạo và quản lý lưu học sinh Lào đang học tập tại Việt Nam.
PGS. TS. Lê Thành Bắc - Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng chia sẻ: Đại học Đà Nẵng đã và đang triển khai đồng bộ một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo cho lưu học sinh, gồm: tăng cường đào tạo tiếng Việt cho lưu học sinh; bố trí lưu học sinh làm việc nhóm chung với sinh viên bản địa ở các học phần có tổ chức học nhóm; cử giáo viên chủ nhiệm thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, giúp đỡ sinh viên lựa chọn môn học, giải đáp thắc mắc giúp các em có lộ trình học tập phù hợp; tổ chức các lớp học riêng cho lưu học sinh; tổ chức đổi thoại định kỳ giữa đơn vị đào tạo và lưu học sinh để kịp thời trao đổi, giải đáp thắc mắc nhằm nâng cao chất lượng phục vụ và đào tạo.
“Tăng cường hợp tác giáo dục Việt - Lào thông qua việc hợp tác xây dựng các khoá học trực tuyến đại chúng mở” (MOOC), là đề xuất của Trường Đại học Mở Hà Nội.
Theo đại diện trường này, các khoá học MOOC được triển khai công khai, chính thống thông qua các cổng thông tin của ngành giáo dục hai nước có thể tiếp cận được số lượng du học sinh ở diện rộng hơn và sớm hơn. Du học sinh trước khi đi du học cũng có thể nắm được một số hiểu biết nhất định về phong tục, ngôn ngữ, văn hóa, điều kiện kinh tế - xã hội của nước bạn. Khi quá trình chuẩn bị hành trang của mỗi du học sinh tốt hơn sẽ giúp cho việc hội nhập và học tập trong môi trường mới dễ dàng hơn.
Chính sách học bổng dành cho lưu học sinh Lào cũng là nội dung được nhiều trường đại học Việt Nam trao đổi tại Diễn đàn. Đại diện Trường Đại học Công nghiệp Thành phố HHCM cho biết, với sứ mạng thúc đẩy quan hệ hợp tác đào tạo giữa Việt Nam - Lào và tình hữu nghị giữa hai nước, IUH đã triển khai nhiều hoạt động, chính sách hỗ trợ với hơn 100 suất học bổng dành cho lưu học sinh Lào hàng năm. Còn Trường Đại học Phenikaa thì chia sẻ về các cơ hội của lưu học sinh Lào khi học tập tại trường như được cấp học bổng toàn phần; cơ hội thực tập, tham gia hỗ trợ các dự án nghiên cứu, nâng cao năng lực; cơ hội trao đổi tại các trường quốc tế trong mạng lưới đối tác mà Phenikaa là thành viên…
Tại Diễn đàn đã có 24 biên bản ghi nhớ và thỏa thuận hợp tác được ký kết giữa các cơ quan quản lý giáo dục, các trường đại học, cao đẳng, trường dự bị đại học… hai nước Việt Nam - Lào.