Sau gần 2 năm bị đình bay, dòng phi cơ 737 Max của nhà sản xuất máy bay Mỹ Boeing vừa được Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) "bật đèn xanh" để trở lại bầu trời.
Là dòng phi cơ bán chạy nhất của Boeing, 737 Max bị đình bay từ tháng 3/2019 sau hai vụ tai nạn thảm khốc làm 346 người thiệt mạng. Nguyên nhân hai vụ tai nạn được xác định là do tính năng an toàn của 737 Max bị lỗi khiến máy bay bị trúi mũi sau khi cất cánh và rơi xuống.
Theo Boeing, quy trình xin cấp phép trở lại cho 737 Max kéo dài hơn dự kiến ban đầu và tiêu tốn của công ty hơn 20 tỷ USD. Các đơn hàng bị mất có thể khiến vụ đình bay 737 Max là một trong những cuộc khủng hoảng đắt đỏ nhất lịch sử của nhà sản xuất máy bay Mỹ.
Dù FAA mới chỉ dự kiến cấp phép cho 737 Max bay trở lại trong tuần này, giá cổ phiếu Boeing đã tăng 6% trước giờ mở cửa phiên giao dịch 18/11.
Theo các chuyên gia, động thái của FAA là bước đầu tiên cho phép 59 hãng hàng không trên toàn cầu đang sở hữu 378 chiếc Boeing 737 Max được khai thác trở lại. Tuy nhiên, trong thông cáo, FAA cho biết trước khi được khai thác trở lại, tất cả máy bay 737 Max phải được cập nhật tính năng đã được xem xét trong quá trình phê duyệt và FAA sẽ tiến hành kiểm tra từng chiếc. Bên cạnh đó, các phi công cũng phải hoàn thành chương trình huấn luyện bổ sung trước khi điều khiển dòng máy bay này.
Quy trình này dự kiến kéo dài vài tuần hoặc vài tháng, tùy thuộc vào từng hãng hàng không. Đến nay, hãng hàng không American Airlines đã thêm 737 Max vào lịch trình các đường bay giữa Miami và New York vào cuối tháng 12/2020 và đầu tháng 1/2021. Trong khi đó, các hãng hàng không khác chưa có động thái gì. Hãng Southwest, hiện sở hữu số lượng máy bay Boeing 737 Max nhiều nhất thế giới với 34 chiếc - dự kiến chưa khai thác trở lại dòng phi cơ này cho tới mùa xuân năm 2021.
Trong khi đó, gia đình của một số nạn nhân thiệt mạng trong 2 vụ tai nạn trên phản đối việc cấp phép cho 737 Max bay trở lại. Họ cho rằng Boeing đã mắc lỗi nguy hiểm trong thiết kế của 737 Max và FAA mắc sai lầm khi tái cấp phép cho dòng phi cơ này.
"Máy bay này vốn không ổn định và vô giá trị nếu không có hệ thống phần mềm", Michael Stumo, cha của một hành khách thiệt mạng trên chuyến bay của hãng hàng không Ethiopian Airlines vào tháng 3/2019, nhận xét. "Họ vẫn chưa xử lý được lỗi này. Hành khách nên tránh bay với dòng phi cơ này".
Stumo và các gia đình nạn nhân khác đã tổ chức một cuộc họp báo vào ngày 17/11, ngay trước thông báo của FAA nhằm "ngăn chặn một vụ tai nạn thứ ba".
Cuộc điều tra và sửa lỗi trên 737 Max ban đầu dự kiến hoàn tất vào mùa thu năm 2019, nhưng sau đó kéo dài khi ngày càng nhiều nghi vấn liên quan tới dòng máy bay nảy sinh.
"Chúng tôi đã trải qua một quá trình dài và nghiêm túc trước khi đi đến quyết định hôm nay", Steve Dickson, giám đốc FAA, phát biểu ngày 18/11. "Như đã nói rõ ngay từ đầu, chúng tôi sẽ dành khoảng thời gian cần thiết để xử lý vấn đề này. Chúng tôi chưa bao giờ bị tác động bởi thời hạn, mà tuân thủ quy trình an toàn bài bản và có chủ đích. Trong suốt thời gian này, nhân viên của FAA đã làm việc cật lực để giải quyết các vấn đề tồn tại".
Nằm trong quy trình kiểm tra, ông Dickson đã đích thân lái một chiếc 737 Max hồi tháng 9 và trải qua chương trình đào tạo mà các phi công sau này phải hoàn thành trước khi bay.
"Dựa trên kết quả của tất cả các hoạt động mà chúng tôi thực hiện suốt 20 tháng qua và trải nghiệm bay cá nhân, tôi có thể khẳng định 100% rằng tôi sẵn sàng cho gia đình mình bay trên phi cơ này", ông Dickson cho biết.
FAA cũng đã làm việc với nhà chức trách hàng không tại các quốc gia trên thế giới và hầu hết dự kiến sẽ ban hành cấp phép bay riêng đối với 737 Max. Hiện tại, hầu hết phi cơ 737 Max bị đình bay trên thế giới là của các hãng hàng không nằm ngoài nước Mỹ.
Trong khi đó, Boeing tự tin rằng 737 Max đủ an toàn để bay trở lại sau khi thực hiện các yêu cầu của FAA.
"Chúng tôi không bao giờ quên những nạn nhân đã thiệt mạng trong hai vụ tai nạn bi thảm và dẫn đến quyết định đình bay 737 Max. Những sự kiện, những bài học mà chúng tôi rút ra được đã định hình lại cả công ty với tôn chỉ tập trung hơn nữa vào các giá trị cốt lõi, bao gồm sự an toàn, chất lượng và sự toàn vẹn", David Calhoun, CEO của Boeing, cho biết.