March 28, 2023 | 16:02 GMT+7

Đồng Nai quy hoạch phát triển khu du lịch sinh thái rừng hơn 18.000 ha

Mộc Minh -

Khu vực thực hiện đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng có tổng diện tích tự nhiên 18.050 ha do Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Phú quản lý…

Du lịch sinh thái tại Vườn quốc gia Cát Tiên (nằm trên địa bàn 3 tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng).
Du lịch sinh thái tại Vườn quốc gia Cát Tiên (nằm trên địa bàn 3 tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng).

Đồng Nai hiện có 4 đơn vị chủ rừng đặc dụng và rừng phòng hộ đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương cho phát triển du lịch sinh thái rừng và dự án du lịch đường sông với những lợi thế tạo ra sản phẩm đặc trưng của địa phương, hình thành sản phẩm du lịch liên kết với các tỉnh, thành vùng Đông Nam bộ. Đây là cơ hội để Đồng Nai thu hút đầu tư, phát huy tối đa thế mạnh về du lịch với các sản phẩm du lịch quy mô lớn, đẳng cấp quốc tế.

Bốn đơn vị chủ rừng gồm: Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (Khu bảo tồn, huyện Vĩnh Cửu), Ban Quản lý rừng phòng hộ Long Thành (huyện Long Thành), núi Chứa Chan (huyện Xuân Lộc) và Ban quản lý rừng phòng hộ Tân Phú (huyện Định Quán). Hiện các đơn vị này đang thực hiện các thủ tục xây dựng Phương án Quản lý rừng bền vững và Đề án Quy hoạch phát triển du lịch để thúc đẩy mời gọi các nhà đầu tư.

Mới đây, một trong 4 đơn vị chủ rừng là Ban quản lý rừng phòng hộ Tân Phú (huyện Định Quán) đã được UBND tỉnh phê duyệt đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí giai đoạn 2021-2030.

Theo đó, mục tiêu của đề án nhằm khai thác tiềm năng môi trường sinh thái tự nhiên của khu rừng một cách hợp lý để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí và giáo dục môi trường.

Việc ban hành đề án cũng nhằm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư vào du lịch nghỉ dưỡng để tạo nguồn thu, nhằm giảm bớt phần kinh phí của Nhà nước đầu tư cho các hoạt động quản lý bảo vệ rừng.

Đề án đặt ra mục tiêu đến năm 2025, mỗi năm thu hút 330.000 lượt khách đến du lịch nghỉ dưỡng, trong đó, khách nội địa đạt 264.000 lượt/năm, khách quốc tế đạt 66.000 lượt/năm. Doanh thu từ hoạt động du lịch đạt khoảng 176 tỷ đồng/năm.

Đến năm 2030, thu hút 730.000 lượt khách/năm, trong đó khách nội địa đạt 584.000 lượt/năm, khách quốc tế đạt khoảng 146.000 lượt/năm, doanh thu đạt 460 tỷ đồng/năm.

Đề án cũng đưa ra mục tiêu đến năm 2025, hoạt động du lịch sinh thái tại khu vực rừng phòng hộ Tân Phú mang lại việc làm cho 1.000 -1.500 lao động địa phương và vùng lân cận. Đến năm 2030 mang lại việc làm cho 1.500 -2.000 lao động.

Các loại sản phẩm du lịch sẽ phát triển tại khu vực này gồm du lịch sinh thái; du lịch thiên nhiên nghỉ dưỡng kết hợp chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe; du lịch cộng đồng; các dịch vụ giải trí ngoài trời.

Trong khu vực rừng phòng hộ Tân Phú, tỉnh Đồng Nai xác định 13 điểm du lịch, trong đó, huyện Định Quán có 10 điểm, huyện Tân Phú có 3 điểm.

Cụ thể, 10 điểm tại huyện Định Quán, Đồng Nai, gồm: Bàu Nước sôi, quy mô quy hoạch hơn 47,5 ha, diện tích dự kiến xây dựng hơn 6,25 ha; Thác Mai có quy mô quy hoạch hơn 55,9 ha, diện tích dự kiến xây dựng hơn 6,17 ha; Cầu sa Cá có quy mô quy hoạch hơn 28,6 ha; diện tích dự kiến xây dựng hơn 3,5 ha; Ao Sen có quy mô quy hoạch hơn 111 ha, diện tích dự kiến xây dựng gần 5,6 ha; Thác Trời có quy mô quy hoạch hơn 35,3 ha, diện tích dự kiến xây dựng 3,9 ha…

Đề án cũng xác định 8 tuyến du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng giải trí. Mỗi tuyến du lịch được kết nối các điểm dừng chân khác nhau như: Bàu nước sôi - Thác Mai, Bàu nước sôi - Hang Dơi - Thác Reo - Thác Mai; Bàu nước sôi - Ven sông…

Để thực hiện đề án này, giai đoạn từ 2022-2025, cần đầu tư 769 tỷ đồng; giai đoạn 2026-2030 cần 2.031 tỷ đồng. Phần lớn số vốn thực hiện đề án là nguồn vốn xã hội hóa, thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp.

 

Hiện trạng tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên du lịch tại rừng phòng hộ Tân Phú

Về tài nguyên thiên nhiên: Tổng diện tích tự nhiên Ban quản lý rừng phòng hộ Tân Phú đang quản lý hơn 18.050 ha. Trong đó, diện tích có rừng hơn 17.415 ha, gồm: rừng tự nhiên hơn 13.360 ha (rừng thứ sinh gỗ hơn 11.598ha; rừng thứ sinh tre nứa hơn 31,5 ha và rừng hỗn giao gỗ và tre nứa hơn 1.729 ha). Rừng trồng hơn 4.055 ha…

Về tài nguyên du lịch: có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái, như: Bàu Nước Sôi (nhiệt độ nước nóng quanh năm 50-60 độ C), quần thể đá tại các khu vực Thác Mai, Hang Dơi, hệ thống sông, suối…

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate