July 06, 2024 | 21:58 GMT+7

Đồng Nai: Sản xuất công nghiệp tăng trưởng vượt trội trong 6 tháng

Anh Khuê -

Tình hình kinh tế trên địa bàn tỉnh Đồng Nai 6 tháng đầu năm 2024 đang phục hồi khá rõ. Nhiều doanh nghiệp đã ký được các đơn hàng sản xuất mới với khối lượng lớn, một số đã ký được hợp đồng sản xuất đến hết năm và sang năm sau...

Kinh tế Đồng Nai phục hồi và phát triển mạnh mẽ, đơn hàng tăng, doanh nghiệp tuyển dụng thêm lao động, giải quyết việc làm cho người lao động. Ảnh minh họa.
Kinh tế Đồng Nai phục hồi và phát triển mạnh mẽ, đơn hàng tăng, doanh nghiệp tuyển dụng thêm lao động, giải quyết việc làm cho người lao động. Ảnh minh họa.

Cục Thống kê tỉnh Đồng Nai vừa công bố báo cáo về tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2024. Theo đó, tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 6,8% so cùng kỳ năm 2023 và đạt mục tiêu đề ra (cùng kỳ tăng 4,01%). Đây là mức tăng trưởng cao nhất được ghi nhận so với cùng kỳ những năm gần đây.

CÔNG NGHIỆP TĂNG TRƯỞNG VƯỢT TRỘI

Kinh tế Đồng Nai phục hồi khá rõ nét, thể hiện ở hầu hết các ngành, lĩnh vực; trong đó nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, dịch vụ đều tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước.

Đối với ngành công nghiệp, được xem là ngành trụ cột, ghi nhận mức tăng trưởng vượt trội. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt mức tăng trưởng 6,62% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó tăng trưởng quý 2 cao hơn quý 1 (quý 1 tăng 4,9%; quý 2 tăng 8,25%).

Có 26/27 ngành sản xuất có chỉ số tăng so với cùng kỳ, và một ngành có chỉ số sản xuất giảm so với cùng kỳ; đó là sản xuất và phân phối điện, khí đột, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí (-6,14%) do Công ty Điện lực Dầu khí Nhơn trạch II giảm công suất sản xuất 4 tháng đầu năm, ảnh hưởng đến chỉ số 6 tháng giảm so với cùng kỳ. Một số ngành công nghiệp chủ lực có chỉ số sản xuất 6 tháng đầu năm đạt tăng trưởng khá như: Sản xuất đồ uống tăng 4,47%; sản xuất chế biến thực phẩm 5,69%; dệt tăng 5,47%; may mặc tăng 6,94%; sản xuất hóa chất tăng 5,04%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 12,45; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 7,15%…

Có được sự tăng trưởng ấn tượng này, theo Cục Thống kê Đồng Nai là do kinh tế thế giới đang dần phục hồi, đơn hàng sản xuất của doanh nghiệp tăng đáng kể. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp đã chủ động khắc phục khó khăn về nguyên liệu đầu vào, đổi mới quy trình sản xuất, tìm kiếm đơn hàng, thị trường tiêu thụ để duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ngoài mức tăng trưởng IIP ấn tượng cùng sự gia tăng các đơn hàng của các doanh nghiệp, Đồng Nai ghi nhận thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) 6 tháng đầu năm 2024 đạt gần 926,2 triệu USD với có 47 dự án đăng ký mới (hơn 565 triệu USD) và 54 dự án tăng vốn thêm (gần 361 triệu USD). Địa phương này cũng ghi nhận hơn 2.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký khoảng 15.000 tỷ đồng.

ĐƠN HÀNG XUẤT KHẨU TĂNG

Hoạt động xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2024 có chuyển biến tích cực, do sự phục hồi của thị trường thế giới, trong đó đơn hàng xuất khẩu tăng. Bên cạnh việc tiếp tục duy trì và đẩy mạnh liên kết tại các thị trường xuất khẩu chủ lực, các doanh nghiệp đã chú trọng khai thác thị trường nội địa, cũng như tận dụng lợi thế các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) nhằm tìm kiếm, tiếp cận đa dạng các thị trường để phát triển.

Ước tính, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm đạt 11.343,7 triệu USD, tăng 9,05% so cùng kỳ và đạt mục tiêu đề ra (mục tiêu tăng trên 8%). Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu 6 tháng ước đạt 8.277,04 triệu USD, tăng 7,13% so cùng kỳ. Cán cân thương mại 6 tháng trên địa bàn đạt mức xuất siêu 3.066,7 triệu USD. Tính bình quân, mỗi tháng Đồng Nai xuất siêu khoảng 511 triệu USD và là địa phương duy trì cán cân xuất siêu liên tục trong 10 năm nay. Thị trường xuất khẩu của Đồng Nai tập trung chủ yếu là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc,…

Ông Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục Thống kê Đồng Nai, nhận định kinh tế Đồng Nai đang phục hồi và phát triển mạnh mẽ, các ngành kinh tế chủ lực đều tăng trưởng khá, doanh nghiệp đang mở rộng sản xuất và tuyển thêm lao động, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống dân cư. Đây là những tín hiệu tích cực cho sự phát triển kinh tế của tỉnh trong thời gian tới.

Tuy nhiên, để có thể tiếp tục xu thế hồi phục, ông Tuấn cho rằng cần phải tập trung hỗ trợ, triển khai hiệu quả các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu; đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường lớn, tiềm năng, phát huy hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận thương mại đã ký kết. Cùng với đó, cần gia tăng hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Việc hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất, đáp ứng nhanh các tiêu chuẩn mới của nước đối tác xuất khẩu cũng là điều vô cùng cần thiết.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate