Mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai thống nhất sẽ phê duyệt chủ trương Dự án du lịch sinh thái nghỉ dưỡng The Coi của Công ty cổ phần The Coi Đồng Nai, tại khu vực môi trường rừng thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Phú, huyện Định Quán, tổng diện tích khoảng 480 ha.
Dự án sẽ xây dựng các công trình phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong khu vực thuê môi trường rừng. Doanh nghiệp phải phát triển bền vững, không phá vỡ cảnh quan môi trường, không chặt phá rừng; các công trình xây dựng phải dựa vào thiên nhiên, hài hòa với cảnh quan môi trường, được bố trí trên diện tích đất trống, trảng cỏ, cây bụi không có khả năng tự phục hồi.
Bên cạnh đó, Công ty cổ phần The Coi Đồng Nai kiến nghị tỉnh sớm phê duyệt dự án, cũng như được sử dụng các tuyến đường hiện hữu nhằm kết nối đến 10 điểm du lịch. Do các tuyến đường này đã xuống cấp, không có hệ thống chiếu sáng, vì vậy Công ty cổ phần The Coi Đồng Nai đề xuất được cùng với chính quyền địa phương thực hiện nâng cấp, tu sửa, quản lý và xây dựng mới hệ thống điện, nước, viễn thông... để phục vụ du lịch và hỗ trợ trong việc phòng cháy, chữa cháy, tuần tra, bảo vệ rừng.
Theo ông Võ Văn Phi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, phát triển du lịch là nhiệm vụ đột phá của tỉnh, nhưng các sở, ngành còn chậm, chưa tập trung, chưa quyết liệt trong việc tham mưu để triển khai thực hiện mục tiêu này. UBND tỉnh thống nhất sẽ phê duyệt chủ trương Dự án du lịch sinh thái nghỉ dưỡng The Coi; Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm tham mưu chủ trương chấp thuận dự án và phải hoàn thành trong tháng 11/2023 này.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu các sở, ngành địa phương có trách nhiệm hướng dẫn đúng, đủ cho doanh nghiệp triển khai thực hiện dự án. Nội dung hợp đồng thuê môi trường rừng trong dự án phải làm kỹ, rõ ràng ngay từ đầu, nhất là trách nhiệm mỗi bên. Trong đó, việc quản lý về rừng, thuế và các vấn đề liên quan phải trong quản lý của UBND tỉnh.
Trước đó, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Quyết định số 436/QĐ-UBND phê duyệt Đề án du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, giải trí của Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Phú, giai đoạn 2021-2030.
Mục tiêu của đề án này nhằm khai thác tiềm năng môi trường sinh thái tự nhiên của khu rừng một cách hợp lý để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí và giáo dục môi trường tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Phú.
Với việc ban hành đề án này, Đồng Nai mời gọi các nhà đầu tư trong nước và quốc tế đầu tư vào du lịch sinh thái khu vực rừng phòng hộ Tân Phú để tạo nguồn thu, nhằm giảm bớt phần kinh phí của Nhà nước đầu tư cho các hoạt động quản lý, bảo vệ rừng.
Đề án đặt ra mục tiêu kinh tế đến năm 2025, thu hút lượng khách du lịch đạt 330.000 lượt/năm, trong đó khách nội địa đạt 264.000 lượt/năm, khách quốc tế đạt 66.000 lượt/năm. Doanh thu từ hoạt động du lịch đạt khoảng 176 tỷ đồng/năm.
Đến năm 2030 thu hút 730.000 lượt khách/năm, trong đó, khách nội địa đạt 584.000 lượt/năm, khách quốc tế đạt khoảng 146.000 lượt/năm, doanh thu đạt 460 tỷ đồng/năm.
Đề án cũng đưa ra mục tiêu đến năm 2025, hoạt động du lịch sinh thái tại khu vực rừng phòng hộ Tân Phú mang lại việc làm cho 1.000 -1.500 lao động địa phương và vùng lân cận. Đến năm 2030, mang lại việc làm cho 1.500 -2.000 lao động.
Khu vực thực hiện Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng có tổng diện tích tự nhiên 18.050 ha, do Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Phú quản lý.
Các loại sản phẩm du lịch sẽ phát triển tại khu vực này gồm: du lịch sinh thái; du lịch thiên nhiên nghỉ dưỡng kết hợp chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe; du lịch cộng đồng; các dịch vụ giải trí ngoài trời.
Trong khu vực rừng phòng hộ Tân Phú, tỉnh Đồng Nai xác định 13 điểm du lịch, trong đó, huyện Định Quán có 10 điểm, huyện Tân Phú có 3 điểm.
Để thực hiện đề này, giai đoạn từ 2022-2025, cần 769 tỷ đồng; giai đoạn 2026-2030 cần 2.031 tỷ đồng. Phần lớn số vốn thực hiện đề án là nguồn vốn xã hội hóa thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp.