Theo Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai, tỉnh đã quy hoạch nhiều dự án nhà ở xã hội nhưng thực tế triển khai lại vướng mắc ở khâu điều chỉnh quy hoạch, định giá đất, thời gian hoàn tất thủ tục lâu. Do đó, các chủ đầu tư dự án đều đề xuất tỉnh hỗ trợ giải quyết nhanh thủ tục về đầu tư, định giá đất, giao đất, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch để tiếp tục xây dựng dự án.
Ngoài ra nhiều địa phương, doanh nghiệp cũng kiến nghị với tỉnh sớm phê duyệt chủ trương đầu tư của một số dự án nhà ở xã hội đã có sẵn quỹ đất nhằm tiến hành khởi công dự án mới. Riêng các địa phương yêu cầu tỉnh nhắc nhở chủ dự án khu dân cư thương mại nhanh chóng hoàn thành hạ tầng kỹ thuật, bàn giao phần đất làm nhà ở xã hội lại cho địa phương đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Được biết, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng đã chủ trì cuộc họp với các sở ngành, địa phương lấy ý kiến về việc quy hoạch các dự án nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2025. Dự kiến từ nay đến 2025 sẽ hoàn thành 2,5 ngàn căn nhà ở xã hội có diện tích sàn khoảng 200 ngàn m2, vốn đầu tư hơn 2,5 ngàn tỷ đồng.
Như ý kiến của các sở ngành, để dự án nhà ở xã hội triển khai đúng kế hoạch, các huyện, thành phố cần thực hiện một số giải pháp. Cụ thể trong quy hoạch đô thị phải xác định diện tích đất phát triển từng loại nhà ở, đặc biệt là đất xây dựng nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, kiểm soát chặt chẽ việc chủ đầu tư nhà ở thương mại dành quỹ đất 20% để phát triển nhà ở xã hội.
Trường hợp các chủ đầu tư không triển khai dự án hoặc triển khai chậm so với tiến độ được phê duyệt thì thực hiện thu hồi dự án và giao cho những nhà đầu tư có năng lực triển khai đầu tư, tránh lãng phí quỹ đất. Chọn các quỹ đất công phù hợp quy hoạch nhà ở xã hội tiến hành đấu thầu hoặc đấu giá đất đầu tư dự án. Nguồn vốn cho dự án là từ Quỹ phát triển nhà ở của tỉnh, ngân sách địa phương, ngân sách trung ương, vốn ODA, vốn doanh nghiệp, cá nhân…
Căn cứ tình hình thực tế, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cũng chỉ đạo các huyện, thành phố chủ động, tính toán, rà soát lại lần nữa nhu cầu về nhà ở xã hội của địa phương và đưa vào quy hoạch trình UBND tỉnh. Với những khu vực đông công nhân, địa phương không chỉ trông đợi vào quỹ đất công hoặc quỹ đất 20% từ những dự án nhà ở thương mại để quy hoạch nhà ở xã hội, mà thực hiện quy hoạch riêng những dự án nhà ở xã hội giúp triển khai nhanh trong thời gian tới.
Theo thông tin từ tỉnh Đồng Nai, 4 địa phương có nhu cầu rất lớn về nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh gồm TP.Biên Hòa và các huyện: Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom. Đây là những địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp với lượng lao động ngoài tỉnh đến làm việc, sinh sống đông. Do đó cũng là địa bàn chịu nhiều áp lực về nhà ở xã hội.
Mặt khác, trong công bố mới đây của tỉnh, dự kiến từ nay đến năm 2030, Đồng Nai sẽ mở rộng thêm 10 khu công nghiệp, thu hút khoảng 450 ngàn lao động, nâng tổng số lao động làm việc trong và ngoài các khu công nghiệp toàn tỉnh lên hơn 1,6 triệu lao động. Với lượng lớn lao động như thế, nếu không tính toán sẽ dẫn đến tình trạng thiếu chỗ ở. Và áp lực giải bài toán về nhà ở cho người thu nhập thấp lại càng trở nên khó khăn hơn.