May 20, 2023 | 07:43 GMT+7

Đồng Nai xây dựng đề án sáp nhập nhiều phường ở TP.Biên Hòa

Ban Mai -

UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu TP.Biên Hòa khảo sát, đánh giá hiện trạng phát triển của 30 đơn vị (29 phường, 1 xã), để đối chiếu với các tiêu chuẩn thành lập phường thuộc tỉnh theo quy định tại các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội…

Cầu An Hảo bắc qua sông Đồng Nai trên địa phận TP. Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai.
Cầu An Hảo bắc qua sông Đồng Nai trên địa phận TP. Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai.

Ngày 18/5/2023, UBND tỉnh Đồng Nai cho biết vừa phê duyệt Đề cương nhiệm vụ xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thuộc TP. Biên Hoà. Thời gian thực hiện 12 tháng:  từ tháng 5/2023 -  tháng 5/2024.

Theo đó, UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu TP. Biên Hòa khảo sát, đánh giá hiện trạng phát triển của 30 đơn vị (29 phường, 01 xã) và 01 đơn vị cấp huyện là TP. Biên Hoà. Từ đó phân tích, đối chiếu với các tiêu chuẩn thành lập phường thuộc tỉnh theo quy định tại các nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc Hội.

TP. Biên Hòa lập báo cáo đánh giá rà soát đô thị và đánh giá tiêu chuẩn về trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đối với khu vực dự kiến sáp nhập, thành lập phường. Tiếp đến, lập Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc TP. Biên Hòa trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua và ban hành nghị quyết.

Đề cương cũng nêu rõ việc việc xây dựng đề án sáp nhập, thành lập phải thực sự khoa học, hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả; phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, chương trình phát triển đô thị, quy hoạch đô thị chung của thành phố.

Ngoài ra, phải đảm bảo dân chủ, công khai, tạo sự đồng thuận của nhân dân. Vì vậy UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu phải lấy ý kiến tham gia của các đơn vị, địa phương và người dân.

Hiện tại, nhiều phường ở nội ô TP. Biên Hoà có diện tích lẫn dân số đều ít, như: Hòa Bình, Thanh Bình, Quang Vinh, Trung Dũng… Trong khi một số phường khác có diện tích rộng và dân số rất đông, như: Trảng Dài, Long Bình… Việc sáp nhập, thành lập lại các phường nhằm tăng tính hiệu quả trong công tác quản lý hành chính, thúc đẩy phát triển kinh tế.

Theo ông Võ Văn Chánh, Bí thư Thành ủy Biên Hòa, TP. Biên Hòa hiện có những phường quá đông dân, có phường lại ít dân, song biên chế cán bộ, công chức ở các phường như nhau. Do đó, trong năm nay, Biên Hòa phải hoàn thành đề án sắp xếp lại đơn vị hành chính phường, xã và khu phố để đáp ứng yêu cầu quản lý và phù hợp thực tế của thành phố.

"Quá trình sắp xếp lại đơn vị hành chính phường, xã cán bộ nào làm được việc thì tiếp tục bố trí vào những vị trí công tác xứng đáng; còn cán bộ nào thời gian qua làm việc chưa hiệu quả thì phải xem xét lại", ông Chánh nói.

 

Đồng Nai sẽ chuyển trung tâm Hành chính tỉnh về KCN Biên Hòa 1

Ngày 5/4/2023, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Nai đã thông qua tờ trình của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai về chủ trương di dời Trung tâm Hành chính tỉnh về Khu công nghiệp (KCN) Biên Hòa 1.

Năm 2009, Chính phủ đã đồng ý chủ trương chuyển công năng KCN Biên Hoà 1 (320 ha) thành Khu đô thị - thương mại - dịch vụ.

Đến nay, Đồng Nai đang hoàn chỉnh đề án chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 và đề xuất tách ra thành 2 dự án thành phần. Dự án thứ nhất là đề xuất nghiên cứu di dời Trung tâm Hành chính tỉnh Đồng Nai ra vị trí này, diện tích xây dựng khoảng 44 ha. Dự án 2 là xây dựng Khu đô thị - thương mại - dịch vụ trên phần đất còn lại.

Chi phí hỗ trợ, di dời các hộ dân, nhà máy ra khỏi KCN Biên Hòa 1 là khá lớn. Chi phí xây dựng Khu đô thị - thương mại - dịch vụ theo khái toán ban đầu của Sở Xây dựng Đồng Nai là trên 800.000 tỷ đồng. Phương án xây dựng là đấu giá quyền sử dụng đất.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate