Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) ngày 15/8 mạnh tay nâng lãi suất và tuyên bố khả năng tiếp tục tăng lãi suất thêm nữa, nhưng động thái này chưa đủ để đồng Rúp đảo ngược xu thế giảm. Mất khoảng 1/4 giá trị từ đầu năm đến nay, Rúp Nga đang là một trong những đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi mất giá mạnh nhất năm 2023.
Trong một cuộc họp khẩn cấp, CBR quyết định nâng lãi suất cơ bản lên 12% từ 8,5% trước đó. Đây là đợt nâng lãi suất thứ hai liên tiếp của Nga và là đợt tăng mạnh nhất kể từ khi chiến tranh giữa Nga và Ukraine nổ ra cách đây 18 tháng. Cuộc họp bất thường này của CBR được triệu tập sau khi tỷ giá đồng Rúp so với USD có lúc giảm dưới mốc 100 Rúp đổi 1 USD lần đầu tiên kể từ tháng 3 năm ngoái trong phiên giao dịch vào đầu tuần này.
Sau khi tuyên bố tăng lãi suất của CBR được đưa ra, đồng Rúp tăng giá nhẹ, nhưng sau đó nhanh chóng quay trở lại với xu hướng giảm. Cuối phiên ngày 15/8 tại thị trường Moscow, Rúp giảm 1,1%, giao dịch ở mức gần 99 Rúp đổi 1 USD. Tính từ đầu năm, đồng Rúp đã giảm giá khoảng 25% - hãng tin Bloomberg cho hay.
Xu hướng mất giá nhanh của đồng Rúp đã đưa CBR vào vị trí trung tâm của sự chú ý. Các nhà hoạch định chính sách tiền tệ Nga được cho là đang rất khó xử khi phải gánh vác cùng lúc hai nhiệm vụ xung đột: một là chèo lái nền kinh tế đang đương đầu với áp lực từ doanh thu xuất khẩu giảm sút và các biện pháp trừng phạt của phương Tây; hai là bảo vệ tỷ giá đồng nội tệ đang mất giá liên tục vì chính sự suy yếu đó của nền kinh tế.
“Đà giảm giá bị đẩy nhanh của Rúp gần đây có thể là tín hiệu có những lỗ hổng xuất hiện trong các biện pháp kiểm soát vốn của Chính phủ Nga, dẫn tới dòng vốn chảy khỏi Nga tăng tốc. Việc tăng lãi suất sẽ khó thuyết phục những những người có ý định chuyển tiền khỏi Nga”, ông Ulrich Leuchtmann, trưởng bộ phận chiến lược tiền tệ thuộc ngân hàng Commerzbank, nhận định với Bloomberg.
Trong tuyên bố về việc tăng lãi suất, CBR nói động thái này “nhằm hạn chế rủi ro đối với ổn định giá cả” mà không đưa ra một hướng dẫn cụ thể về kế hoạch tiếp theo. Nhưng chỉ hơn hai giờ đồng hồ sau đó, CBR tuyên bố có thể tăng lãi suất thêm nếu các rủi ro lạm phát gia tăng.
Quyết định này của CBR cho thấy phương pháp quen thuộc mà Thống đốc Elvira Nabiullina từng áp dụng trước đây mỗi khi đồng Rúp rớt giá, và đó là dựa vào tăng lãi suất. Tuần trước, CBR tuyên bố sẽ dừng việc mua vào ngoại tệ, nhưng tuyên bố đó không đủ để chặn đà giảm của đồng Rúp. Sau đó, một quan chức cấp cao của điện Kremlin đã lên tiếng chỉ trích chính sách tiền tệ nới lỏng của CBR.
Sự bất đồng công khai giữa điện Kremlin và CBR phản ánh những ưu tiên trái chiều trong chính sách kinh tế của Nga. Đồng Rúp yếu là nhân tố có lợi cho thu ngân sách của Chính phủ nước này khi quy đổi thu ngân sách từ xuất khẩu dầu lửa bằng ngoại tệ sang đồng nội tệ. Nhưng đồng Rúp yếu cũng đẩy cao chi phí nhập khẩu và thúc đẩy người dân Nga chuyển tiền ra nước ngoài.
Việc Rúp giảm giá nhanh đã đẩy nhanh kế hoạch thắt chặt chính sách tiền tệ của CBR. Mới cách đây 3 tuần, ngân hàng trung ương này tăng lãi suất tròn 1 điểm phần trăm sau một thời gian dài cảnh báo rằng lãi suất sẽ phải tăng để ứng phó với rủi ro lạm phát đến từ chi tiêu chính phủ tăng, lệnh trừng phạt, và tình trạng khan hiếm lao động do chiến tranh.
Áp lực tăng lãi suất đối với CBR tăng cao hơn nhiều trong tháng này, khi tốc độ lạm phát hàng năm vượt ngưỡng mục tiêu 4% của CBR lần đầu tiên kể từ tháng 2.
Cố vấn kinh tế của điện Kremlin, ông Maxim Oreshkin nói rằng CBR “có tất cả các công cụ cần thiết để bình thường hoá tình hình trong tương lai gần”. Tuy nhiên, giới chuyên gia kinh tế cho rằng ngoài tăng lãi suất và siết chặt các biện pháp kiểm soát vốn, các lựa chọn khác của CBR là rất hạn chế.
Phần lớn dự trữ ngoại hối của Nga đang bị đóng băng bởi lệnh trừng phạt, nên khó có chuyện CBR can thiệp trực tiếp vào thị trường ngoại hối nếu đà giảm của đồng Rúp một lần nữa bị đẩy mạnh.
“Việc tăng lãi suất sẽ không giải quyết được vấn đề gì. Cách làm đó có thể tạm thời hãm tốc độ mất giá của Rúp, nhưng đổi lại sẽ là tăng trưởng GDP thực tế chậm lại. Vấn đề cốt lõi là chiến tranh và lệnh trừng phạt vẫn còn đó”, chiến lược gia Timonty Ash của RBC Bluebay Asset Management nhận định với Bloomberg.