October 24, 2023 | 17:39 GMT+7

Đồng Tháp và An Giang phê duyệt, bàn giao nhiều mỏ cát cho nhà thầu phục vụ thi công các dự án cao tốc

Xuân Nghi -

Chín mỏ cát, gồm 4 ở Đồng Tháp và 5 ở An Giang, vừa được Ủy ban nhân dân hai tỉnh này phê duyệt, bàn giao cho các nhà thầu để khai thác phục vụ thi công các dự án cao tốc khu vực đồng bằng sông Cửu Long...

UBND các tỉnh An Giang và Đồng Tháp đến nay đã phê duyệt và ban giao 10 mỏ cát cho các nhà thầu trực tiếp khai thác phục vụ thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.
UBND các tỉnh An Giang và Đồng Tháp đến nay đã phê duyệt và ban giao 10 mỏ cát cho các nhà thầu trực tiếp khai thác phục vụ thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.

Hai trong số các dự án cao tốc trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long có nhu cầu cát san lấp nhiều nhất là dự án cao tốc (trục ngang) Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng và cao tốc Bắc Nam phía đông đoạn Cần Thơ – Cà Mau.

Dự án cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng có tổng nhu cầu cát san lấp khoảng 28,91 triệu m3; trong đó, năm 2023 cần 6,8 triệu m3, năm 2024 cần 13,16 triệu m3 và năm 2025 là 8,95 triệu m3. Dự án cao tốc Cần Thơ – Cà Mau cần 18,1 triệu m3 cát; trong đó năm 2023 cần 9,1 triệu m3 và năm 2024 cần 9 triệu m3.

Vừa qua, ngày 21/10/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức bàn giao hồ sơ vị trí, trữ lượng khai thác, báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) 4 mỏ cát cho nhà thầu phục vụ thi công dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.

Bốn nhà thầu tiếp nhận khai thác 4 mỏ cát này do Ban quản lý Dự án Mỹ Thuận (Ban Mỹ Thuận), chủ đầu tư giới thiệu và tiến cử để thực hiện triển khai theo cơ chế đặc thù (giao mỏ cát trực tiếp cho nhà thầu). Cụ thể: Công ty cổ phần Hải Đăng khai thác mỏ cát thuộc thị trấn Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự, diện tích vùng khai thác  11,74 ha, trữ lượng 862.216 m3. Công ty xây dựng Tân Nam khai thác tại mỏ cát thuộc các xã Tân Mỹ và Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò, diện tích 32,05 ha, trữ lượng 801.250 m3.

Tổng công ty xây dựng Trường Sơn khai thác mỏ cát thuộc xã Mỹ Xương (huyện Cao Lãnh) và xã Tân Khánh Trung (huyện Lấp Vò), diện tích vùng khai thác  24,23 ha, trữ lượng 791.225 m3. Công ty sản xuất và xây dựng Thi Sơn khai thác mỏ có vị trí tại xã Định Yên, huyện Lấp Vò, diện tích 20,97 ha, trữ lượng dự kiến khoảng 754.876 m3.

Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Tháp cho biết, sau thời gian thực hiện các hồ sơ khai thác, các nhà thầu này đã cơ bản hoàn thành các hạng mục của dự án, bao gồm quá trình xác lập hồ sơ, công tác khảo sát để đánh giá trữ lượng chất lượng cát và lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM).

Trước đó, ngày 20/9/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp là địa phương tiên phong cả nước áp dụng cơ chế đặc thù theo nghị quyết của Quốc hội, tiến hành giao mỏ cát cho nhà thầu cao tốc trực tiếp khai thác. Đó là mỏ cát trên sông Tiền thuộc xã An Nhơn, huyện Châu Thành đã được tỉnh Đồng Tháp giao cho Tổng công ty Xây dựng số 1 - CTCP (CC1) trực tiếp khai thác trong một năm. Như vậy, đến nay Đồng Tháp đã phê duyệt và bàn giao 5 mỏ cát cho các nhà thầu trực tiếp khai thác phục vụ thi công dự án cao tốc qua địa bàn, đặc biệt dự án cao tốc Cần Thơ – Cà Mau như cam kết với Chính phủ.

Cùng với cát biển được đề xuất thí điểm thay thế cát sông, tro bay tức xỉ than cũng từng được đề xuất làm vật liệu san lấp các dự án cao tốc, thay thế nguồn cát sông đang thiếu hụt.
Cùng với cát biển được đề xuất thí điểm thay thế cát sông, tro bay tức xỉ than cũng từng được đề xuất làm vật liệu san lấp các dự án cao tốc, thay thế nguồn cát sông đang thiếu hụt.

Trong cùng thời gian này, tỉnh An Giang cũng đã phê duyệt, bàn giao 5 mỏ cát trên địa bàn cho các nhà thầu khai thác theo cơ chế đặc thù phục vụ thi công cao tốc.

Ngày 22/10/2023, Chủ  tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang đã ban hành Quyết định số 1642/QĐ-UBND bổ sung danh mục khu vực khoáng sản phục vụ nguồn vật liệu cho các dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc.

Cụ thể, Ủy ban nhân dân bổ sung các mỏ cát phục vụ nguồn vật liệu cho dự án cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng giai đoạn 1 qua tỉnh An Giang. Bao gồm: Mỏ cát trên sông Tiền, thuộc địa bàn hai xã Tấn Mỹ và Mỹ Hiệp (huyện Chợ Mới), diện tích 21,3 ha, ước trữ lượng phân bổ 0,4 triệu m3;  mỏ cát khu vực trên sông Hậu thuộc xã Bình Thạnh,  huyện Châu Thành và hai xã Mỹ Hội Đông, Nhơn Mỹ (huyện Chợ Mới), diện tích 49,87 ha, ước trữ lượng phân bổ 0,5 triệu m3; mỏ cát trên sông Hậu thuộc thị trấn Cái Dầu, xã Bình Long (huyện Châu Phú) và xã Bình Thạnh Đông (huyện Phú Tân), diện tích 72 ha, ước trữ lượng phân bổ 0,4 triệu m3.

Và hai mỏ cát phục vụ thi công dự án cao tốc Cần Thơ, gồm: Mỏ cát trên sông Hậu thuộc xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú và xã Hòa Lạc, huyện Phú Tân, diện tích vùng khai thác 107,50 ha, ước trữ lượng phân bổ 2,3 triệu m3; mỏ cát khu vực trên sông Hậu thuộc xã Mỹ Phú, huyện Châu Phú và xã Phú Bình, huyện Phú Tân, diện tích 50,9 ha, ước trữ lượng phân bổ 0,6 triệu m3.

Theo Bộ Giao thông vận tải, nguồn vật liệu cát phục vụ cho các dự án cao tốc ở đồng bằng sông Cửu Long chủ yếu tập trung ở hai nhánh lớn của dòng Cửu Long là sông Tiền và sông Hậu, trữ lượng nhiều nhất ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Sóc Trăng,…

Việc 2 tỉnh An Giang và Đồng Tháp đã tiến hành bàn giao 10  mỏ cát cho các nhà thầu trực tiếp khai thác phục vụ thi công các dự án cao tốc trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long theo cơ chế đặc thù đã được Quốc hội thông qua, là một tín hiệu tốt đẹp cho tiến độ các công trình cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng và cao tốc Cần Thơ – Cà Mau. Vì từ ngày khởi công (tháng 6/2023) đã có nhiều gói thầu phải tạm dừng hoặc thi công cầm chừng do thiếu hụt trầm trọng nguồn cát, mặc dù tổng trữ lượng các mỏ đã được cấp phép khai thác đạt trên 120 triệu tấn so với tổng nhu cầu khoảng 80 triệu tấn.  

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate