Thị trường đã nguội đi sau phiên tăng bùng nổ hôm qua, chủ yếu do dòng tiền chững lại không còn hăng hái đuổi giá cao nữa. VN-Index để mất 0,32% tương đương -3,55 điểm với độ rộng khá hẹp 143 mã tăng và 312 mã giảm. Đặc biệt khối ngoại bất ngờ xả ròng tới hơn 763 tỷ đồng, mức cao đột biến chưa từng thấy trong các phiên sáng kể từ đầu năm tới nay.
Mặc dù quy mô bán ròng rất lớn nhưng mổ xẻ giao dịch của khối ngoại, tổng mức bán ra cũng không có gì bất thường. Cụ thể, khối này xả 887,4 tỷ đồng giá trị cổ phiếu trên sàn HoSE, chỉ tăng khoảng 25% so với sáng hôm qua. Thêm nữa khối này đã từng có những phiên bán ra còn lớn hơn, ví dụ mức bán ra 957,2 tỷ đồng trong ngày 9/11 vừa qua hay thậm chí bán gần 1.205 tỷ đồng ngày 26/10. Những phiên sáng xuất hiện mức bán quanh ngưỡng 800 tỷ đồng cũng không phải là hiếm.
Nguyên nhân khiến giá trị bán ròng cao đột biến là do bên mua của khối ngoại đột ngột giảm. Sáng nay HoSE chỉ nhận được mức giải ngân 124,4 tỷ đồng, cũng là mức thấp đột biến của năm 2023. Do chênh lệch quá lớn nên mức bán ròng đã tăng cao.
Các cổ phiếu bị bán rất lớn là HPG -109,8 tỷ, chứng chỉ quỹ FUESVFL -76,3 tỷ, VHM -71,5 tỷ, VNM -42,1 tỷ, SSI -42 tỷ, VND -39,7 tỷ, DXG -38,3 tỷ, VPB -26,8 tỷ, STB -22,9 tỷ, VIX -22,6 tỷ. Tính chung các cổ phiếu trong rổ VN30 bị khối này rút đi 434,9 tỷ đồng ròng.
Quy mô bán ra với cổ phiếu trong nhóm blue-chips nói trên chiếm khoảng 22,5% tổng giá trị giao dịch của rổ. Mức bán ròng này lớn cũng là do không có mua đối ứng, khối ngoại chỉ mua khoảng 42,6 tỷ đồng với các mã trong nhóm VN30.
Dù vậy không hẳn các cổ phiếu blue-chips bị khối ngoại xả đều là các mã giảm lớn. Rổ VN30 chỉ có 3 mã giảm hơn 1% là VPB giảm 1,03%, VJC giảm 1,61%, BID giảm 1,01% và HDB giảm 1,08%. VPB bị khối này bán ra chiếm 43% tổng khối lượng giao dịch là nhiều nhất, các mã còn lại không đáng kể. HPG bị bán ra xấp xỉ 38% tổng thanh khoản, giá giảm 0,91%. VHM bị bán 49% thanh khoản, giá giảm 0,97%. VNM bị bán gần 57% thanh khoản, giá giảm 0,87%. SSI bị bán 16,3% thanh khoản, giá giảm 0,89%...
Như vậy lực bán của nhà đầu tư trong nước vẫn đang là áp lực chính trên thị trường, khi chiếm gần 89% tổng giao dịch ở HoSE. Cũng giống như phiên hôm qua khi khối ngoại xả ròng riêng cổ phiếu ở HoSE tới 509 tỷ đồng thì dòng tiền trong nước vẫn đẩy giá lên dữ dội. Mức tăng đột ngột giúp các vị thế ngắn hạn có lãi tăng nhanh trong khi VN-Index lại chạm tới vùng đỉnh tháng 11 khiến nhu cầu chốt lời cũng tăng theo.
VN30-Index chốt phiên sáng giảm 0,44% với duy nhất 4 mã tăng, còn tới 24 mã giảm. Số tăng là BCM tăng 4,73%, FPT tăng 1,5%, PLX tăng 0,56% và GAS tăng 0,38%. Tuy nhiên như mới nói ở trên, cũng chỉ có 4 mã giảm quá 1% trong rổ.
Mở rộng ra sàn HoSE, tuy số cổ phiếu giảm giá nhiều gấp 2,2 lần số tăng giá, nhưng cũng mới có 65 mã giảm hơn 1% và thanh khoản nhóm này chỉ chiếm 9,3% tổng giá trị khớp lệnh của sàn. HoSE có 18 cổ phiếu thanh khoản từ 100 tỷ đồng trở lên – chiếm 50,7% tổng khớp của sàn – thì có 9 mã tăng và 9 mã giảm. Mã duy nhất giảm mạnh trong nhóm thanh khoản hàng đầu là PDR mất 1,06%.
Thanh khoản khớp lệnh hai sàn sáng nay tụt giảm khoảng 33% so với sáng hôm qua, đạt gần 8.283 tỷ đồng. HoSE giảm 32% với 7.297 tỷ đồng. Tuy con số tuyệt đối là giảm, nhưng sáng hôm qua giao dịch có phần đột biến. Với mức khớp trung bình các phiên sáng, quy mô giao dịch hơn 8 ngàn tỷ đồng vẫn là cao nhất 7 tuần.
Giá tăng bất ngờ hôm qua cũng như VN-Index quay lại đỉnh cũ tháng 11 khiến thị trường chững lại là bình thường. Nhà đầu tư sẽ giảm hưng phấn và các vị thế ngắn hạn có lãi tốt dễ bị đóng lại. Tuy nhiên cho đến hết phiên sáng, áp lực bên bán vẫn chưa cao, thể hiện là biên độ giảm giá còn hẹp. Chiều nay lượng hàng có lãi tiếp tục về thì sức ép có thể gia tăng thêm.