Những chao đảo trong nửa cuối phiên sáng tiếp tục gây ảnh hưởng lớn tới phiên chiều khi cho tới tận 2h VN-Index vẫn không tăng cao hơn mức chốt cuối phiên sáng được. Tuy nhiên ít phút còn lại là câu chuyện hoàn toàn khác.
Những trụ lớn như VIC, VHM, VCB đến cuối phiên sáng đã suy yếu một chút. Nhiều blue-chips bị đánh tụt xuống khá rộng so với đỉnh giữa phiên. Áp lực này còn ép thêm một nhịp nữa đầu phiên chiều.
VN-Index tạo đáy thấp nhất buổi chiều lúc 1h20, chỉ còn cao hơn tham chiếu chừng 4 điểm. Mặc dù các cổ phiếu lớn nâng đỡ rất tốt, thị trường không xấu hơn nữa nhưng độ rộng rất kém trong suốt thời gian sau đó cho thấy các trụ chỉ đỡ được chỉ số.
Cho đến tận hơn 2h chiều, VN-Index vẫn chỉ duy trì được trạng thái giằng co. Điểm số không thấy hơn nhưng cũng không thể lên cao hơn lúc chốt phiên sáng. Ngay trước thời điểm bùng nổ, sàn này cũng chỉ có 160 mã tăng/200 mã giảm.
Rất bất ngờ là VIC lẫn VHM không phải nhân tố kích hoạt 20 phút bùng nổ cuối đợt liên tục. Cả hai mã này chủ đạo là duy trì độ cao, không tăng thêm nhưng cũng rất ít biến động. Điểm giá cao nhất của VHM đã trùng với đỉnh buổi sáng của VN-Index, còn cả phiên chiều là đi ngang (trừ ATC). VIC cũng tương tự, phiên chiều chủ yếu là đi ngang và chỉ bùng lên đợt ATC.
Một số cổ phiếu trụ khác có diễn biến rất tích cực ở giai đoạn cuối phiên, đáng kể là VCB, CTG, MSN, thậm chí cả VNM. So với các trụ nổi bật trong phiên trước đó thì mức tăng của các mã nói trên không nhiều, nhưng thay đổi giá lại đúng vào thời điểm thị trường đang thiếu trụ. Mặt khác, mức biến động giá thật ra khá mạnh nếu nhìn vào một thời điểm.
Lấy ví dụ VCB lúc 2h, thời điểm trước khi VN-Index bùng nổ, đứng giá 98.000 đồng. Tuy nhiên đà đi lên kéo dài liên tục tới tận đợt đóng cửa tại 98.800 đồng. CTG lúc 2h còn có giá 33.300 đồng dưới cả tham chiếu. Biến động tăng liên tục kéo dài tới ATC và cổ phiếu này chốt tăng 1,04% so với tham chiếu. MSN cũng vậy, từ 136.000 đồng chạy tuốt lên 137.800 đồng, chốt trên tham chiếu 1,17%.
Riêng đợt ATC, nhiều cổ phiếu lớn được đẩy giá tăng nhảy vọt, trong đó có cả VIC lẫn VHM. Đặc biệt là VIC riêng đợt đóng cửa tăng thêm 5 bước giá, VHM tăng thêm 3 bước giá, VCB, HPG, BID cũng đều nhảy giá cao hơn. Thậm chí yếu như GAS cũng phục hồi lại được vài bước giá và bớt giảm.
Thị trường phiên chiều hội tụ chủ yếu các nét tích cực vào khoảng 20 phút cuối và đợt ATC, khi dòng tiền vào đẩy giá lên khá mạnh. Chiều nay giá trị khớp lệnh hai sàn khoảng 9.670 tỷ, thấp hơn phiên sáng hơn 28%. Tuy nhiên đây vẫn là một phiên có thanh khoản lớn vì buổi sáng lượng tiền vào nhiều. Tính chung cả ngày hai sàn khớp lệnh 23.196 tỷ đồng, tăng 12% so với hôm qua và cao nhất trong vòng 3 tuần. Nếu tính cả thỏa thuận, tổng giá trị đạt cỡ 24.476 tỷ đồng.
Có 4 cổ phiếu đạt ngưỡng khớp lệnh vượt ngàn tỷ đồng là HPG, TCB, VHM và SSI. Trong số này HPG, TCB tuy thanh khoản lớn nhưng vẫn còn thấp so với mức bình quân và nhất là so với giai đoạn bùng nổ đạt đỉnh. Riêng VHM phiên này xác lập kỷ lục thanh khoản 3 tháng; SSI thì đang trên đường kiểm định lại đỉnh lịch sử với thanh khoản tăng một phần ba so với trung bình 20 ngày.
Độ rộng khá tốt của sàn HoSE lúc chốt phiên cũng thể hiện kết quả tích cực từ đợt đẩy giá lên khá nhanh cuối ngày. Sàn này ghi nhận 243 mã tăng/143 mã giảm. Cũng phải nhắc lại là ngay trước thời điểm thị trường bật tăng mạnh cuối phiên, số lượng mã giảm ở HoSE vẫn còn nhiều hơn mã tăng. Điều đó nghĩa là đã có sự cải thiện về giá trong nhịp tăng chung của thị trường, hoặc trong đợt ATC.
VN-Index kết phiên tăng 1,39% so với tham chiếu, tương đương 18,22 điểm. Vn30-Index tăng 1,5% tương đương 21,66 điểm. Đây đều là mức tăng mạnh nhất trong 8 phiên vừa qua của các chỉ số. Thanh khoản cũng tăng trở lại là dấu hiệu của dòng tiền nhập cuộc. Dòng tiền chạy vào nhóm VN30 đang chiếm ưu thế rõ rệt khi rổ này tăng 19% giá trị khớp phiên này, đồng thời chiếm 56% tổng giá trị khớp cả sàn HoSE.