August 02, 2021 | 12:20 GMT+7

Dòng tiền vào ổn định, cổ phiếu nhỏ tăng nóng

Kim Phong -

Thị trường tiếp tục đi lên với hiệu ứng kết quả kinh doanh dồn dập xuất hiện cuối tuần qua. Dòng tiền duy trì tương đương mức cao của phiên trước nhưng cũng chỉ đủ tạo sự phân hóa trong nhóm dẫn dắt. Riêng nhóm cổ phiếu nhỏ tăng rực rỡ...

Thị trường sáng nay không có nhóm cổ phiếu dẫn dắt, chỉ có vài trụ dẫn dắt.
Thị trường sáng nay không có nhóm cổ phiếu dẫn dắt, chỉ có vài trụ dẫn dắt.

Thị trường tiếp tục đi lên với hiệu ứng kết quả kinh doanh dồn dập xuất hiện cuối tuần qua. Dòng tiền duy trì tương đương mức cao của phiên trước nhưng cũng chỉ đủ tạo sự phân hóa trong nhóm dẫn dắt. Riêng nhóm cổ phiếu nhỏ tăng rực rỡ.

VN-Index chốt phiên sáng tăng 0,57% so với tham chiếu, nhưng phiên giao dịch sáng nay không hề dễ dàng. Vài phút sau khi mở cửa chỉ số còn sụt giảm 0,42%. Thị trường sau đó phục hồi nhưng không có nhóm cổ phiếu thật sự dẫn dắt nào, mà chỉ có cổ phiếu trụ đơn lẻ dẫn dắt chỉ số.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng phân hóa đáng kể. Mạnh nhất là BID tăng 4,1% nhưng cũng là trụ duy nhất của nhóm. HDB tăng 0,6% có ảnh hưởng không đáng kể. Số giảm thì quá nhiều: ACB giảm 1,9% trong ngày đầu tiên vào rổ VN30; CTG giảm 1,3%, VCB giảm 0,8%, TCB giảm 0,2%, TPB giảm 0,4%, VPB giảm 0,2%, STB giảm 0,2%, MBB giảm 0,17%.

Nhóm Vin có VIC tăng 1,68%, rất mạnh, nhưng cũng lẻ loi không khác gì BID: VHM giảm 0,74%, VRE giảm 0,36%.

Các cổ phiếu blue-chips mới gia nhập nhóm VN30 đều giảm. Ngoài ACB, GVR giảm 0,45%, SAB giảm 1,7%.

VN30 chốt phiên sáng trong trạng thái giằng co với 17 mã tăng/15 mã giảm và chỉ số tăng nhẹ 0,41%. Với cơ cấu cổ phiếu mới, tình thế đã có chút thay đổi ở chỉ số này. BID, FPT, GAS, MSN, NVL, VJC, VIC đều tăng mạnh trên 1% nhưng cũng không kéo được chỉ số này bứt phá nhiều.

Ngược lại, nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ đang nhận được sự chú ý khi có nhiều mã tăng tích cực với thanh khoản cao. Chỉ số VNSmallcap đang tăng 1,01%, mạnh nhất trong các nhóm vốn hóa sàn HoSE. TSC, BCG, CSV, BFC đang tăng kịch trần. NKG tăng 2,97%, FRT tăng 1,34%, DGW tăng 1,34% đang có ảnh hưởng tốt lên chỉ số này và thanh khoản cũng nổi trội.

VN-Index vẫn có hướng đi lên là chủ đạo trong phiên sáng.
VN-Index vẫn có hướng đi lên là chủ đạo trong phiên sáng.

Hiện tượng phân hóa trong các blue-chips và nhóm dẫn dắt đã khiến thị trường không thật sự bùng nổ được như kỳ vọng sau phiên giao dịch mạnh mẽ cuối tuần trước. VN-Index tăng ít, độ rộng cân bằng 197 mã tăng/174 mã giảm. Chỉ có MSN, FPT là hai cổ phiếu trong rổ VN30 bùng nổ giá vượt đỉnh.

Thanh khoản duy trì mức cao là điểm cộng của phiên sáng nay. Cuối tuần trước hai sàn đã gây bất ngờ với quy mô khớp lệnh khá đột biến, nhưng là phiên giao dịch tái cơ cấu của các quỹ ETF. Mức khớp lệnh gần 22,9 ngàn tỷ đồng hôm thứ Sáu là con số khá cao trong bức tranh thanh khoản ảm đạm 3 tuần vừa qua. Sáng nay hai sàn duy trì ngưỡng khớp lệnh xấp xỉ 12 ngàn tỷ đồng, tương đương với sáng hôm thứ Sáu tuần trước. Nếu phiên chiều giao dịch tiếp tục tích cực thì ngưỡng vượt 20 ngàn tỷ đồng khớp lệnh có thể đạt được.

Dòng tiền vào ổn định ở mức cao là tín hiệu tích cực nhất ở thời điểm này. Một mặt dòng tiền tăng thể hiện sự phù hợp với mạch thông tin kết quả kinh doanh đang có. Mặt khác, thị trường đang phát tín hiệu tạo đáy và phục hồi, nên nếu nhà đầu tư tin tưởng vào tín hiệu đó thì sẽ xuống tiền mua nhiều hơn.

Trong cơ cấu thanh khoản sáng nay, cổ phiếu ngân hàng chỉ còn chiếm 4/10 mã thanh khoản nhất. Các vị trí còn lại nhường cho nhóm cổ phiếu thép (HPG và HSG), SSI, FPT, VHM, MWG. Đây cũng là điểm cộng vì thị trường không còn phụ thuộc quá nhiều vào dòng tiền ở các cổ phiếu ngân hàng nữa. Nhà đầu tư đã tìm kiếm cơ hội ở các cổ phiếu/nhóm cổ phiếu khác.

Tuy nhiên phần lớn các mã thanh khoản đáng kể nhất ở nhóm ngân hàng sáng nay đều giảm giá. Nếu các cổ phiếu ngân hàng không thể thu hút dòng tiền và tăng giá cũng sẽ là gánh nặng của VN-Index trong nhịp phục hồi hiện tại.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate