November 15, 2024 | 09:25 GMT+7

Dòng vốn chảy khỏi Nhật Bản gây áp lực mất giá lên đồng yên

An Huy -

Dòng vốn chảy mạnh khỏi nền kinh tế tăng trưởng chậm chạp của Nhật Bản đang gia tăng áp lực mất giá lên đồng yên của nước này...

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Theo hãng tin Bloomberg, giới quan sát cho rằng khoảng cách lãi suất còn lớn giữa Nhật Bản và Mỹ là nguyên nhân chủ yếu khiến đồng yên chịu sức ép giảm giá dai dẳng, nhất là khi các đề xuất chính sách của Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể khiến lạm phát ở Mỹ tăng trở lại trong 4 năm tới và khiến cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khó giảm lãi suất hơn.

Tuy nhiên, còn có một yếu tố khác, ít được nhận thấy hơn, đang tác động không nhỏ đến tỷ giá đồng yên. Đó là các dòng chảy thương mại và đầu tư ra vào Nhật Bản.

Trong quý 3 vừa qua, Nhật Bản đạt thặng dư tài khoản vãng lai 8,97 nghìn tỷ yên, tương đương 57,5 tỷ USD. Thặng dư này lẽ ra là một yếu tố hỗ trợ đồng yên tăng giá. Tuy nhiên, hiệu ứng đó đã bị lấn át bởi tác động từ dòng vốn đầu tư trực tiếp và đầu tư danh mục chảy khỏi Nhật Bản. Bởi vậy, yếu tố dòng tiền đã khiến đồng yên mất giá.

Hồi tháng 9, đồng yên tăng giá lên mức cao nhất 14 tháng so với đồng USD do giới đầu tư toàn cầu rút khỏi các vị thế giao dịch chênh lệch tỷ giá (carry-trade) dùng yên làm đồng tiền cấp vốn. Nhưng kể từ mức đỉnh đó đến nay, đồng yên đã giảm giá khoảng 10%. Phiên ngày 14/11, tỷ giá yên so với USD giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7, với khoảng 155,7 yên đổi 1 USD.

“Dòng vốn đầu tư trực tiếp và đầu tư danh mục chảy khỏi Nhật Bản đang làm suy yếu tác dụng hỗ trợ tỷ giá đồng yên từ thặng dư tài khoản vãng lai”, từ đó hạn chế khả năng tăng giá của đồng yên - ông Shusuke Yamada, trưởng bộ phận chiến lược tiền tệ và lãi suất Nhật Bản tại ngân hàng Bank of America, nhận định. Do một tỷ trọng lớn trong thặng dư tài khoản vãng lai đến từ thu nhập sơ cấp và được tái đầu tư ra nước ngoài, nên “rất dễ bị hiểu sai vấn đề nếu chỉ nhìn vào cán cân tài khoản vãng lai”, vị chiến lược gia nhấn mạnh.

Tài khoản vãng lai bao gồm các hạng mục xuất khẩu và nhập khẩu, cũng như các khoản chuyển tiền xuyên biên giới gồm tiền lương và lợi nhuận đầu tư. Nhật Bản đạt thặng dư kỷ lục 12,2 nghìn tỷ yên thu nhập sơ cấp trong quý 3, chủ yếu là lợi nhuận từ đầu tư. Mức thặng dư này bù lại sự thâm hụt từ xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ, đồng thời tạo ra thặng dư tài khoản vãng lai.

“Thâm hụt cán cân thương mại cũng dẫn tới việc bán đồng yên để trang trải nhu cầu ngoại tệ. Xu hướng này sẽ tiếp diễn”, chiến lược gia cấp cao về trái phiếu và ngoại hối Hideki Shibata của công ty Tokai Tokyo Intelligence Laboratory Co. phát biểu.

Bên cạnh dòng chảy vốn đầu tư danh mục, số liệu tài khoản vốn cũng phản ánh dòng vốn đầu tư trực tiếp - lượng tiền mà các công ty chuyển tới Nhật Bản cho mục đích sản xuất kinh doanh. Trong số các nền kinh tế lớn, Nhật Bản là nước có lượng vốn đầu tư trực tiếp chảy vào thuộc hàng ít nhất.

“Trở ngại để các công ty nước ngoài vào được thị trường Nhật Bản là cao. Môi trường kinh doanh ở Nhật rất khó để các công ty nước ngoài xây dựng cơ sở kinh doanh, và do tốc độ tăng trưởng kinh tế của Nhật là thấp, thị trường cũng không mở rộng”, nhà kinh tế cấp cao Tsuyoshi Ueno của viện nghiên cứu NLI Research Institute nhận định.

Dòng vốn đầu tư trực tiếp từ Nhật Bản đã vượt dòng vốn đầu tư trực tiếp chảy vào nước này trong hầu như tất cả mọi quý từ năm 1996 tới nay. Lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Nhật vào thời điểm cuối tháng 6 năm nay tương đương 8,3% tổng sản phẩm trong nước (GDP), thấp nhất trong số 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới - theo phân tích của Bloomberg dựa trên số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Tỷ lệ này ở Anh là 99% và ở Mỹ là 57%.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế tiềm năng của Nhật Bản đã rơi vào trì trệ trong 2 thập kỷ qua và đứng ở mức 0,6% trong số liệu gần đây nhất - theo ước tính của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ). Điều này là một lý do khiến dòng vốn chảy khỏi Nhật Bản ngày càng nhiều.

Nhật Bản đã thu hút được một lượng lớn vốn đầu tư danh mục, với số dư hiện đạt tương đương 90% GDP. Tuy nhiên, phần lớn dòng chảy vốn đầu tư danh mục này không dẫn tới sự tăng giá của đồng yên vì nằm trong các vị thế phòng hộ tiền tệ - theo chiến lược gia trưởng về ngoại hối Hirofumi Suzuki của ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corp. ở Tokyo. “Phần lớn những dòng vốn này cũng nhằm mục đích đầu cơ và nhu cầu nắm giữ dài hạn không tăng lên”, ông Suzuki nói.

Với lãi suất ở Nhật Bản đang thấp hơn nhiều so với ở các nền kinh tế lớn khác, việc phòng hộ sự suy yếu tỷ giá đồng yên mang lại lợi nhuận dương cho các nhà đầu tư nước ngoài trừ phi đồng yên tăng giá tới mức đủ để bù lại phần chênh lệch lãi suất.

“Việc có rất ít cơ hội đầu tư ở Nhật Bản đồng nghĩa rằng hầu hết tiền cổ tức và lợi nhuận mà nhà đầu tư Nhật Bản có được ở nước ngoài đều được tái đầu tư ở nước ngoài”, ông Shibata nói.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate