Như VnEconomy đưa tin, sáng nay, ngày 29/11 Quốc hội đã thông qua Nghị quyết áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu (thuế tối thiểu toàn cầu).
Thuế tối thiểu toàn cầu là thỏa thuận của các nước G7 đạt được vào tháng 6/2021 để chống lại các tập đoàn đa quốc gia chuyển lợi nhuận sang nước có thuế suất thấp để tránh thuế, có hiệu lực từ 1/1/2024 với sự tham gia của 141 nước. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024, áp dụng từ năm tài chính 2024.
Theo nghị quyết, thuế suất sẽ áp dụng là 15% với các doanh nghiệp đa quốc gia có tổng doanh thu hợp nhất từ 750 triệu euro (khoảng 800 triệu USD) trở lên trong hai năm của 4 năm liền kề nhất.
Mức thuế suất tối thiểu 15% sẽ tác động tới Việt Nam khi chúng ta đang thực hiện nhiều chính sách ưu đãi về thuế với các nhà đầu tư nước ngoài, khiến số thuế thực nộp của nhóm đối tượng này dưới 15%.
Qua rà soát của Tổng cục thuế, có khoảng 122 tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu. Tuy nhiên, nếu Việt Nam không áp dụng, những quốc gia nơi đặt trụ sở chính của các tập đoàn nước ngoài có quyền thu phần thuế chênh lệch.
Đánh giá mức độ ảnh hưởng của mức thuế suất mới tới dòng vốn FDI, Chứng khoán KBSV cho rằng, khoản thuế suất mới làm dấy lên lo ngại về việc giảm sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các công ty nước ngoài vì cơ chế miễn giảm thuế là một trong những điểm hấp dẫn trong công cuộc thu hút dòng vốn ngoại.
KBSV cho rằng việc áp dụng mức thuế tối thiểu toàn cầu là cần thiết và phù hợp với bối cảnh chung, tuy nhiên Việt Nam sẽ cần phải “bù lại” bằng cách thông qua các cơ chế, chính sách ưu đãi khác bên cạnh việc nâng cao môi trường kinh doanh (lao động, cơ sở hạ tầng, thủ tục hành chính ...). Cho đến hiện tại, Quốc hội vẫn tiếp tục họp bàn về các chính sách phù hợp và nhiều khả năng sẽ sớm có những chính sách mới trong tương lai gần.
"Việt Nam vẫn sẽ là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI do các lợi thế về nguồn nhân lực giá rẻ, vị trí địa lý thuận lợi, các hiệp định FTA trong môi trường kinh tế tăng trưởng nhanh và hệ thống chính trị, pháp luật ổn định, ôn hòa. Theo đó vốn đầu tư FDI kỳ vọng vẫn là yếu tố hỗ trợ tốt cho tăng trưởng kinh tế trong các năm tới, và là động lực tăng trưởng cho nhóm bất động sản khu công nghiệp", các chuyên gia của KBSV kỳ vọng.
Cho rằng việc áp dụng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu có thể ảnh hưởng đến thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, song Chứng khoán BSC nhấn mạnh việc tác động là không nhiều.
Nguyên nhân do ưu đãi thuế không phải là yếu tố hàng đầu trong việc chọn địa điểm đầu tư của các doanh nghiệp FDI; Chính phủ đang nghiên cứu các ưu đãi khác để cấn trừ vào nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp như “Hỗ trợ chi phí đào tạo nguồn nhân lực”; “Xây dựng phương án triển khai các khoản hỗ trợ bằng tiền”.
BSC duy trì triển vọng lạc quan đối với ngành Bất động sản Khu công nghiệp trong Q4/2023-2024 nhờ: Nhu cầu thuê đất Khu công nghiệp dự báo tiếp tục tích cực nhờ Việt Nam đã Ký kết nhiều văn kiện về hợp tác kinh tế, thương mại và Nâng cấp mối quan hệ với các nền kinh tế hàng đầu thế giới. Cụ thể, 17 văn kiện hợp tác song phương đã được ký kết trong chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc hay vào đầu T9/2023, Việt Nam và Mỹ đã nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện.
Bên cạnh đó, theo các thông tin cập nhật của BSC, việc Nhật Bản và Việt Nam dự kiến sẽ nâng quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện và việc thủ tướng Trung Quốc chuẩn bị sang thăm Việt Nam trong T11/2023, sẽ tiếp tục là những chất xúc tác để thu hút nguồn vốn FDI vào Việt Nam nhiều hơn nữa.
Dư địa để thành lập Khu công nghiệp mới đến năm 2025 vẫn còn khá lớn. Theo kế hoạch sử dụng đất quốc gia của Chính phủ tại quyết định 326/QĐ-TTg, dư địa để phát triển KCN mới đến năm 2025 tại miền Bắc và miền Nam đều còn khoảng trên 5.000 ha. Trong đó, các tỉnh được tập trung mở rộng bao gồm Hải Phòng, Bắc Giang, Thái Nguyên ở miền Bắc và Đồng Nai, Long An, Bình Dương ở miền Nam.
Các dự án hạ tầng giao thông được đẩy nhanh xây dựng sẽ giải quyết nút thắt cổ chai “logistic” hỗ trợ trực tiếp cho ngành BĐS KCN. Chi phí logistics tại Việt Nam chiếm khoảng 16,8% giá trị hàng hóa trong khi mức chi phí này trên thế giới chỉ khoảng 10,6%.
Hiện chính phủ đang nỗ lực trong việc cải thiện hạ tầng giao thông với hàng loạt dự án đầu tư công giúp kết nối giao thông liên tỉnh và chuyển dịch sản xuất ra các tỉnh ngoài trung tâm như Cao tốc Bắc – Nam, đường vành đai 4 - Hà Nội, đường vành đai 3 - TP.Hồ Chí Minh, và các dự án cảng biển, sân bay đang được nằm trong quy hoạch và triển khai.