Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có chỉ đạo liên quan đến việc chuyển đổi mặt bằng nhà máy điện hạt nhân tại tỉnh Ninh Thuận.
Văn phòng Chính phủ cho biết, liên quan đến chuyển đổi mặt bằng nhà máy điện hạt nhân, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương điều chỉnh. Trong đó Thủ tướng lưu ý mục đích sử dụng đất sau chuyển đổi cần tính toán khoa học và phải bảo đảm hiệu quả. Cân nhắc việc sử dụng cho các dự án năng lượng tái tạo là thế mạnh của địa phương, đồng thời góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Công Thương hủy Quyết định số 6070/QĐ-BCT ngày 17/6/2015 về quy hoạch địa điểm xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 trong tháng 11/2018.
Cùng với đó, giao tỉnh Ninh Thuận lập đề án chuyển đổi mặt bằng các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2, bao gồm các phương án, kế hoạch đảm bảo ổn định sản xuất, đời sống nhân dân khu vực dự án. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, cơ quan liên quan thẩm định đề án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/12/2018 để xem xét, quyết định.
Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương đầu tư hạ tầng truyền tải điện để giải phóng công suất các dự án điện gió, điện mặt trời, giao Bộ Công Thương khẩn trương chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng truyền tải đường dây 500kV và 220kV trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 theo Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 30/8/2018 của Chính phủ; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những khó khăn vướng mắc và những vấn đề vượt thẩm quyền trong tháng 11/2018.
Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận bao gồm 2 nhà máy 1 và 2 được dự tính xây dựng cho đến năm 2016 tại tỉnh Ninh Thuận, Việt Nam với tổng công suất trên 4.000 MW. Theo quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia, nhà máy điện hạt nhân 1 và 2 sẽ được khởi công vào năm 2020 chậm hơn 6 năm dự kiến.
Sau thảm họa phóng xạ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima năm 2011 tại Nhật Bản do động đất và sóng thần, dự án sau đó phải lùi địa điểm đã chọn vào đất liền sâu hơn, công trình được nâng lên để bảo đảm an toàn
Tổng mức đầu tư dự toán khoảng 200.000 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2008. Trong đó Nga đồng ý cho Việt Nam vay 10,5 tỷ USD, Nhật cho vay nguồn vốn ODA làm điện hạt nhân.
Đến tháng 11/2016, Quốc hội đã biểu quyết dừng thực hiện dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại tỉnh Ninh Thuận vì lý do kinh tế.