Đồng yên Nhật Bản sáng nay (25/9) giảm về gần mốc chủ chốt 150 yên đổi 1 USD, khiến thị trường gia tăng đồn đoán rằng Chính phủ nước này sắp có một động thái can thiệp để bảo vệ tỷ giá đồng nội tệ. Sức ép mất giá đối với yên đã gia tăng kể từ hôm thứ Sáu tuần trước, sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đẩy lui kỳ vọng về một sự dịch chuyển sớm khỏi chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo.
Áp lực đối với đồng yên càng lớn hơn khi trên thị trường tiền tệ, đồng USD tiếp tục giữ ưu thế trước các đồng tiền chủ chốt, duy trì xu hướng tăng sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong tuần trước thể hiện lập trường chính sách tiền tệ cứng rắn hơn so với kỳ vọng bằng tín hiệu rằng lãi suất sẽ giữ ở mức cao hơn trong thời gian lâu hơn.
Tỷ giá yên so với USD sáng 25/9 có lúc giảm về mức 148,49 yên đổi 1 USD, thấp nhất trong hơn 10 tháng. Mốc 150 yên/USD là mốc mà nhiều nhà quan sát cho là giới hạn để Bộ Tài chính Nhật Bản đưa ra động thái can thiệp tỷ giá như đã hành động hồi cuối năm ngoái.
Thị trường tài chính hiện đang đặt cược khả năng khoảng 21% Fed nâng lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp vào tháng 11.
Phiên ngày thứ Sáu, đồng yên trượt giá 0,5% so với đồng USD, sau khi BOJ duy trì lãi suất âm và giữ nguyên lập trường chính sách tiền tệ mềm mỏng. Thống đốc BOJ Kazuo Ueda cũng nói rằng cơ quan này cần có thêm thời gian để đánh giá các dữ liệu kinh tế trước khi có thể tăng lãi suất.
Lý giải về việc đồng yên bị bán mạnh sau cuộc họp của BOJ, chiến lược gia trưởng Kenta Tadaide của Daiwa Securities, nói với tờ Nikkei Asia: “Trước cuộc họp, thị trường nhìn chung kỳ vọng chính sách tiền tệ sẽ được BOJ giữ nguyên trạng, nhưng vẫn có một số nhà đầu tư hy vọng có một sự thay đổi nhỏ trong định hướng hay một vài thay đổi nào đó khác. Bởi vậy, việc BOJ không đưa ra thay đổi nào đã dẫn tới việc đồng yên bị bán mạnh”.
Trao đổi với hãng tin Reuters, chiến lược gia tiền tệ Carol Kong của ngân hàng Commonwealth Bank of Australia không cho rằng mốc 150 yên/USD quan trọng như đánh giá của nhiều người hay có thể là ngưỡng sẽ khiến Nhật Bản có hành động can thiệp. Thay vào đó, bà Kong cho rằng điều khiến Tokyo quan tâm hơn là tốc độ mất giá của đồng yên. “Nhưng tôi thực sự cho rằng khả năng can thiệp đã tăng lên, xét đến những lời cảnh báo mà giới chức Nhật Bản đã đưa ra”, bà nói.
“Ngoài ra, cũng có khả năng cao về một sự can thiệp phối hợp, vì Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen gần đây đã ‘bật đèn xanh’ cho Nhật Bản can thiệp”, bà Kong nhận định.
Tuần trước, bà Yellen phát biểu rằng việc Washington có thể hiện sự đồng tình hay không đối với một động thái của Tokyo mua vào đồng yên sẽ “tuỳ thuộc vào tình hình thực tế”.
Không chỉ đồng yên mà các đồng tiền chủ chốt khác cũng đang trong xu hướng mất giá so với đồng USD.
Hôm thứ Sáu, đồng tiền chung châu Âu euro giảm xuống mức thấp nhất 6 tháng so với USD, với gần 1,062 USD đổi 1 euro. Sáng thứ Hai, euro tăng nhẹ lên mức 1,065 USD đổi 1 euro. Từ đầu tháng tới nay, euro đã giảm giá 1,8% so với USD, trên đà hoàn tất tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 5.
Đồng bảng Anh mất giá hơn 1% so với USD trong tuần trước, sau khi Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) tạm dừng việc tăng lãi suất - quyết định được đưa ra một ngày sau khi thống kê cho thấy tốc độ lạm phát ở nước này bất ngờ giảm mạnh. Tỷ giá đồng bảng sáng thứ Hai giữ ở mức hơn 1,22 USD tương đương 1 bảng. Nếu tính từ đầu tháng, bảng Anh đã giảm hơn 3% so với USD, đánh dấu tháng giảm mạnh nhất trong hơn 1 năm trở lại đây.
“Các ngân hàng trung ương của Anh, eurozone và Nhật Bản đang chờ xem nền kinh tế giảm tốc của họ có thể giúp đánh bại lạm phát được hay không, hay sự giảm tốc đó có đủ sâu để họ không cần phải thắt chặt thêm chính sách tiền tệ hay không”, chiến lược gia Thierry Wizman của công ty Macquarie nói với Reuters. “Trong khi đó, kinh tế Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu suy yếu, và Fed đã phát tín hiệu sẽ tiếp tục thắt chăt chính sách tiền tệ”.
Thị trường tài chính hiện đang đặt cược khả năng khoảng 21% Fed nâng lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp vào tháng 11. Chỉ số Dollar Index - thước đo sức mạnh của bạc xanh so với 1 rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác - đang dao động quanh ngưỡng 105,6 điểm, cách không xa mức đỉnh của 6 tháng là 105,8 thiết lập vào hôm thứ Sáu.
Trở lại với cặp tỷ giá yên/USD, giới phân tích cho rằng khoảng cách lãi suất lớn giữa Mỹ và nhật Bản sẽ tiếp tục khuyến khích nhà đầu tư bán ra đồng yên.
Cách đây khoảng 1 năm, vào hôm 22/9/2022, Bộ Tài chính Nhật Bản và BOJ đã can thiệp vào thị trường ngoại hối bằng cách mua yên và bán USD. Sau đó, việc can thiệp tiếp tục diễn ra vào tháng 10, nhưng không duy trì tác dụng lâu trong việc bảo vệ tỷ giá yên.