January 23, 2024 | 13:16 GMT+7

Đồng yên trượt giá sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật giữ nguyên lãi suất âm

Bình Minh -

Sau khi tuyên bố của BOJ được đưa ra, thị trường chứng khoán Nhật Bản lập đỉnh cao mới của 34 năm, trong khi đồng yên tiếp tục xu hướng mất giá từ đầu năm...

Thống đốc BOJ Kazuo Ueda - Ảnh: Bloomberg.
Thống đốc BOJ Kazuo Ueda - Ảnh: Bloomberg.

Trong một quyết định không nằm ngoài dự báo, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) ngày 23/1 giữ nguyên lãi suất ở trạng thái âm. Ngoài ra, cơ quan này giảm dự báo về lạm phát lõi trong năm tài khoá tới - một động thái làm gia tăng áp lực mất giá lên đồng yên, khiến đồng tiền này sụt về gần hơn mốc chủ chốt 150 yên đổi 1 USD.

Kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ đầu tiên của năm 2024, diễn ra trong hai ngày 22-23/1, BOJ duy trì lãi suất ngắn hạn ở mức -0,1% và duy trì chính sách kiểm soát đường cong lợi suất (YCC) nhằm giữ lãi suất dài hạn ở mức thấp. YCC cho phép lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm dao động trong khoảng từ -1% đến 1%.

Kết quả cuộc họp này của BOJ phù hợp với dự báo mà các chuyên gia kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters, với 100% nhà kinh tế được hỏi nhận định BOJ sẽ không thay đổi lãi suất trong lần họp này. Như vậy, BOJ tiếp tục là ngân hàng trung ương lớn duy nhất trên thế giới còn duy trì lãi suất âm.

Việc BOJ “án binh bất động” về chính sách tiền tệ là nhằm đợi cho tới khi có thêm dữ liệu về tăng trưởng tiền lương, để xác định xem tốc độ tăng lương đã đủ để duy trì lạm phát ổn định quanh ngưỡng mục tiêu 2% hay chưa.

Ngân hàng trung ương của các nền kinh tế phát triển như Mỹ, châu Âu, Anh, Nhật Bản… đều có chung mục tiêu lạm phát 2%, nhưng trong khi các nước phương Tây phải kéo lạm phát xuống để đạt mục tiêu này, Nhật Bản phải tìm cách kéo lạm phát lên để đạt ngưỡng 2% vì giảm phát/lạm phát quá thấp là một vấn đề nan giải của kinh tế Nhật Bản trong suốt nhiều thập kỷ qua.

Sau khi tuyên bố của BOJ được đưa ra, thị trường chứng khoán Nhật Bản lập đỉnh cao mới của 34 năm, trong khi đồng yên tiếp tục xu hướng mất giá từ đầu năm.

Chỉ số Nikkei 225 có thời điểm tăng 1%, đạt mức cao nhất kể từ tháng 2/1990, nâng tổng mức tăng từ đầu năm lên 10,3%. Trái lại, đồng yên có lúc giảm giá 0,2% so với USD, về mức 148,35 yên đổi 1 USD, nâng tổng mức giảm từ đầu năm lên 5%.

“Thị trường có lẽ sẽ lại thất vọng vì Thống đốc BOJ Kazuo Ueda chắc sẽ không đưa ra một tín hiệu rõ ràng nào về bình thường hoá chính sách trong tương lai gần. Tuy nhiên, ông ấy có thể tỏ ra mềm mỏng hơn trước kia, vì lạm phát ở Nhật Bản gần đây đã chậm lại”, trưởng nghiên cứu khu vực châu Á-Thái Bình Dương của ngân hàng ING, ông Robert Carnell, nhận định về cuộc họp báo sắp diễn ra của ông Ueda.

Việc BOJ duy trì lãi suất âm cũng gây áp lực giảm lên lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản, với lợi suất của kỳ hạn 10 năm giảm 1 điểm cơ bản, còn 0,64%, thấp hơn nhiều so với mức đỉnh 0,97% vào tháng 11 năm ngoái.

Trong dự cáo cập nhật hàng quý về kinh tế Nhật Bản, BOJ hạ dự báo mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lõi trong tài khoá bắt đầu vào tháng 4/2024 còn 2,4%, so với mức 2,8% đưa ra trong lần dự báo vào tháng 10.

Số liệu thống kê công bố vào tuần trước cho thấy CPI lõi của Nhật Bản tăng 3,1% trong năm ngoái, mức tăng cao nhất kể từ năm 1982. Tốc độ lạm phát này cao hơn gấp rưỡi mục tiêu của BOJ nhưng các nhà hoạch định chính sách tiền tệ lo ngại rằng việc tăng lãi suất quá sớm có thể khiến vòng xoáy tăng lương-tăng giá bị chặn lại, dẫn tới lạm phát lại tụt dưới mục tiêu.

Trở lại với tỷ giá đồng yên, từ tháng 11 đến nay, đồng tiền này chưa khi nào giảm về mức 150 yên đổi 1 USD. Giới chuyên gia cho rằng xu hướng mất giá của yên từ đầu năm đến nay không chỉ do BOJ duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo mà còn do trận động đất nghiêm trọng ở Nhật hôm 1/1. Thị trường cũng đang rộ lên đồn đoán về khả năng nhà chức trách Nhật Bản có thể can thiệp để bảo vệ tỷ giá nếu yên rớt về mốc 150 yên đổi 1 USD.

“Nhà chức trách có thể sẽ tăng cường cảnh báo nếu yên giảm về mức 150. Khả năng họ thực sự có động thái can thiệp là thấp vì đồng USD vẫn đang trong xu hướng tăng. Nhưng dù sao, những đồn đoán về can thiệp sẽ gia tăng trên thị trường”, chiến lược gia Junichi Ishikawa của công ty IG Markets nhận định với hãng tin Bloomberg.

Về phần mình, đồng USD đang có ưu thế nhờ các số liệu khả quan về kinh tế Mỹ làm suy giảm khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sớm bắt đầu cắt giảm lãi suất. Số liệu từ Uỷ ban Giao dịch hàng hoá tương lai Mỹ (CFTC) cho thấy sau 4 tuần đặt cược vào sự tăng giá của yên, các nhà quản lý tài sản đã lại chuyển sang đặt cược vào sự mất giá của đồng tiền này.

“Thật bất ngờ khi đồng yên giảm giá nhiều đến như vậy trong chưa đầy 1 tháng. Vào cuối năm ngoái, nhiều người trong đó có cả tôi, cứ nghĩ là đồng yên sẽ tăng giá lên ngưỡng khoảng 135 yên đổi 1 USD”, chiến lược gia Hirofumi Suzuki của ngân hàng Sumitomo Mitsui phát biểu trên Bloomberg.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate