August 06, 2024 | 08:20 GMT+7

Dow Jones “bay” hơn 1.000 điểm, giá dầu nóng lên sau tin Trung Đông

Bình Minh -

Chỉ số VIX đo lường nỗi sợ hãi của nhà đầu tư ở Phố Wall có lúc tăng tới 65 điểm, mức cao nhất kể từ những ngày đầu của đại dịch Covid1-9 vào năm 2020...

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm dữ dội trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (5/8), khi mối lo về sức khỏe của nền kinh tế lớn nhất thế giới châm ngòi bán tháo trên toàn cầu. Giá dầu thô giảm sâu rồi hồi mạnh do mối lo về căng thẳng gia tăng ở khu vực Trung Đông.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 1.033,99 điểm, tương đương giảm 2,6%, còn 38.703,27 điểm. Chỉ số Nasdaq sụt 3,43%, còn 16.200,08 điểm. Chỉ số S&P 500 trượt 3%, còn 5.186,33 điểm.

Đây là phiên giảm mạnh nhất của Dow Jones và S&P 500 kể từ tháng 9/2022.

Trước đó cùng ngày, chứng khoán Nhật Bản ghi nhận cú giảm hơn 12%, đánh dấu phiên giao dịch tồi tệ nhất kể từ “ngày thứ Hai đen tối” vào năm 1987, khiến nhà đầu tư càng thêm phần lo ngại về biến động trên thị trường toàn cầu. Vào “ngày thứ Hai đen tối đó” năm đó, Dow Jones ghi nhận mức giảm 22%.

Theo giới phân tích, mối lo kinh tế Mỹ suy thoái là “thủ phạm” chính nhấn chìm chứng khoán thế giới trong sắc đỏ. Báo cáo việc làm gây thất vọng mà Bộ Lao động Mỹ công bố vào hôm thứ Sáu làm dấy lên mối lo rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã chậm trễ trong việc cắt giảm lãi suất để có thể ngăn được một cuộc suy thoái. Thị trường tin rằng để sửa chữa sai lầm này, Fed sẽ phải giảm lãi suất 3 lần liên tiếp trong thời gian còn lại của năm nay, có thể với mức giảm 0,5 điểm phần trăm mỗi lần.

Giảm sâu nhất phiên này ở Phố Wall là các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn và cổ phiếu liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI) - vốn là những cổ phiếu đã tăng cao và tăng lâu nhờ cơn sốt AI.

Cổ phiếu hãng sản xuất chip Nvidia sụt 6,4%, nâng tổng mức giảm từ mức đỉnh của 52 tuần lên gần 29%. Apple giảm 4,8% sau khi có tin tập đoàn Berkshire Hathaway của nhà đầu tư huyền thoại giảm một nửa cổ phần trong nhà sản xuất điện thoại iPhone. Cổ phiếu hãng xe điện Tesla chốt phiên với mức giảm 4,2%.

Mối lo kinh tế Mỹ suy thoái khiến lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm mạnh. Giá trái phiếu kho bạc Mỹ tăng cao khi nhà đầu tư đổ xô mua loại tài sản này để tìm kiếm sự an toàn. Lợi suất của kỳ hạn 10 năm giảm về mức 3,78% vào cuối phiên, mức thấp nhất kể từ tháng 6/2023.

Ngoài cổ phiếu, nhiều tài sản có độ rủi ro cao hơn khác như tiền ảo cũng giảm giá chóng mặt. Giá bitcoin giảm từ mức gần 62.000 USD/bitcoin vào hôm thứ Sáu, xuống mức 54.000 USD/bitcoin vào hôm thứ Hai.

Thị trường chứng khoán châu Âu không nằm ngoài xu hướng bán tháo, chốt phiên với mức giảm 2,2% của chỉ số Stoxx 600.

Chỉ số VIX đo lường nỗi sợ hãi của nhà đầu tư ở Phố Wall có lúc tăng tới 65 điểm, mức cao nhất kể từ những ngày đầu của đại dịch Covid1-9 vào năm 2020. Cuối phiên, chỉ số giảm về mức 38 điểm.

Ngoài mối lo kinh tế Mỹ suy thoái, giới phân tích còn cho rằng thị trường tài chính bán tháo là hệ quả của việc nhà đầu tư rút khỏi vị thế giao dịch chênh lệch lãi suất (carry-trade) đồng yên Nhật sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) tăng lãi suất vào tuần trước. Động thái của BOJ đã rút ngắn chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và Nhật Bản, góp phần đẩy tỷ giá yên tăng mạnh so với USD, khiến nhà đầu tư tháo chạy khỏi hoạt động vay đồng yên để mua các tài sản khác trên toàn cầu.

“Tôi nghĩ rằng mọi người đã bị cảm giác an toàn đánh lừa. Trên thực tế, thị trường rất dễ rơi vào một cuộc điều chỉnh, và các báo cáo kinh tế yếu hơn dự báo đã trở thành chất xúc tác cho điều chỉnh”, chiến lược gia Sam Stovall của công ty CFRA Research nhận định.

Đến phiên này, S&P 500 đã giảm khoảng 8,5% so với mức đỉnh gần nhất. Nasdaq đã rơi và trạng thái thị trường điều chỉnh vào hôm thứ Sáu khi giảm 10% so với đỉnh.

Phát biểu ngày thứ Hai, Chủ tịch Fed chi nhánh Chicago, ông Austan Goolsbee, tránh đưa ra cam kết về một đường đi lãi suất cụ thể của Fed. Tuy nhiên, ông nói rằng lãi suất Fed hiện tại có thể đang quá “thắt chặt”. Nếu tình trạng của nền kinh tế xấu đi nhanh chóng, Fed sẽ bắt tay vào “sửa chữa” - ông Goolsbee nói với hãng tin CNBC.

Trong số 500 cổ phiếu thành viên của S&P 500, chỉ có 22 cổ phiếu tăng phiên này.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 0,51 USD/thùng, tương đương giảm 0,66%, còn 76,3 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 0,58 USD/thùng, tương đương giảm 0,79%, còn 72,94 USD/thùng.

Trước đó trong phiên, giá dầu Brent có lúc giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1. Mức giá đóng cửa của giá dầu WTI là thấp nhất kể từ tháng 2. Sáng nay (6/8), giá dầu tiếp tục hồi mạnh, có thời điểm tăng 1,6% do căng thẳng ở Trung Đông lại leo thang.

Thị trường dầu thô đang lo ngại rằng việc Iran trả đũa vụ ám sát một thủ lĩnh Hamas ở Tehran có thể dẫn tới một cuộc chiến tranh trên diện rộng ở Trung Đông. Mối lo suy thoái kinh tế Mỹ gây áp lực giảm mạnh lên giá dầu, nhưng rủi ro địa chính trị là yếu tố hỗ trợ giá dầu.

Các nhà giao dịch cho rằng phản ứng của Iran sẽ không kéo dài, dẫn tới việc giá dầu sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi mối lo suy thoái kinh tế. “Nếu mối lo về Trung Đông qua đi nhanh chóng, giá dầu có thể lại rơi vào một vòng xoáy giảm giá”, nhà sáng lập John Kilduff của công ty Again Capital LLC nhận định với hãng tin Reuters.

Ngoài vấn đề kinh tế Mỹ, giá dầu gần đây còn đương đầu với mối lo về nhu cầu tiêu thụ dầu của Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới gần đây có nhiều biểu hiện đáng lo ngại do tiêu dùng còn yếu, nhưng Chính phủ Trung Quốc không đưa ra biện pháp kích cầu mạnh mẽ nào.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate